Nâng cao hiệu quả các vùng nuôi thủy sản nước ngọt

07:04, 10/04/2019

Với hệ thống sông ngòi, kênh mương dày đặc là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Các vùng nuôi thủy sản nước ngọt đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành kinh tế thủy sản, giúp tăng cường và cải thiện số lượng, chất lượng các nguồn lợi thủy sản ở tỉnh ta, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến năm 2018, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt của toàn tỉnh là 9.715ha, tổng sản lượng nuôi ước đạt 48.530 tấn.

Để thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản nước ngọt, thời gian qua, Trung ương, UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng vùng nuôi. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động quy hoạch chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả và tận dụng các diện tích ao, hồ, thùng đào, thùng đấu... phù hợp với các quy hoạch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để phát triển nuôi thủy sản. Nhờ đó, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt ở tỉnh ta đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương với đối tượng nuôi chính là các loại cá truyền thống. Đến nay, huyện Xuân Trường có 646ha nuôi thủy sản, trong đó: diện tích ao hồ trong khu dân cư là 420,9ha; diện tích nuôi thủy sản trong các vùng dự án, vùng chuyển đổi tập trung là 225,1ha, chiếm 35% tổng diện tích nuôi thủy sản. Toàn huyện có trên 160 hộ nuôi thủy sản tập trung chủ yếu tại các xã: Xuân Hòa, Xuân Vinh, Xuân Ngọc, Xuân Châu, Xuân Thành, Xuân Tân, Xuân Thủy,... Với địa hình trũng, thấp và diện tích mặt nước phong phú, huyện Ý Yên đã chủ động quy hoạch phát triển diện tích nuôi thủy sản nước ngọt hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của nhiều xã, thị trấn. Nhờ đó, đến năm 2018, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện đã đạt 1.171ha; sản lượng đạt 5.381 tấn, tăng 14% so với năm 2017. Huyện Mỹ Lộc cũng phát triển được nhiều vùng nuôi thủy sản nước ngọt, điển hình như xã Mỹ Hà đã phát triển được 90ha nuôi thủy sản nội đồng với tổng số 125 trang trại, gia trại tổng hợp (trong đó có 14 trang trại đã được công nhận đạt các tiêu chí do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định) với đa dạng các loại con nuôi như: cá trắm đen, cá quả, cá cảnh… Trong đó, sản lượng cá trắm đen (con nuôi chủ lực của xã) hàng năm ổn định ở mức 350-400 tấn. Theo hạch toán của các hộ nuôi cá trắm đen, mỗi ha nuôi có thể cho năng suất từ 10-12 tấn, doanh thu đạt từ 1-1,2 tỷ đồng và lãi 150-200 triệu đồng. Nhiều hộ có kinh nghiệm, diện tích nuôi lớn đã đạt thu nhập thực tế từ 250-300 triệu đồng/năm như hộ các ông: Trần Công Quyên, Trần Công Phúc đều ở xóm 1; Trần Công Vinh, khu chuyển đổi; Trần Văn Ấn, xóm 14... Bên cạnh các đối tượng đã nuôi ổn định, một số giống mới có giá trị kinh tế là ba ba, ếch Thái Lan, cua đồng, cá rô đồng, cá lăng chấm, cá diêu hồng, cá cảnh (cá Koi), tôm thẻ chân trắng nước ngọt được nhiều hộ dân ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Mỹ Lộc đưa vào nuôi thương phẩm, góp phần tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế trong nuôi thủy sản nước ngọt. Tiêu biểu như vùng nuôi cá diêu hồng từ diện tích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả kết hợp trồng màu tại xã Hải Châu (Hải Hậu) với quy mô 134,4ha, trong đó có 80,64ha nuôi thâm canh, đạt sản lượng khoảng 1.100 tấn mỗi năm, doanh thu đạt 44 tỷ đồng, trừ chi phí đạt 15 tỷ đồng (tương đương từ 180-200 triệu đồng/ha/năm). Những năm gần đây, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) đã có hơn 60 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt theo hướng công nghiệp, chuyên canh. Phương thức nuôi mới này vừa ít phải đầu tư so với nuôi nước mặn, mỗi năm nuôi được 3-4 lứa, mỗi lứa khoảng 90 ngày với sản lượng từ 1,8-2 tạ/sào; trừ hết chi phí người nuôi tôm cũng có lãi 50-70 triệu đồng/sào. Một số hộ có diện tích lớn, đầu tư đồng bộ đã đạt mức thu nhập thực tế từ 70-150 triệu đồng/sào/năm như hộ các ông: Trần Văn Toàn, Đặng Văn Thi đều ở xóm 2; Bùi Ngọc Dinh, xóm 6; Trần Văn Toản, xóm 7… 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nuôi thủy sản nước ngọt hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập cần được khắc phục để phát triển tương xứng với tiềm năng. Đối tượng nuôi tập trung chủ yếu vẫn là các loại cá truyền thống (mè, trôi, trắm, chép) chiếm đến hơn 95% diện tích và 92% tổng sản lượng. Phương thức nuôi chủ yếu là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và bán thâm canh trong ao, hồ, ruộng trũng. Hiện toàn tỉnh có 22 cơ sở sản xuất giống nước ngọt, năm 2018 các cơ sở đã sản xuất được 880 triệu con giống thuỷ sản nước ngọt, chủ yếu là các loài cá truyền thống, còn các giống cá khác cho sản lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn thì người nuôi vẫn phải nhập từ nơi khác. Mức đầu tư cho sản xuất con giống nước ngọt chưa được cao như sản xuất giống mặn lợ, dẫn đến năng lực sản xuất giống một số đối tượng nuôi được ưa chuộng như cá rô phi đơn tính, cá trắm đen còn hạn chế. Hạ tầng của nhiều vùng nuôi thủy sản nước ngọt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững (từ hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước, đến hệ thống ao nuôi, khu chứa bùn và xử lý nước thải hoặc là xuống cấp hoặc chưa đồng bộ và theo quy chuẩn, do đó chưa kiểm soát được mối nguy về bệnh dịch, về môi trường và an toàn thực phẩm). Hệ thống thủy lợi tại một số vùng nuôi còn chung với sản xuất nông nghiệp và muối nên việc điều tiết nước phục vụ nuôi thủy sản gặp khó khăn và ảnh hưởng tới năng suất vụ nuôi. Giá bán các loại thủy sản nước ngọt lại thất thường, thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhỏ lẻ, sản phẩm phục vụ tiêu dùng hàng ngày chứ chưa chế biến công nghiệp nên việc tiêu thụ thiếu tính ổn định... 

Để khắc phục những bất cập trên, phát huy được tiềm năng kinh tế thủy sản nước ngọt, giúp các hộ nuôi phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới các ngành chức năng, các địa phương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, tích cực như: đẩy mạnh nghiên cứu nâng cao năng suất công tác sản xuất giống để giảm thiểu dịch bệnh, tiêu hao thức ăn ít, lớn nhanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài những loài cá truyền thống đang được nuôi phổ biến cần lưu ý từng bước đưa vào và mở rộng sản xuất các loài có giá trị kinh tế cao có khả năng xuất khẩu như cá trắm đen, cá bống tượng, cá quả, cá rô đồng, cá lăng chấm… Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, dịch vụ đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm… để người dân yên tâm đầu tư nuôi và định hướng phát triển lâu dài, bền vững. Đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất, khuyến khích tổ chức theo  các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất nguyên liệu với các nhà máy chế biến, thương nhân, các nhà đầu tư, tín dụng... theo chuỗi giá trị của sản phẩm. Xây dựng, tổng kết và nhân rộng các mô hình: nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, mô hình nuôi thủy sản áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, nuôi thủy sản có chứng chỉ, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và theo tiêu chuẩn quốc tế; mô hình sản xuất giống sạch bệnh. Chủ động xây dựng kế hoạch và làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản. Thực hiện tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh, khuyến cáo nông dân khai báo kịp thời khi có dịch bệnh. Tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát nguồn giống ngoại nhập và nội tỉnh để hạn chế  sử dụng giống kém chất lượng, đồng thời tăng cường quản lý thị trường thức ăn, hóa chất, vật tư phục vụ nuôi thủy sản. Toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt đạt 11.390ha, tổng sản lượng đạt 70.520 tấn, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2018-2025 đạt 5,83%/năm theo Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới được UBND tỉnh phê duyệt./.

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com