Từng bước quản lý chất thải rắn xây dựng ngay từ nguồn

07:08, 03/08/2017
Quản lý chất thải rắn (CTR) là một trong những ưu tiên trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, góp phần kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, hướng tới phát triển đô thị bền vững. Công tác quản lý CTR phải lấy phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng phải xử lý. Cuối năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh về xây dựng hệ thống quản lý và phương thức phân loại CTR tại nguồn, mạng lưới các khu xử lý CTR đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý CTR cho các đô thị, KCN và các điểm dân cư nông thôn theo hướng tăng cường tái chế các loại CTR, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.
 
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh ta đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2020, 80% tổng lượng CTR xây dựng, bùn cặn phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý; trong đó 50% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế. Giai đoạn đến năm 2030 đảm bảo 90% tổng lượng chất thải xây dựng, bùn cặn phát sinh tại đô thị được thu gom xử lý, trong đó 60% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng dự báo khối lượng CTR phát sinh từng giai đoạn đảm bảo các dự án đầu tư khu xử lý CTR đáp ứng được yêu cầu. Theo đó, dự báo năm 2020, tổng khối lượng CTR xây dựng, bùn cặn phát sinh 280 tấn/ngày. Đến năm 2030, tổng khối lượng CTR xây dựng, bùn cặn phát sinh là 580 tấn/ngày. Hiện tại, theo tính toán của đơn vị tư vấn, thống kê sơ bộ tại các địa phương cho thấy khối lượng CTR xây dựng phát sinh chiếm khoảng 10-20% tổng CTR sinh hoạt đô thị tùy từng huyện. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa tổ chức phân loại đối với CTR xây dựng nhưng việc thu gom riêng loại CTR này vẫn được tiến hành, đặc biệt ở Thành phố Nam Định với nhiều dự án về hạ tầng kỹ thuật. Theo thống kê, mỗi ngày tại thành phố thu gom được hơn 5,16 tấn CTR xây dựng chung cùng với chất thải sinh hoạt. Toàn bộ CTR được vận chuyển và xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại khu xử lý rác. Ở các địa phương khác, người dân thường tận dụng CTR xây dựng vào san lấp mặt bằng hoặc tái chế cho các mục đích xây dựng khác. Một vấn đề đặt ra là việc phân loại, thu gom, vận chuyển loại CTR này đang thiếu các quy định cụ thể. Trước đây, các quy định còn khá chung chung, chưa quy trách nhiệm cho ai trong vấn đề xử lý thải rác xây dựng. Vì vậy, tình trạng đổ trộm, đổ bừa CTR xây dựng tại một số nơi diễn ra khá thường xuyên, nhất là tại các khu vực đang xây dựng và những nơi ít người qua lại. Đối với rác thải xây dựng của nhà dân thường chỉ lo thuê chở đi còn “điểm đến” của nguồn thải này ở đâu thì chẳng quan tâm. Nguồn phát thải CTR xây dựng rất lớn song hiện các chế tài xử phạt còn nhiều kẽ hở, dẫn đến tình trạng lộn xộn. Theo cơ quan chuyên môn, tình trạng phó mặc cho bên vận chuyển rác thải xây dựng diễn ra từ lâu và chưa có hướng giải quyết cụ thể, nhất là việc quy trách nhiệm trong vấn đề xả thải ra môi trường. Đồng thời, các điểm trung chuyển CTR xây dựng thông thường luôn trong tình trạng quá tải và không có các biện pháp xử lý cơ bản, dẫn đến tình trạng đổ trộm. Mức xử phạt với các hành vi đổ trộm rác thải xây dựng, một trong những công cụ quản lý quan trọng lại chưa đủ sức răn đe mạnh mẽ. 
Chất thải rắn xây dựng phát sinh từ xây dựng nhà ở trên đường Nguyễn Đức Cảnh ở Thành phố Nam Định.
Chất thải rắn xây dựng phát sinh từ xây dựng nhà ở trên đường Nguyễn Đức Cảnh ở Thành phố Nam Định.
Mới đây, ngày 16-5-2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-BXD quy định về quản lý CTR xây dựng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2017. Thông tư lần này có nhiều điểm mới ưu tiên tập trung quản lý, xử lý CTR xây dựng tốt ngay từ nguồn phát thải xây dựng. Trước hết, nguyên tắc quản lý chất thải rắn xây dựng phải tuân thủ các nguyên tắc chung về quản lý chất thải có liên quan quy định tại Điều 4 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24-4-2015 về quản lý chất thải và phế liệu. CTR xây dựng phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, khuyến khích các giải pháp công nghệ, lựa chọn sử dụng vật liệu phù hợp nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phát sinh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng. Chủ đầu tư các công trình xây dựng (trừ các công trình nhà ở dân dụng) có trách nhiệm phê duyệt và gửi thông báo kế hoạch quản lý CTR xây dựng đến Sở Xây dựng (hoặc cơ quan cấp phép xây dựng theo phân cấp về quản lý công trình) và UBND xã trên địa bàn tối thiểu 7 ngày trước ngày khởi công xây dựng công trình. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện quản lý CTR xây dựng sau khi công trình hoàn thành. Đây được coi là một trong những khâu “tiền kiểm” quan trọng trong quy trình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường mỗi khi thi công công trình. Siết chặt trách nhiệm của các bên liên quan về quản lý, sử dụng CTR xây dựng. Cụ thể, đối với chủ nguồn thải là các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc thi công xây dựng công trình có phát sinh CTR xây dựng phải có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý và bố trí người theo dõi, kiểm tra nguồn phát thải xây dựng. Ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý CTR xây dựng và những đơn vị này cũng phải công khai, minh bạch thông tin năng lực của mình trên website của Sở Xây dựng. Công tác vận chuyển, thu gom, xử lý phải bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định bằng các phương tiện chuyên dụng, tránh rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán mùi, bụi. Ngoài các quy định cụ thể, trách nhiệm của các bên liên quan về quản lý, sử dụng CTR xây dựng cũng đặc biệt được chú trọng. Trong đó, có 6 chủ thể chính bao gồm: chủ nguồn thải, chủ thu gom vận chuyển, chủ xử lý, chủ đầu tư công trình, UBND các cấp, Sở Xây dựng. Các địa phương có trách nhiệm phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý cho UBND các cấp về quản lý, giám sát quá trình thu gom, vận chuyển CTR xây dựng, phối hợp các ngành chức năng trong kiểm tra, xử phạt vi phạm, đồng thời lập danh sách các công trình xây dựng sẽ phá dỡ, khởi công xây dựng trên địa bàn… Song song với việc quy định chặt chẽ về quản lý CTR xây dựng, Bộ Xây dựng cũng đang tích cực xây dựng các mẫu hợp đồng vận chuyển, thu gom, xử lý CTR xây dựng nhằm đảm bảo quy trách nhiệm “đúng người, đúng tội” khi xử lý các hành vi xả thải đổ trộm CTR xây dựng. Đồng thời phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng các giải pháp trong vấn đề xử lý, tái chế CTR xây dựng. 
 
Theo cơ quan chuyên môn, cùng với quy hoạch quản lý CTR xây dựng, Thông tư 08/2017/TT-BXD sẽ tạo nên hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh đối với việc xử lý CTR xây dựng, đảm bảo hướng tới phân loại, xử lý triệt để CTR xây dựng, không gây ảnh hưởng nguy hại đến môi trường, kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về xả thải, đổ trộm CTR xây dựng. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiên cứu xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về quản lý CTR xây dựng trên địa bàn huyện, thành phố theo Khoản 1 Điều 4 của Thông tư 08/2017/TT-BXD. Tổng hợp danh sách các công trình sẽ phá dỡ, khởi công xây dựng (bao gồm công trình nhà ở phải có giấy phép xây dựng) trên địa bàn và danh sách các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTR xây dựng trên địa bàn huyện, thành phố, công bố trên website của Sở Xây dựng để các tổ chức, cá nhân liên quan biết và phối hợp trong công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý CTR xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTR xây dựng trên địa bàn. Phối hợp với Sở Tài chính tổ chức thẩm định phương án giá dịch vụ xử lý CTR xây dựng đối với các cơ sở xử lý CTR xây dựng được đầu tư từ ngân sách Nhà nước./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com