Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

08:12, 15/12/2020

Thực hiện Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, lĩnh vực phát triển vận tải hành khách bằng xe ô tô được Sở GTVT tăng cường quản lý và từng bước củng cố nâng cao chất lượng. Trong đó, vận tải công cộng bằng xe buýt, taxi được quan tâm phát triển sớm tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu giao thương, đi lại của nhân dân.

Tuyến xe buýt NĐ02 từ thành phố Nam Định đi thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) do Công ty Cổ phần Xuân Thiệu khai thác.
Tuyến xe buýt NĐ02 từ thành phố Nam Định đi thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) do Công ty Cổ phần Xuân Thiệu khai thác.

Theo thống kê của Phòng Quản lý Vận tải - Phương tiện và người lái (Sở GTVT) đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 10 tuyến xe buýt với tổng số 74 xe, tổng tải trọng 3.184 chỗ hoạt động ổn định (bình quân 43 chỗ/xe). Có 8 tuyến xe buýt nội tỉnh và 2 tuyến xe buýt liên tỉnh từ thành phố Nam Định đi tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và ngược lại do các doanh nghiệp là Công ty TNHH Ô tô Đại Duy, Công ty Cổ phần Xuân Thiệu và Công ty Cổ phần Du lịch Vận tải Trường Sơn khai thác. Trong đó, Công ty TNHH Ô tô Đại Duy khai thác các tuyến: NĐ01 và NĐ10 đi thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy), NĐ07 đi Trực Khang (Trực Ninh), NĐ08A đi Giao Thiện (Giao Thủy), NĐ08B đi Xuân Đài (Xuân Trường). Công ty Cổ phần Xuân Thiệu khai thác các tuyến NĐ02 đi thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), NĐ03 đi thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) và tuyến NH05 đi thành phố Phủ Lý (Hà Nam); Công ty Cổ phần Du lịch Vận tải Trường Sơn khai thác các tuyến NĐ06 đi Cụm công nghiệp phía nam thị trấn Lâm (Ý Yên) và tuyến ngoại tỉnh NN11 đi thành phố Ninh Bình (Ninh Bình). Các tuyến xe buýt phục vụ theo khung thời gian từ 5 giờ đến 18 giờ hàng ngày với tần suất từ 30-60 phút/chuyến đã đảm bảo lưu thông hai chiều từ thành phố Nam Định đến các huyện và các tỉnh lân cận. Trong đó, thành phố Nam Định, có 10 tuyến xe buýt/ngày; huyện Mỹ Lộc có 1 tuyến/ngày; các huyện ở vị trí trung chuyển như Nam Trực, Trực Ninh mỗi ngày có 6-7 tuyến xe buýt lưu thông; các huyện ven biển như Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng cũng có từ 2-3 tuyến xe buýt phục vụ mỗi ngày. Tuyến buýt NĐ02 xuất phát từ thành phố Nam Định đi thị trấn Thịnh Long với cự ly hành trình dài nhất là 72,4km. Đại diện Công ty Cổ phần Xuân Thiệu, đơn vị khai thác tuyến cho biết: Tuyến buýt NĐ02 hoạt động ổn định từ năm 2007, có 14 xe với tổng tải trọng 658 chỗ. Từ năm 2012 đến nay, do lưu lượng hành khách trên tuyến tăng cao, nhiều ngày cuối tuần hoặc cao điểm lễ, tết tỷ lệ hành khách đạt trên 90% tải trọng xe nên Công ty đã đề xuất Sở GTVT phê duyệt tăng tần suất từ 36 lên 54 chuyến/ngày để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Hiện nay, tuyến buýt NĐ02 có 118 điểm dừng đỗ đón/trả khách; với giãn cách 30 phút/chuyến, liên tục từ 5-18 giờ hàng ngày, giá vé toàn tuyến là 28 nghìn đồng/khách. Cũng trong năm 2012, Công ty đầu tư khai thác thêm tuyến NĐ03 xuất phát từ thành phố Nam Định đi thị trấn Rạng Đông cự ly 64,7km. Tuyến NĐ03 có 15 xe, tổng tải trọng 677 chỗ; với 86 lượt xe/ngày, giá vé toàn tuyến 29 nghìn đồng/khách. Theo Sở GTVT đánh giá, các tuyến buýt nội tỉnh với tần suất 392 chuyến hoạt động liên tục từ 5 đến 18 giờ hàng ngày, với giá vé (toàn tuyến) từ 20 đến 29 nghìn đồng, chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ của nhân viên không ngừng được nâng cao; hệ thống điểm dừng đỗ đón/trả khách hợp lý, thuận tiện kết nối với hệ thống giao thông đến các bệnh viện, trường học và trung tâm các địa phương đã phục vụ tốt nhu cầu đa dạng của hành khách trong tỉnh; góp phần phát triển hoàn chỉnh hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo hướng văn minh, hiện đại và an toàn. Mỗi tháng, sản lượng khai thác các tuyến xe buýt nội tỉnh đạt bình quân trên 70% tải trọng xe; vào những dịp cao điểm có thể đạt trên 90% tải trọng xe cho thấy xe buýt đã được nhiều người dân lựa chọn khi có nhu cầu di chuyển.

Nắm bắt nhu cầu thực tế Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt khai thác 2 tuyến buýt ngoại tỉnh kết nối thành phố Nam Định với các thành phố Ninh Bình, Phủ Lý. Tuyến xe buýt NH05 Nam Định - Phủ Lý và ngược lại chính thức hoạt động từ tháng 1-2016 do liên danh Công ty Cổ phần Xuân Thiệu Nam Định và Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Hà Nam phối hợp khai thác có cự ly 44,3km, tần suất 30-40 phút/lượt, 48 chuyến/ngày, thời gian từ 5 giờ 15 đến 18 giờ hàng ngày với tổng số 4 xe, tổng tải trọng 174 chỗ, giá vé toàn tuyến 26 nghìn đồng/khách. Đến tháng 10-2017, tuyến xe buýt ngoại tỉnh thứ 2 từ thành phố Nam Định đi thành phố Ninh Bình và ngược lại, ký hiệu NN11 do Công ty Cổ phần Du lịch vận tải Trường Sơn khai thác. Tuyến có điểm đầu hành trình tại Siêu thị Big C thành phố Nam Định, điểm cuối tại Siêu thị Big C, thành phố Ninh Bình với cự ly khai thác 44,3km. Tuyến NN11 có 5 xe với tổng tải trọng 200 chỗ, 28 lượt xe mỗi ngày, giá vé toàn tuyến 28 nghìn đồng/khách. Các tuyến xe buýt NH05; NN11 đi vào hoạt động đã đáp ứng cho nhân dân tỉnh ta và hai tỉnh lân cận hình thành thói quen sử dụng xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm mật độ xe cơ giới tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và cải thiện điều kiện đi lại cho nhân dân, nhất là đối với những người phải di chuyển thường xuyên qua lại các địa phương. Anh Bùi Thế Đạt, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) làm việc ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam) cho biết: Từ ngày có chuyến xe buýt NH05 hoạt động, việc đi làm hàng ngày của tôi đã thuận tiện, an toàn hơn hẳn. Với giá vé 400 nghìn đồng/tháng; không hạn chế số lượt đi/về trong ngày, tính ra mỗi ngày tôi chỉ mất chưa đến 14 nghìn đồng cho 2 lượt đi/về; vừa nhàn, vừa tiện, thời gian đi lại cũng tương đương lại rẻ hơn so với sử dụng xe cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại tỉnh ta vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế như: một số điểm dừng đỗ đón trả khách chưa thực sự hợp lý; tình trạng trễ tuyến, trễ giờ vẫn còn xảy ra; một số điểm dừng đỗ chưa được đầu tư nhà chờ; chưa có hệ thống hỗ trợ người khuyết tật sử dụng xe... Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp vận tải đầu tư nâng cấp phương tiện; cải thiện chất lượng và mở rộng vùng phục vụ của xe buýt; nghiên cứu đầu tư, đổi mới, cải tạo đồng bộ và hợp lý hóa hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Tiến tới lắp đặt bảng điện tử, hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến trên xe buýt tại các điểm đầu cuối, điểm trung chuyển và nhà chờ xe buýt. Khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng chương trình nhận diện thương hiệu xe buýt; nâng cao tính tiện nghi của dịch vụ xe buýt; tăng cường trang bị hệ thống camera giám sát tại các điểm trung chuyển xe buýt. Đầu tư phát triển hệ thống vé điện tử dùng chung cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức đảm bảo thuận tiện, liên thông cho hành khách và hỗ trợ cho quản lý doanh thu, vận hành. Tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp phát triển diện tích đất dành cho giao thông công cộng; chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; kịp thời bổ sung quy hoạch tuyến mới đảm bảo kết nối các vùng miền, phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân./.

Bài và ảnh: Thành Trung


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com