Đầu tư phát triển và quản lý cây xanh tại các đô thị

07:08, 07/08/2017
Với các đô thị hiện đại, cây xanh có vai trò quan trọng trong tổ chức không gian công cộng, giúp cải thiện môi trường, mỹ quan, hạ nhiệt đô thị, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Những năm qua, Thành phố Nam Định và các huyện đã quan tâm đến vấn đề này nhưng do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ nên tiêu chí quản lý, phát triển cây xanh trong đô thị vẫn chưa đạt yêu cầu trong quá trình phát triển.
 
Trên địa bàn Thành phố Nam Định hiện có 7 công viên, 10 vườn hoa, cây cảnh công cộng và 27 bồn hoa đảo giao thông, dải phân cách. Hệ thống cây xanh công cộng được thành phố quan tâm đầu tư với gần 18 nghìn cây, gồm: 8.243 cây xanh đường phố, 2.196 cây xanh trong công viên, vườn hoa và 7.431 cây vườn ươm. Công tác chăm sóc, bảo vệ các công viên, cây xanh do Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định đảm nhiệm với các yêu cầu tưới nước thảm cỏ, đảm bảo luôn tươi mới, trồng dặm cỏ thường xuyên 2-3 ngày/lần. Mới đây, thành phố tiếp nhận bàn giao các tuyến thảm hoa, cây xanh thuộc công trình đường 52m của Khu đô thị Thống Nhất và tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, dải phân cách thuộc dự án xây dựng tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong. Trong đó, đã có thêm 450 cây bóng mát bên đường được bổ sung, hơn 8 nghìn m 2 cỏ lá gừng chạy dọc các dải phân cách cùng các loại cây trang trí khác như cọ cảnh, cây dâm bụt, tía tô cảnh, tai tượng… Mới đây, thành phố cũng chỉ đạo Cty trồng 102 cây viết trên đường Võ Nguyên Giáp và trồng bổ sung 200 cây hoa ban tại một số vị trí trên địa bàn thành phố. Bình quân mỗi năm, thành phố bổ sung thêm gần 100 cây xanh, cây bóng mát đảm bảo không ngừng tăng về diện tích cây xanh trên địa bàn thành phố, nhất là các tuyến giao thông mới. Ngoài ra, còn chuẩn bị hơn 200 chậu hoa cơ động để trang trí đường phố vào các dịp lễ, Tết cùng hệ thống cây xanh được trồng trong khuôn viên các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... Đối với cây xanh bóng mát công cộng, Cty phân công cán bộ, nhân viên tuần tra và xử lý nhanh những cây hư hại trên đường phố do mưa bão, thường xuyên sửa tán, tạo hình, cắt tỉa những cành hoặc chồi mọc không phù hợp; chống sửa cây nghiêng phòng đổ, gãy nguy hiểm. Việc chặt hạ, di dời các cây xanh cũng như công tác xây dựng, trồng mới các cây xanh công cộng phù hợp với quy hoạch về sử dụng đất phải được Phòng Quản lý đô thị thành phố cấp phép. Đối với các công trình dự án mới, thành phố đều yêu cầu phải bố trí quỹ đất dành cho cây xanh công cộng với tỷ lệ phù hợp.
Chăm sóc thảm hoa trên dải phân cách đường Võ Nguyên Giáp (TP Nam Định).
Chăm sóc thảm hoa trên dải phân cách đường Võ Nguyên Giáp (TP Nam Định).
Tuy nhiên, tình trạng quản lý cây xanh ở tuyến huyện, đặc biệt là ở các thị trấn chưa được coi trọng. Do vậy khi Phòng Hạ tầng kỹ thuật và phát triển đô thị (Sở Xây dựng) có văn bản yêu cầu Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố báo cáo hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị về cây xanh thì hầu hết các huyện đều lúng túng, nguyên nhân do Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11-6-2010 về quản lý cây xanh đô thị của Chính phủ đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể. Vì thế, công tác phát triển cây xanh ở địa bàn tuyến huyện chưa có căn cứ để quy hoạch theo hướng lâu dài mà chỉ dừng lại ở mức đảm bảo giữ nguyên hiện trạng, từng bước phát triển thêm ở vỉa hè các tuyến phố bám theo các dự án giao thông hoặc các công trình xây dựng mới… Ở các huyện, nhiều cây xanh do dân tự trồng đã được đốn hoặc thay thế bằng các loại cây phù hợp nhưng nhìn chung công tác trồng cây xanh ở các thị trấn vẫn còn tự phát, thiếu hướng dẫn. Cây xanh được trồng tùy theo sở thích của chủ nhà, các nhà đầu tư, không tuân theo một quy chuẩn nào, không mang tính bền vững dễ dẫn tới phá vỡ không gian kiến trúc đô thị, quy hoạch cây xanh thiếu đồng bộ… 
 
Nhằm nâng cao năng lực quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đang xây dựng dự thảo quy định về phân cấp, quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của tỉnh. Trong đó, quy định rõ nguyên tắc quản lý hệ thống cây xanh trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh thống nhất quản lý; phân công, phân cấp phù hợp cho cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố quản lý. Các quy hoạch, dự án xây dựng phải xác định tỷ lệ, diện tích cây xanh và quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị đảm bảo theo quy chuẩn Xây dựng Việt Nam và tiêu chuẩn quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng cũng như các quy định hiện hành khác. Khi xây dựng các khu đô thị mới, đường đô thị mới, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ đất cây xanh, trồng cây đồng bộ với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải tuân thủ theo Điều 14 của Nghị định 64/2010/NĐ-CP. UBND các huyện, thành phố tổ chức quản lý hệ thống cây xanh tại các đô thị thuộc phạm vi quản lý; có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm, về bảo vệ cây xanh; cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trên địa bàn. Các hành vi bị cấm đối với quản lý cây xanh đô thị cũng được quy định đầy đủ rõ ràng như tự ý trồng, trồng cây xanh thuộc danh mục cấm trồng. Yêu cầu các huyện, thành phố phải triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết cây xanh, công viên - vườn hoa đô thị làm cơ sở để lập dự án đầu tư cây xanh đô thị, công viên - vườn hoa; đảm bảo việc trồng cây xanh tuân thủ quy hoạch đã phê duyệt. Các đơn vị được phân cấp quản lý cây xanh phải xây dựng kế hoạch duy trì, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, khảo sát, lập kế hoạch trồng và cải tạo cây xanh trên địa bàn mình quản lý. Thiết lập hệ thống hồ sơ dữ liệu, lý lịch cây bóng mát trồng trên đường phố, trong công viên và các khu vực công cộng khác của đô thị để phục vụ công tác quản lý. Đề xuất kế hoạch đầu tư phát triển cây xanh công cộng tại các đô thị hằng năm trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện. 
 
Việc sớm ban hành quy định mới về phân cấp quản lý cây xanh đô thị sẽ giúp hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ, phát triển hài hòa với tốc độ xây dựng hạ tầng, đảm bảo hướng tới quy hoạch xanh, môi trường xanh. Thời gian tới, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch cây xanh, xây dựng chiến lược cụ thể, rõ ràng về phát triển cây xanh ở các đô thị; UBND các huyện và các thị trấn siết chặt quản lý cây xanh trên địa bàn đẩy mạnh xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp đầu tư quản lý cây xanh. Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ và phát triển không gian xanh ở các khu dân cư, tạo môi trường sống tốt hơn cho các khu dân cư, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com