Giải pháp phát triển thị trường nông sản hiệu quả ở Ý Yên

04:08, 12/08/2017

Lấy doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại là trung tâm, là động lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa, người nông dân góp vốn và trực tiếp sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp và được hưởng lợi ích theo kết quả lao động và tỷ lệ đóng góp vốn là định hướng chỉ đạo của Huyện ủy Ý Yên trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, giải pháp thúc đẩy mở rộng thị trường cho nông sản địa phương. Triển khai thực hiện theo chỉ đạo này, 2 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Ý Yên đã hình thành nhiều điển hình mới trong cả tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Thu hoạch rau cải bi na tại mô hình sản xuất rau xuất khẩu theo công nghệ Nhật Bản, xã Yên Cường (Ý Yên).
Thu hoạch rau cải bi na tại mô hình sản xuất rau xuất khẩu theo công nghệ Nhật Bản, xã Yên Cường (Ý Yên).

I. Từ quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 về phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, huyện Ý Yên gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân; việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động chế biến nông sản còn hạn chế, yếu kém; tình trạng nông dân bỏ ruộng ở nhiều nơi trong khi người có nhu cầu tích tụ ruộng đất vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản tuy đã được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa… Về mặt nhận thức Đảng bộ huyện xác định phải phát huy vai trò lãnh đạo quần chúng, tinh thần gương mẫu tiên phong “dám làm dám chịu trách nhiệm” của mỗi đảng viên trong toàn Đảng bộ và nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị theo đúng phương châm “đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Với tinh thần đó, mỗi tập thể, cá nhân đều nghiêm túc rà soát, nhìn nhận lại thực trạng sản xuất, tổ chức tiêu thụ nông sản của chính gia đình mình, của tập thể nơi mình tham gia và của địa phương thuộc phạm vi quản lý, lãnh đạo. Qua đó, nhiều yếu kém trong quá trình tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường cho nông sản được các đảng viên, các chi bộ, đảng bộ cơ sở nghiêm túc chỉ ra đó là: sản xuất còn manh mún, “mạnh ai nấy làm” không theo quy hoạch, không theo sự chỉ đạo chung về cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, quá trình canh tác lại lạm dụng quá nhiều chất hóa học yếu tố liên kết, hợp tác của các hộ dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản… đều hạn chế. Từ việc phân tích chỉ rõ những hạn chế yếu kém và nguyên nhân, huyện ủy, UBND huyện cùng các ngành chức năng cùng tìm cách tháo gỡ từng khó khăn, từng phần việc cụ thể ở mỗi đơn vị, địa phương. Theo đó bên cạnh những giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, huyện ủy, UBND huyện đã chủ động xây dựng, cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện; đồng thời khuyến khích các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, HTX tổ chức sản xuất, phát triển thị trường cho nông sản địa phương. Huyện đã tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, mời các doanh nghiệp chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh về tham quan vùng sản xuất, giới thiệu tiềm năng và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời đưa các cán bộ ngành NN và PTNT, các xã, thị trấn đi thăm các mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn ở tỉnh bạn để học hỏi kinh nghiệm. Chỉ đạo các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn ưu tiên sử dụng nông sản sạch của địa phương, đặc biệt là các bếp ăn tập thể trong hệ thống giáo dục; trong các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trong các làng nghề, các xã, thị trấn. Đồng thời tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cho các tập thể, cá nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh, giới thiệu nông sản của địa phương. Về tổ chức sản xuất huyện tạo mọi điều kiện để các xã, thị trấn xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao tiếp cận thị trường và hỗ trợ pháp lý trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp; sắp xếp dành vị trí trung tâm thương mại của huyện cho các HTX, doanh nghiệp, chủ trang trại, gia trại xây dựng các gian hàng giới thiệu sản phẩm. Tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các ngành chức năng, huyện đẩy mạnh tổ chức các mô hình khuyến nông, khuyến ngư, các dự án về giống lúa, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo quy trình sản xuất sạch với quy mô thích hợp… Nhiều cuộc “hội thảo” tranh luận về phương pháp phát triển nông nghiệp theo mô hình tập trung đề cao vai trò của doanh nghiệp, HTX DVNN, chủ trang trại với các ý kiến tranh luận, phản biện hết sức thẳng thắn, cởi mở được tổ chức. Điển hình như câu chuyện ở Đảng bộ xã Yên Cường, khi xã quyết định từng bước tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng việc cả xã cùng sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản để trả lại độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Đảng ủy xã đã quán triệt quan điểm ai không ủng hộ chủ trương này phải chủ động rút lui, còn đã tham gia thì phải quyết tâm giành thời gian, công sức thực hiện cho kỳ được. Hơn 200 cuộc nói chuyện thảo luận về việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo phương pháp mới đã được tổ chức ở từng chi bộ Đảng, tổ, đội sản xuất để tạo sự đồng thuận của toàn dân và hướng dẫn nhân dân tham gia dự án từ ngay trong mỗi gia đình. Từ giữa năm 2016 với cách làm này câu chuyện làm sao để sản xuất phân hữu cơ thành công, cải tạo đất hiệu quả đã được phổ biến sâu và thu hút toàn thể cán bộ, nông dân quan tâm HTX DVNN lo tổ chức sản xuất hợp lý để người dân yên tâm góp đất tạo vùng sản xuất lớn và đảm bảo quyền lợi cho người dân không bị thiệt thòi trong khi đàm phán hợp đồng.

 Những nỗ lực này đã giúp Yên Cường từng bước thành công trong thực hiện mục tiêu tổ chức lại sản xuất, trở thành điển hình, động lực để các đơn vị khác trong toàn huyện học tập, nỗ lực thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư sản xuất, tổ chức tìm kiếm thị trường cho nông sản địa phương.

II. Đến những mô hình tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hiệu quả

Năm 2016, mô hình sản xuất phân hữu cơ tái tạo đất và canh tác rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản của xã Yên Cường đã bước đầu thành công. Theo đó ngoài số tiền cho thuê đất cố định là khoảng 1,5 triệu đồng/sào/năm, người dân còn có thu nhập từ tiền công lao động trên chính diện tích đó. Ngay trong vụ đầu tiên, diện tích sản xuất rau an toàn đã đạt trên 7ha với các cây cải bó xôi và hành hoa Nhật Bản. Toàn bộ sản phẩm được Cty TNHH Rau quả Đồng Giao thu mua với giá thị trường. Ước tính sơ bộ, giá trị trên một ha đất canh tác cao gấp nhiều lần trồng lúa. Kết quả bước đầu thực sự tạo cuộc “cách mạng” trong tư duy và thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở Yên Cường phụ thuộc vào hóa chất tạo cơ hội tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại cho nông sản địa phương. Tuy nhiên hạn chế của mô hình này là nông dân và đại diện của mình (HTX) vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp quá nhiều kể cả khâu giống cây trồng, kỹ thuật và giá bán sản phẩm. Điều này khiến cho người dân chưa thực sự làm chủ trên ruộng đất của mình, chịu nhiều thiệt thòi trong phân khúc lợi nhuận và chưa thực sự tiếp cận được thị trường sản xuất, chế biến nông sản mặc dù tạo ra được sản phẩm chất lượng. Để khắc phục hạn chế này, huyện xác định một giải pháp cần quan tâm là phải có được các sản phẩm đặc trưng và xây dựng được thương hiệu gắn với mỗi mô hình, mỗi vùng sản xuất để tìm cách tiếp cận thị trường. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhân rộng mô hình, cách làm của Yên Cường. Do đó, ngay sau xã Yên Cường, HTX chăn nuôi Yên Lợi là HTX thực hiện tổ chức chuỗi sản xuất và kinh doanh thịt lợn đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và đăng ký xây dựng nhãn hiệu “thịt lợn sạch Nam Sơn” cung ứng thịt lợn thương phẩm ra thị trường. Ông Nguyễn Việt Hùng, chủ nhiệm HTX chăn nuôi Yên Lợi cho biết: HTX có 11 thành viên là những hộ chăn nuôi giỏi trong xã cùng cam kết thực hiện theo chuỗi sản xuất và kinh doanh thịt lợn an toàn để kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu chăn nuôi đến giết mổ và cung ứng sản phẩm dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Theo đó, khoảng 400 con lợn nái sinh sản và gần 4.000 con lợn thịt được các hộ nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học. HTX cũng xây dựng khu giết mổ và 2 điểm cung ứng thịt lợn sạch mang thương hiệu Nam Sơn trên địa bàn xã Yên Lợi và Thị trấn Lâm. HTX chăn nuôi Yên Lợi ra đời và tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ thịt lợn sạch là điểm nhấn trong việc tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và cung ứng sản phẩm ra thị trường đúng chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn của nhân dân. Do vậy nó nhanh chóng được thị trường đón nhận. Hiện tại sản phẩm thịt lợn sạch Nam Sơn đã có mặt tại hầu khắp các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn toàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản mà tại thời điểm này chỉ có duy nhất huyện Ý Yên làm được đó là tổ chức cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn. Cửa hàng do Trạm Khuyến nông huyện phụ trách cung cấp hàng hóa là sản phẩm của các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên địa bàn. Tại cửa hàng, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua được rau sạch các loại trồng tại các vùng sản xuất sạch Yên Dương, Yên Nhân, rượu nếp Yên Phú; đu đủ, chuối tiêu hồng, chuối tây, thanh long ruột đỏ trồng ở các xã Yên Trung, Yên Tân; thịt gà, thịt lợn, chim bồ câu, các loại cá truyền thống nuôi ở các trang trại, gia trại được kiểm soát về an toàn thực phẩm… Đồng chí Nguyễn Vân Khánh, Phó Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Mục tiêu trước mắt của gian hàng là cung ứng đến người tiêu dùng những đặc sản, nông sản sạch do chính người địa phương làm ra. Qua đây cũng giới thiệu trực tiếp tới người tiêu dùng, và các hộ nông dân về hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để khích lệ, động viên nhân nhanh mô hình dự án ra sản xuất đại trà, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

Những tín hiệu vui trong tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường cho nông sản ở Ý Yên đang là đòn bẩy quan trọng làm thay đổi nhận thức của mỗi đảng viên, mỗi người dân về sản xuất nông nghiệp hiện đại. Để tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp theo định hướng đã lựa chọn, huyện Ý Yên rất cần sự hỗ trợ, hợp tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư, công nghệ chế biến nông sản của các ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com