Dạy con kiểu ấy (!)

07:07, 12/07/2019

Nhận được quyết định bổ nhiệm làm trưởng phòng kinh doanh của công ty, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, anh Hưng phấn khởi mời bạn bè đi liên hoan. Để cuộc vui trọn vẹn, anh cẩn thận điện thoại cho vợ “cắt cơm” và báo sẽ về muộn. Tuy nhiên, chừng hơn một giờ sau, khi cuộc vui đang ở mức cao trào thì chuông điện thoại của anh đổ dồn. Trên máy là số diện thoại của vợ nhưng anh lại nghe tiếng cô con gái sáu tuổi: “Bố ơi, bố về ngay đi, mẹ đang bị ốm nặng”. Nghe con gái nói vậy, anh thấy hoảng nhưng vẫn cố điềm tĩnh: “Mẹ ốm sao con?”. Tiếng con bé trong điện thoại thoáng chút ngập ngừng: “Mẹ bảo mẹ bị đau bụng dữ dội, bố về đưa mẹ đi bệnh viện”. Không để con phải lo sợ, anh trấn tĩnh: “Con yên tâm, bố về ngay!”.

Đúng là “Phúc bất trùng lai” (!). Trong tâm trạng lo lắng, anh phóng xe máy về nhà. Vào đến cửa, anh sững người khi thấy hai mẹ con vẫn bình an ngồi xem ti vi. Hiểu ra mọi chuyện, anh giận run người nhưng vì sợ ảnh hưởng đến con nên cố trấn tĩnh: “Sao bảo em bị ốm?”. Vợ anh vẫn bình thản: “Anh suốt ngày bạn bè, bia bọt, có ngó ngàng gì đến vợ con đâu? Em mà không làm vậy, có mà anh ngồi suốt đêm (!)".

Đây không phải là lần đầu anh Hưng “đứng hình” vì cách xử lý tình huống theo kiểu bất chấp của vợ. Sống với nhau gần chục năm, anh hiểu chị là người phụ nữ hết lòng vì chồng con. Công việc của anh trong công ty đòi hỏi quan hệ rộng, nay đây mai đó để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; còn chị vừa đi làm, vừa phải lo nuôi dạy con. Mặc dù không gây hại trực tiếp nhưng lối sống tùy tiện, bột phát trong suy nghĩ của chị khiến anh không yên tâm về cách dạy con. Chẳng hạn, ngày con còn bé, mỗi khi nó bị ngã, chị liền đỡ dậy, xót xa: “Con bị ngã có đau không? Để mẹ đánh chừa chỗ đất này (!)”. Trẻ con bây giờ được nuôi dưỡng đầy đủ nên thông minh; làm như vậy, chị vô tình đã dạy con cách thoái thác trách nhiệm với bản thân để khi gặp sự cố liền đổ lỗi cho một đối tượng khác là xong(!). Hoặc hàng ngày chị dạy con theo kiểu “lý thuyết suông”, vô tư nói một đằng làm một nẻo. Chị luôn dạy con phải biết yêu thương, giúp đỡ người khác nhưng mỗi khi ông tổ trưởng dân phố đến vận động quyên góp ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam…, chị thường lảng tránh hoặc từ chối với lý do “biết có đến tay người ta không mà nộp”(?). Biết tính vợ như vậy, anh Hưng tự nhủ sẽ thường xuyên gần gũi tâm sự, phân tích cho vợ hiểu nếu dạy dỗ kiểu ấy sẽ vô tình biến con thành đứa trẻ hay nói dối. Rằng, để dạy cho trẻ sống trung thực, lời nói của cha mẹ phải đi đôi với hành động. Bởi lẽ, khi còn nhỏ, cha mẹ làm gì, trẻ vừa nhìn bằng ánh mắt, vừa ghi trong trí óc, sẽ quan sát và làm theo.

Từ chuyện nhà anh Hưng, thiết nghĩ: Nếu muốn con sống trung thực, các bậc cha mẹ đừng bao giờ nói dối trước mặt con và đặc biệt là đừng bao giờ xúi con nói dối người khác. Khoa học đã chứng minh, trẻ học ở thực tế nhanh hơn sách vở. Cha mẹ phải luôn là tấm gương để con noi theo. Muốn con không nói dối thì cha mẹ phải là người trung thực./.

Đức Linh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com