Tai nạn đuối nước trong dịp hè - nỗi lo thường trực

06:04, 19/04/2019

Nước ta có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, nhất là ở các vùng nông thôn, khu vực ven biển. Ở những nơi này, nỗi lo về đuối nước ở trẻ luôn thường trực và có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em là do các em chưa thực sự có ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, tắm sông; bản thân chưa có kỹ năng bơi lội; các bậc phụ huynh không quản lý chặt chẽ việc vui chơi của con em.

Thống kê hàng năm cho thấy trong các tai nạn, thương tích ở trẻ, trẻ mắc đuối nước có tỷ lệ tử vong cao hơn cả và nước ta là nước có tỷ lệ trẻ bị đuối nước hàng năm cao gấp nhiều lần ở các nước trong khu vực. Trung bình mỗi năm, có trên 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Con số này cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần so với các nước có thu nhập cao. Năm nay, dù mới chớm bước vào đầu hè song ở nhiều nơi đã xảy ra những vụ tai nạn đuối nước hết sức thương tâm và đây là tình trạng hầu như dịp hè nào cũng xảy ra. Mới đây vào ngày 21-3, 10 em học sinh Trường Trung học cơ sở Hữu Nghị (Thành phố Hòa Bình) vì được nghỉ học nên rủ nhau ra sông Đà chơi bóng nước, 8 em bị dòng nước cuốn ra xa và tử vong do đuối nước. Chỉ trong ngày 14-4 xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở huyện Krông Pa (Gia Lai) và huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khiến 5 học sinh tử vong. Ngay sau khi xảy ra vụ việc ở Hòa Bình, chiều 21-3, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có công văn gửi UBND các địa phương yêu cầu triển khai các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước với trẻ em nói riêng. Ngày 12-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh, sinh viên dịp hè năm 2019. Điều đó cho thấy sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng cũng như tầm quan trọng của công tác phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ em. Nhận thức được tầm quan trọng ý nghĩa của việc biết bơi đối với phòng, chống đuối nước trong môi trường sông nước, những năm gần đây, nhiều địa phương đã có sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ với ngành Giáo dục và Đào tạo, cùng Đoàn Thanh niên tổ chức phổ cập bơi cho học sinh trong dịp hè. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên, tuy nhiên tỷ lệ học sinh được tham gia chưa nhiều, chất lượng đào tạo chưa đi vào thực chất, nhiều nơi làm theo phong trào, thành tích.

Để đề phòng tai nạn đuối nước, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, trước hết các bậc phụ huynh, người chăm sóc và các em học sinh cần quan tâm đến một số vấn đề như: Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không. Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi. Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên. Với nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được. Nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Không nên cho trẻ chơi đùa cạnh bờ sông, ngòi, kênh, rạch… Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi). Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng đưa ra khuyến cáo để các bậc phụ huynh phòng tránh đuối nước cho con em mình như: Không được để con em đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Không để các cháu chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu, hố vôi đang tôi để tránh bị ngã, rơi xuống hố. Nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ cần làm cửa chắn và rào quanh nhà, lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng. Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

Hè về, cùng với những nỗi lo về tai nạn thương tích ở trẻ, vấn đề đuối nước là mối quan tâm của các phụ huynh, nhất là với những gia đình có con nhỏ, nhà gần sông, suối, ao, hồ. Phòng, chống đuối nước là trách nhiệm của toàn xã hội và cần có sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục nhắc nhở con trẻ về ý thức phòng, chống đuối nước. Tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, tránh nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là các bậc phụ huynh trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com