Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học

08:04, 16/04/2019

Điều kiện tự nhiên tỉnh ta có tính đa dạng sinh học cao; trong đó có Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) với tổng diện tích khoảng 15 nghìn ha, bao gồm vùng lõi 7.100ha (3.100ha diện tích đất nổi có rừng khi triều kiệt và khoảng 4.000ha đất còn ngập nước); vùng đệm rộng 7.233ha, bao gồm 960ha phần diện tích còn lại của Cồn Ngạn, toàn bộ bãi trong với diện tích 1.997ha và diện tích tự nhiên của 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải. Vườn quốc gia Xuân Thủy đồng thời là Khu Ramsa quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Tháng 12-2004, UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, trong đó Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng lõi, có tầm quan trọng đặc biệt. Ở góc độ sinh vật, Vườn quốc gia Xuân Thủy là vùng đất ngập nước ven biển nằm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ (theo sự phân chia vùng sinh thái biển).

Xác định tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với đời sống con người, môi trường và xã hội, tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học theo các Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học năm 1995 và 2007, cùng nhiều chiến lược, quy hoạch và kế hoạch hành động liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. Hiện, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã xây dựng Quy chế bảo tồn thiên nhiên của Vườn và Quy chế sử dụng khôn khéo, bền vững tài nguyên đất ngập nước ở Khu Ramsa Xuân Thủy; xây dựng thể chế quản lý thích hợp nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường; tăng cường liên kết với cán bộ và cộng đồng dân cư địa phương để giải quyết hài hòa các mối quan hệ về lợi ích; cùng địa phương thực hiện các chính sách quản lý đất đai, phát triển kinh tế ở vùng đệm. Bên cạnh đó, do là Khu Ramsa quốc tế đầu tiên của Việt Nam nên Vườn quốc gia Xuân Thủy đã và đang cùng cộng đồng địa phương thực hiện cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học của Chính phủ ở địa danh Ramsa. Hệ thống rừng đặc dụng đã có Ban quản lý và đi vào hoạt động ổn định; nguồn tài chính cho công tác quản lý rừng đặc dụng về cơ bản đã được duy trì thường xuyên.

Trồng rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Trồng rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh những thành công, công tác quản lý bảo vệ đa dạng sinh học của tỉnh còn nhiều bất cập, khó khăn. Các quy định pháp luật bảo vệ đa dạng sinh học chưa mang tính hệ thống và không đồng bộ, chưa có sự thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn và chồng chéo do được quy định ở nhiều văn bản, chủ yếu quy định cho một lĩnh vực cụ thể, chưa tạo ra được một cơ chế, chính sách cần thiết làm cho người dân hiểu được nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi tham gia bảo vệ đa dạng sinh học nên chưa huy động được sự tham gia đúng mức của cộng đồng trong bảo vệ đa dạng sinh học. Còn thiếu quy hoạch lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học thống nhất cấp vùng, tỉnh; chưa có quy định rõ về đầu tư vùng đệm. Lực lượng làm công tác quản lý bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh hiện nay còn thiếu, năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là nhóm cán bộ cấp xã. Theo quy định của Nhà nước, để bảo vệ rừng mỗi Hạt cần ít nhất 30-40 người có kiến thức chuyên môn liên quan (chưa kể nhu cầu thuê lao động hợp đồng tuần rừng) nhưng toàn bộ nhân lực làm nhiệm vụ kiểm lâm ở Vườn quốc gia Xuân Thủy mới có 7 kỹ sư lâm nghiệp. Lực lượng cán bộ có hiểu biết về bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước của các sở, ban, ngành liên quan không nhiều nên hiệu quả chỉ đạo và phối hợp để thực hiện các chương trình mục tiêu của Vườn quốc gia Xuân Thủy chưa cao. Tỉnh chưa phát triển rộng rãi các công cụ kinh tế trong công tác quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học như chi trả dịch vụ hệ sinh thái hoặc áp dụng công cụ quản lý mới theo hướng phát triển bền vững. Những vấn đề mới, phức tạp như tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích từ đa dạng sinh học, áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái chưa được quan tâm thích đáng. Hiện nay, tỉnh vẫn chưa thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo Luật; chưa quy hoạch một cách chuyên sâu các cơ sở chăn nuôi, các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy được hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học; thiếu nguồn lực trong bảo quản gen động, thực vật quý. Hầu như tỉnh mới chỉ thiên về công tác bảo vệ hơn là bảo tồn đa dạng sinh học. Khu dự trữ sinh quyển thế giới đồng bằng sông Hồng được đánh giá có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, tham quan và nghiên cứu về thế giới tự nhiên nhưng tỉnh chưa khai thác, phát huy được lợi thế này cho phát triển kinh tế. Đặc biệt nhiều giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học dựa trên cộng đồng chưa được thực hiện đúng mức. Công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp chủ yếu giao khoán cho các thành phần kinh tế thuê nhưng chưa thực hiện đánh giá trữ lượng, chất lượng các lô rừng khi giao dẫn tới khó xác định nghĩa vụ, quyền hưởng lợi trong bảo vệ, phát triển rừng. Khu vực rừng ngập mặn Xuân Thủy là nơi nuôi dưỡng, sinh đẻ của các loài hải sản, vì vậy ngoài việc bảo tồn nguồn gen động, thực vật còn phải thực hiện nhiệm vụ điều hoà nguồn nước, khí hậu. Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng sản xuất công nghiệp làm gia tăng lượng thức ăn dư thừa cũng như hóa chất, thuốc chữa bệnh thủy sản trong môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, làm thay đổi chuỗi thức ăn tự nhiên, mất tính đa dạng sinh học, gây suy thoái tài nguyên đất, đất bị tái nhiễm mặn... Người dân vì vấn đề lợi nhuận nên đưa vào sản xuất nhiều giống, loài mới theo yêu cầu thị trường, tạo mối đe dọa lớn cho những giống, loài canh tác truyền thống đã thích nghi lâu đời với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, có nhiều đặc tính di truyền quý nhưng bị bỏ quên vì không đáp ứng được thị trường trước mắt. Bên cạnh đó, nhận thức về bảo vệ đa dạng sinh học trong cộng đồng dân cư, các cấp cán bộ quản lý chưa cao dẫn đến tình trạng săn bắt động vật hoang dã một cách bừa bãi, phá rừng làm nơi canh tác, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ làm thu hẹp diện tích các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, gây suy giảm đa dạng sinh học của tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, tỉnh tiếp tục ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Đa dạng sinh học, văn bản hướng dẫn các nội dung về quy hoạch, quản lý hệ thống khu bảo tồn, bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo tồn tài nguyên di truyền, quản lý sinh vật biến đổi gen, cơ chế tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học. Tập trung củng cố hệ thống quản lý, tăng cường trách nhiệm của các ngành, địa phương và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành; giữa Trung ương và địa phương trong quản lý đa dạng sinh học theo hướng coi đây là nhiệm vụ chính trị của toàn dân. Về lâu dài, nghiên cứu phương án tập trung toàn bộ chức năng quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học từ các sở, ngành vào một đầu mối. Bổ sung, nâng cao năng lực cho lực lượng cán bộ nòng cốt thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học từ tỉnh đến xã. Tích cực huy động, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính cho đa dạng sinh học từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ quốc tế, vốn ODA và các nguồn thu khác; chú trọng nghiên cứu áp dụng các cơ chế tài chính mới để hỗ trợ cho công tác bảo tồn, trong đó ưu tiên nghiên cứu, áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ đa dạng sinh học./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com