Thị trường thực phẩm chức năng "Vàng thau lẫn lộn"

06:05, 17/05/2019

Những năm gần đây, do chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên nên nhiều người đã quan tâm hơn đến việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu đã chú trọng hơn đến các mặt hàng thực phẩm, hoá mỹ phẩm có công dụng làm đẹp, nâng cao sức khoẻ của con người, trong đó có các loại thực phẩm chức năng. Theo Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm thực phẩm chức năng của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Cùng với sự phát triển nhanh về cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng tăng cao. Đơn cử, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ người dân sử dụng thực phẩm chức năng là 43%, còn ở Hà Nội, tỷ lệ này lên đến 68,1%.

Hiện nay, vào bất cứ một quầy thuốc nào không khó để có thể tìm được hàng chục loại thực phẩm chức năng được bày bán công khai, từ loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, khoáng chất đến viên uống làm đẹp da, giảm béo, phòng chống lão hoá… Tuy nhiên, thị trường thực phẩm chức năng hiện nay đang bị thả nổi, nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo thái quá về tính năng cũng như công dụng gây tổn thất và thiệt hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm còn được quảng cáo là hàng xách tay từ Mỹ, Úc về khiến nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua về sử dụng.

Đã có nhiều trường hợp phải nhập viện do dùng quá liều hay sử dụng phải thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc. Đáng lo ngại hơn, những sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường, khi bị các cơ quan chức năng phát hiện xử lý sẽ khiến người tiêu dùng có tâm lý nghi ngại khi sử dụng những sản phẩm cùng chủng loại, kể cả của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng “bát nháo” trong thị trường thực phẩm chức năng, theo ý kiến của các chuyên gia, một mặt do ý thức tuân thủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa cao. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả thực phẩm chức năng rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Bên cạnh đó, việc quản lý mặt hàng thực phẩm chức năng còn khá lỏng lẻo, công tác thanh kiểm tra chưa bắt kịp thực tế. Cùng với đó, chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh để đủ sức răn đe đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kém chất lượng.

Nhằm tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển, ngày 2-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, Nghị định 15 quy định, kể từ ngày 1-7-2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Như vậy có nghĩa, nếu sau ngày 1-7-2019, các đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng không đạt tiêu chuẩn GMP, sản phẩm không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất. Nghị định được kỳ vọng là “đòn bẩy” để thúc đẩy thị trường thực phẩm chức năng phát triển minh bạch và lành mạnh, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Bởi, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, muốn sản xuất ra những sản phẩm an toàn, chất lượng thì phải hướng đến sản xuất theo những tiêu chuẩn rất khắt khe. Hơn thế nữa, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn GMP có nghĩa doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang các thị trường khác thuộc ASEAN, chưa nói đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn tại các thị trường như Mỹ, châu Âu... Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý nghiêm các trang mạng, đơn vị quảng cáo, các nhà sản xuất, phân phối sản phẩm thông tin sai sự thật, thổi phồng một cách thái quá công dụng của các loại thực phẩm chức năng nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Trong khi chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành chức năng trong việc xiết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, mỗi người tiêu dùng phải trở thành “người tiêu dùng thông thái” khi lựa chọn thực phẩm chức năng, thận trọng với những loại thực phẩm chức năng trôi nổi ngoài thị trường hay được quảng cáo là hàng “xách tay”, không nên đặt niềm tin thái quá vào các loại thực phẩm chức năng, coi thực phẩm chức năng là thần dược mà dễ “tiền mất, tật mang”./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com