Đừng nghĩ "Con cá mất là cá to" (!)

08:07, 26/07/2019

Chủ nhật tuần trước về quê, nghe tin anh bạn cùng học cấp ba có con gái đạt tổng điểm khối D khá cao trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa qua, tôi sang chia vui. Tuy nhiên, trái với tâm trạng phấn khởi của những người thân, gương mặt cô bé vẫn buồn buồn:

- Dạ, cháu đã cố gắng hết sức nhưng cũng chỉ được 24 điểm khối D thôi ạ!.

- Tôi ngạc nhiên:

- Với điểm thi như vậy, có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường đại học tốp trên, sao cháu còn băn khoăn?

Lúc này cô bé mới trải lòng:

- Ước mơ của cháu là được học ngành kinh tế của Đại học Ngoại thương. Với phổ điểm xét tuyển của trường năm trước, cháu còn không dám đăng ký huống chi là năm nay điểm chuẩn chắc chắn sẽ cao hơn (!).

Thì ra là như vậy (!). Nhìn gương mặt non nớt, thất vọng của cô bé, tôi gặng hỏi:

- Ngoài Đại học Ngoại thương, cháu còn thích trường nào?

Nét mặt cô bé bỗng trở nên đanh lại:

- Dạ, giờ thì cháu học trường nào cũng được (!).

Nghe cô bé nói vậy, tôi giật mình! Hóa ra phần lớn học sinh trung học phổ thông ở nông thôn như cô bé này đều rất ít kỹ năng sống cũng như hiểu biết về cuộc sống, về tương lai của mình. Với một chương trình học, một khối lượng kiến thức quá nặng, trong suốt mười hai năm “đèn sách”, các em chỉ cắm đầu vào học, không còn thời gian để tìm hiểu, trải nghiệm, tiếp xúc với nghề nghiệp mà mình yêu thích để lựa chọn, theo đuổi sau này. Việc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học của lớp trẻ nếu không vì sự định hướng của gia đình thì phần nhiều cũng chỉ theo cảm tính. Việc cô con gái anh bạn tôi có mơ ước được vào Trường Đại học Ngoại thương chắc cũng chỉ theo phong trào vì nghĩ mình học lực giỏi, xứng đáng được vào trường đại học tốp đầu, danh tiếng, đẳng cấp… chứ chưa nghĩ đến các điều kiện có liên quan như: Học phí phải đóng góp cao trong khi kinh tế gia đình còn eo hẹp; môi trường học tập đòi hỏi sự năng động trong khi kỹ năng sống, giao tiếp, hòa nhập… còn hạn chế… Bởi vậy khi không đạt được nguyện vọng, mơ ước thì thất vọng, buông xuôi kiểu “Con cá mất là con cá to” (!).

Thực tế cuộc sống đã khẳng định: Không ai có thể thành công nếu không có đam mê và theo đuổi niềm đam mê. Trước ngưỡng cửa vào đời, việc chọn đăng ký vào học các trường đại học, cao đẳng đúng với khả năng, sở thích của mình là vô cùng quan trọng trong việc tạo động lực trong học tập và quyết định đến thành công sau này. Bởi vậy, để chọn đúng ngành nghề phù hợp, thiết nghĩ các bạn trẻ phải thật tỉnh táo, sáng suốt, hiểu mình, hiểu nghề, tìm đúng nơi gửi gắm ước mơ./.

Đức Linh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com