Nam Trực đẩy mạnh phát triển kinh tế sinh vật cảnh

08:04, 10/04/2019

Hội Sinh vật cảnh huyện Nam Trực hiện có hơn 1.200 hội viên, trong đó có 87 hội viên được phong tặng danh hiệu nghệ nhân sinh vật cảnh gồm: 10 nghệ nhân Trung ương, 77 nghệ nhân cấp tỉnh. Ở cả 20 xã, thị trấn trong huyện đều thành lập Hội Sinh vật cảnh; 2 câu lạc bộ sinh vật cảnh cấp huyện là: Câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật Điền Xá; Câu lạc bộ sinh vật cảnh Nam Giang và một số câu lạc bộ khác như: Câu lạc bộ bonsai, Câu lạc bộ chim cảnh, Câu lạc bộ hoa lan… Đến nay, diện tích trồng cây cảnh, cây thế của huyện đã mở rộng lên 1.200ha; trong đó 3 xã phát triển kinh tế sinh vật cảnh theo hướng chuyên canh là: quất cảnh ở Nam Toàn, đào thế ở Nam Mỹ, hải đường ở Nghĩa An. Ngoài ra, toàn huyện có 250 nhà vườn; 9 doanh nghiệp tư nhân sản xuất, kinh doanh, cung ứng, tư vấn, cho thuê các sản phẩm sinh vật cảnh; cung cấp dịch vụ vận tải, vật tư nông nghiệp và các vật tư khác phục vụ sản xuất, kinh doanh cây cảnh.

Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam Nguyễn Văn Nhì, thôn Vị Khê, xã Điền Xá sở hữu nhiều tác phẩm sinh vật cảnh đẹp, có giá trị kinh tế cao.
Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam Nguyễn Văn Nhì, thôn Vị Khê, xã Điền Xá sở hữu nhiều tác phẩm sinh vật cảnh đẹp, có giá trị kinh tế cao.

Những năm gần đây, hoạt động của Hội Sinh vật cảnh huyện tiếp tục đem lại nguồn thu lớn cho nhân dân địa phương với tổng giá trị thu nhập từ cây cảnh mỗi năm ước đạt trên 120 tỷ đồng. Hàng năm, Hội Sinh vật cảnh huyện tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi theo hướng đa dạng các loại hình cây cảnh nghệ thuật; tích cực giao lưu học hỏi, tìm tòi, sáng tạo trong việc cắt tỉa, chăm sóc để có nhiều tác phẩm đẹp, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Cùng với việc duy trì hoạt động của tổ kỹ thuật cây cảnh gồm các nghệ nhân Trung ương có tay nghề cao trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc, uốn tỉa cây thế cho các hội viên theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”, Hội Sinh vật cảnh huyện phối hợp với Trung tâm dạy nghệ huyện mở 3 lớp học với tổng số 120 hội viên tham gia. Thông qua các lớp học dạy nghề, hội viên đã nắm bắt và áp dụng kỹ thuật cơ bản vào chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh; nâng cao kiến thức, ý tưởng phương pháp tạo hình cây nghệ thuật, vừa giữ được nét cổ truyền thống, vừa sáng tạo theo hướng hiện đại. Điểm nhấn trong phong trào sinh vật cảnh huyện Nam Trực là việc duy trì tổ chức Lễ hội truyền thống hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao của ông tổ nghề là quan Thái úy Tô Trung Tự. Những năm gần đây, lễ hội được quảng bá, mở rộng thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự. Tại lễ hội, ban tổ chức bố trí 3 khu trưng bày cây cảnh. Khu sân đình Vị Khê trưng bày 5 cây tiêu biểu của các thôn trong làng gồm Minh Khai, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Lê Thăng, Hoàng Ngân là những cây sanh giống từ thời ông cha để lại và các thế cây bon sai. Khu vực trục đường liên xã và nghĩa trang liệt sĩ xã trưng bày các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đại thế và trung thế có giá trị nghệ thuật và kinh tế cao. Khu vực khuôn viên sân Trường Trung học cơ sở Nam Điền trưng bày các loại cây cảnh, bonsai, gỗ lũa, đá cảnh... Trong tổng số trên 1.000 cây cảnh được trưng bày tại lễ hội, khoảng 100 tác phẩm gia truyền có đầy đủ các yếu tố “cổ, kỳ, mỹ”. Các cây tham dự gồm nhiều chủng loại từ sanh, tùng la hán, tùng kim đến lộc vừng, sung…; trong đó chủ yếu là sanh được uốn, tỉa với nhiều thế: hạc lập, mẫu tử, quần thụ, long thăng, long giáng, phượng vũ, trực quân tử, trực liên chi… Bên cạnh cây thế, lễ hội còn trưng bày hàng trăm chậu lan quý, biểu trưng của đất nghề trồng lan nổi tiếng của người làng Vị Khê xưa gồm: đại hoàng, hoàng vũ, hoàng thanh, hoàng cẩm tố, hoàng nhất điểm, hoàng hội điểm và các loại mạc lan như đại mạc, mạc biên… Đến nay, một số cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh sinh vật cảnh tại làng Vị Khê đã mở rộng thị trường tiêu thụ cây cảnh nghệ thuật, bonsai xuất khẩu ra các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, Hội Sinh vật cảnh Nam Trực còn tham dự các cuộc triển lãm cây cảnh nghệ thuật trong và ngoài tỉnh với nhiều tác phẩm đạt giải cao. Trong đó, tham gia “Triển lãm sinh vật cảnh tỉnh Nam Định” lần thứ III với trên 600 tác phẩm dự thi giành 64 giải thưởng các loại. Tham gia “Triển lãm sinh vật cảnh Việt Nam năm 2018” tại Hà Nội, Hội Sinh vật cảnh huyện giành 2 giải vàng với các tác phẩm: Cây sanh Nam Điền có tên “Hóa Long” của nghệ nhân Nguyễn Công Khanh (xã Nam Lợi) và cây sanh Nam Điền dáng làng có tuổi đời trên 60 năm của nghệ nhân Đỗ Duy Bắc (xã Điền Xá). Bên cạnh phát triển kinh tế, hội viên Hội Sinh vật cảnh huyện tích cực tham gia tôn tạo, chăm sóc và trồng mới hàng trăm cây cảnh nghệ thuật đại thế và trung thế tại các cơ quan hành chính trên địa bàn.

Thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh huyện Nam Trực tiếp tục vận động hội viên phát triển trồng đa dạng các loại hoa, cây cảnh, gắn sản xuất với thị trường. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào uốn tỉa, gieo trồng các loại cây phôi; mở rộng giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tổ chức tập huấn truyền nghề, dạy nghề, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên và nhân dân tham gia. Chủ động tìm thị trường tiêu thụ, tạo thu nhập ổn định cho các hộ làm kinh tế sinh vật cảnh./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com