Quan tâm xử lý tình trạng đất xen kẹt

07:08, 30/08/2019

Thời gian qua, trong quá trình thu hồi đất để xây dựng các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội ở các địa phương khiến nhiều đồng ruộng bị chia cắt tạo nên những khu ruộng xen kẹt, không đảm bảo yêu cầu tiếp tục canh tác, dần trở thành hoang hóa. Hay tại nhiều khu dân cư, sau khi giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đã phát sinh những thửa đất nhỏ, hình thái méo mó không đáp ứng yêu cầu kỹ, mỹ thuật khi xây dựng cũng như điều kiện về diện tích để cấp giấy phép xây dựng (có diện tích dưới 15m2). Tìm giải pháp quản lý hiệu quả đất xen kẹt là yêu cầu để không lãng phí và phát huy giá trị tài nguyên đất.

Cán bộ xã Hải Thanh (Hải Hậu) trao đổi phương án thống kê diện tích đất xen kẹt.
Cán bộ xã Hải Thanh (Hải Hậu) trao đổi phương án thống kê diện tích đất xen kẹt.

Qua rà soát xem xét, đối với những diện tích đất nông nghiệp xen kẹt có thể khôi phục được sản xuất, nhiều địa phương đã hỗ trợ một phần kinh phí và động viên người dân phối hợp đầu tư hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện, tưới tiêu để khắc phục các trở ngại, tiếp tục khai thác canh tác; xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt theo từng vùng trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung của các địa phương. Trong năm 2018, toàn tỉnh chuyển đổi được 1.542ha; trong đó, đã chuyển 824ha sang trồng cây hàng năm, chuyển 83ha sang trồng cây lâu năm, chuyển 634ha sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa. Nhờ đó, tại các địa phương đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên các khu vực đồng ruộng xen kẹt. Đối với các thửa đất nhỏ, chéo, méo phát sinh sau giải phóng mặt bằng tại các khu dân cư, khu đô thị, thành phố Nam Định khuyến khích các chủ sử dụng đất thực hiện việc hợp thửa, sử dụng các giải pháp kỹ thuật, kiến trúc xây dựng hợp khối mặt đứng với công trình liền kề khắc phục nhược điểm thửa đất, đảm bảo hòa nhập với kiến trúc cảnh quan chung. Tuy nhiên, việc xử lý, nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất xen kẹt còn nhiều vướng mắc bởi trên thực tế nhiều khu vực đất nông nghiệp xen kẹt không đủ điều kiện diện tích tối thiểu để chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định hoặc chi phí đầu tư cải tạo quá lớn không có khả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về phần đất dôi dư, chéo, méo trong khu dân cư không thỏa thuận chuyển nhượng được giữa các chủ sở hữu để hợp thửa hay xây dựng hợp khối mặt đứng với công trình liền kề.

Với mục tiêu vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, vừa không để lãng phí tài nguyên đất, tránh nguy cơ phát sinh vi phạm trong quản lý, sử dụng đất xen kẹt, tại Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 16-10-2018 UBND tỉnh đã giao UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát, phân loại đất nông nghiệp nằm xen kẹt trong khu dân cư hoặc liền kề khu dân cư hiện nay không canh tác được và đề xuất phương án xử lý, gửi báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường; giao các sở, ngành liên quan bám sát chỉ đạo của Trung ương, quy định pháp luật để xây dựng phương án xử lý tổng thể trên toàn tỉnh. Theo đó, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xử lý đất xen kẹt là: nếu đất xen kẹt đủ lớn, có thể quy hoạch để thực hiện các công trình công cộng phúc lợi xã hội thì Nhà nước sử dụng làm công trình phúc lợi xã hội; đối với đất có thể chuyển đổi thành trung tâm thương mại, phục vụ cho nguồn lực phát triển kinh tế, thì UBND các tỉnh, thành phố sẽ thực hiện quyền đấu giá để tạo nguồn vốn, nguồn lực từ quỹ đất này để phát triển các công trình thương mại dịch vụ; trường hợp những mảnh đất xen kẹt chưa đủ lớn thì xác định theo hướng nếu liền kề hộ dân nào thì tạo điều kiện cho hộ dân đó chuyển sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở và phải chịu trách nhiệm về tài chính. Trên quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất ý kiến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê, tổng hợp toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị xen kẹt trên địa bàn và phân loại thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm diện tích xen kẹt có quy mô từ 1ha trở lên vẫn có khả năng phục hồi sản xuất nếu được đầu tư đầy đủ hệ thống thủy lợi. Đối với nhóm này, UBND xã ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa hàng năm để đầu tư cải tạo hoặc xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, đảm bảo yêu cầu canh tác. Nhóm thứ hai là nhóm diện tích xen kẹt quy mô dưới 1ha, yêu cầu UBND các huyện, thành phố căn cứ vào chỉ tiêu đất trồng lúa đã được phân khai trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo UBND cấp xã lập phương án chuyển đổi tối ưu đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các địa phương chủ động việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất bảo đảm phù hợp với phương án quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được UBND tỉnh phê duyệt và phù hợp với các quy định có liên quan của pháp luật. Riêng các thửa đất nhỏ, chéo, méo tại khu dân cư, hiện nay các địa phương đã yêu cầu các đơn vị chức năng phải tập trung rà soát, xác định phương án giải quyết các thửa đất không đủ diện tích để cấp phép xây dựng còn tồn đọng và không để phát sinh các trường hợp mới. Thành phố Nam Định chỉ đạo các xã, phường phải chủ động yêu cầu chủ đầu tư xây dựng các tuyến đường nâng cao trách nhiệm xử lý các thửa đất nhỏ lẻ, không đủ điều kiện ngay từ khâu lập dự án. Đối với những dự án đã và đang thực hiện còn tồn tại những thửa đất nhỏ lẻ, không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, yêu cầu các xã, phường tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các chủ sử dụng đất thực hiện việc hợp thửa, xây dựng hợp khối mặt đứng với công trình liền kề để tạo sự hòa nhập với kiến trúc cảnh quan trên toàn tuyến. Phòng Quản lý đô thị đề xuất được thí điểm lập thiết kế đô thị theo hướng tạo cảnh quan hòa nhập cho một số tuyến phố chính; sau khi có chủ trương sẽ phối hợp với các phường, xã thống kê những thửa đất nhỏ lẻ phát sinh sau giải phóng mặt bằng để đề xuất phương án xử lý cụ thể cho phù hợp với kiến trúc, cảnh quan toàn tuyến. Phòng Quản lý đô thị xây dựng phương án tham mưu UBND thành phố đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo hướng quy định rõ, với các thửa đất chéo, méo không đủ điều kiện cấp phép xây dựng sau giải phóng mặt bằng và nằm ngoài chỉ giới đường đỏ, Nhà nước sẽ thu hồi luôn từ giai đoạn triển khai đầu tư dự án./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com