Lồng ghép mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị ven biển

06:04, 19/04/2019

Biến đổi khí hậu tác động đến toàn bộ môi trường sống của con người và tự nhiên, tạo nên những thách thức to lớn đối với sự phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn, đặc biệt là đối với các đô thị ven biển. Theo kịch bản nước biển dâng tại tỉnh ta, đến năm 2030 mực nước biển dâng khoảng 13cm và đến năm 2100, nước biển sẽ dâng khoảng 73cm; tỷ lệ ngập ứng với các mực nước biển dâng (từ 50cm đến 100cm) là từ 26% đến 58%, ước tính khoảng 675km2 diện tích thường xuyên bị ngập, tập trung ở các huyện ven biển như: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ. Do đó, để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Sở Xây dựng đã chủ động lồng ghép, tích hợp các chương trình, mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch xây dựng các đô thị, thị trấn ven biển như: quy hoạch chung xây dựng đô thị Rạng Đông đến năm 2040, quy hoạch chung xây dựng đô thị Thịnh Long đến năm 2030, quy hoạch xây dựng đô thị Quất Lâm đến năm 2040.

Tuyến đường trục đô thị Rạng Đông (Nghĩa Hưng) kết nối với kinh tế biển được đầu tư đồng bộ đảm bảo phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
Tuyến đường trục đô thị Rạng Đông (Nghĩa Hưng) kết nối với kinh tế biển được đầu tư đồng bộ đảm bảo phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

Định hướng trọng tâm của các quy hoạch đô thị ven biển đều bổ sung các dự báo, nguy cơ thiệt hại trước điều kiện diễn biến biến đổi khí hậu phức tạp, từ đó tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan; hạ tầng kỹ thuật cơ sở đảm bảo thích ứng và phát triển hài hoà, thân thiện với môi trường. Trong đó, giải pháp chính là đầu tư xây dựng lại hệ thống các công trình đê, kè biển, sông, kênh mương đô thị kết hợp với bố trí, sắp xếp lại các khu dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại, bảo vệ môi trường và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng. Tại khu vực quy hoạch đô thị Rạng Đông (Nghĩa Hưng), theo khảo sát của các ngành chức năng, bề mặt nền đô thị hiện tương đối ổn định, có cao độ nền xây dựng từ 1 đến 2m, cao độ các khu vực trồng lúa và rau màu từ 0,3 đến 0,8m. Hướng dốc địa hình có xu thế thấp dần từ tây sang đông và từ bắc xuống nam. Hệ thống thoát nước mưa của đô thị Rạng Đông được gắn liền với hệ thống thủy lợi của khu vực: sông Ấp Bắc, sông Bình Hải, kênh Quần Vinh I, kênh Quần Vinh II và chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều. Hiện tại, khả năng thoát nước đồng bộ của thị trấn và các khu vực còn lại vẫn chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Do địa hình của khu vực không bằng phẳng, diện tích trũng nhiều nên hệ thống tiêu nước chỉ tiêu úng ở lượng mưa 3 ngày nhỏ hơn 200mm, khi lượng mưa lớn hơn sẽ gây úng lụt diện rộng cho toàn khu vực đô thị. Để đảm bảo an toàn cho đô thị, hiện tại, Thị trấn Rạng Đông đã ban hành quy định cao độ nền khống chế tối thiểu phải cao hơn mực nước tính toán 0,3m đối với đất dân dụng. Trong đó, cao độ nền tại khu trung tâm là 2,59m, hướng dốc về phía các sông và kênh tiêu trong khu vực. Đối với các khu dân cư hiện trạng đang có cốt thấp hơn cao độ khống chế, trước mắt cần xây dựng hệ thống thoát nước bao quanh để thu gom nước tránh ngập úng cục bộ, đồng thời từng bước tôn nền đảm bảo bằng cao độ nền khống chế. Hệ thống thoát nước mưa được tính toán thoát theo 4 lưu vực; đồng thời, hệ thống thoát nước thải được xây dựng riêng. Các tuyến cống chính được bố trí 2 bên đường trên vỉa hè có đường kính từ D600 đến D1.500, trên các tuyến cống bố trí các ga thu, ga thăm có khoảng cách đảm bảo theo tiêu chuẩn hiện hành. Vật liệu sử dụng cho hệ thống thoát nước trong điều kiện nước ngầm mạch nông, bị nhiễm mặn chủ yếu bằng vật liệu xi măng bền sunfat và bê tông chống thấm. Bên cạnh đó, hệ thống tưới tiêu tại các tuyến kênh Tiền Phong, Ấp Bắc, Quần Vinh I, Quần Vinh II, Bình Hải 5 và Thanh Hương phải được nạo vét thường xuyên nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước, cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị. Xây dựng thêm các hồ chứa với tổng diện tích 226ha tại trung tâm đô thị. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo hệ thống kênh mương, kè bê tông hóa các kênh mương, đê chắn sóng hiện có nhằm kiểm soát lũ và sóng biển. Bổ sung thêm khu vực rừng phòng hộ cho đô thị mới Rạng Đông. Cốt san nền toàn đô thị được kiểm soát thường xuyên tại từng dự án, công trình. Hầu hết các khu vui chơi, bãi tắm, các công trình công cộng, đầu mối hạ tầng của đô thị được thiết kế tôn cao nền thêm 50cm so với thực tế và có biện pháp gia cố nền, áp dụng công nghệ thi công mới nhằm nâng cao sức chịu gió, bão, nhiễm mặn. Tăng cường không gian mặt nước và diện tích cây xanh tại các khu vực trung tâm đô thị và các khu dân cư. Tại Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), độ cao nền đường, cốt đất nền được xây dựng đảm bảo phù hợp với cao độ chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, phần lớn các công trình xây dựng thuộc địa bàn thị trấn thuộc lưu vực 2 và 3, bao gồm dọc 2 bên bờ sông 1-5, sông Phú Lễ và khu vực phía tây nam của đô thị mới, địa hình sẽ được thoải dần về phía sông 1-5, độ dốc trung bình 0,4% đảm bảo thoát nước mưa tự chảy. Hệ thống thoát nước dân sinh (sinh hoạt, sản xuất) được thiết kế tách riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Nhằm tăng cường khả năng ứng phó trước biến đổi khí hậu cho các đô thị ven biển, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương phải tiếp tục rà soát các quy hoạch chung đô thị ven biển, chủ động lồng ghép các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong quá trình điều chỉnh đồ án và triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Tích cực lồng ghép các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong nghị quyết Đảng bộ các cấp, chương trình phát triển đô thị dài hơi và các dự án đầu tư phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế xanh, coi đây là mục tiêu phát triển đô thị bền vững trong tương lai. Nghiên cứu thiết lập mô hình quản lý xây dựng đô thị đặc thù đối với các đô thị ven biển; đảm bảo quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt. Nâng cao năng lực cho các bộ, các sở, ban, ngành và chính quyền đô thị ven biển để đảm bảo sự phối hợp quản lý xây dựng đô thị hiệu quả giữa địa phương và các bộ, ngành Trung ương. Tăng cường thu thập, chia sẻ, sử dụng tích hợp dữ liệu về biến đổi khí hậu vào các số liệu dự báo, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là bảo vệ môi trường. Huy động sự tham gia cộng đồng người dân trong kiểm tra, giám sát xây dựng, quản lý đô thị đảm bảo ứng phó tốt với biến đổi khí hậu./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com