Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội!

06:04, 05/04/2019

Những ngày qua, dư luận dậy sóng trước vụ việc một số học sinh Trường Trung học cơ sở Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đã có hành vi dùng vũ lực lột đồ, bạo hành một cách dã man đối với em Y. Vụ bạo hành này bị ghi lại bằng clip, sau đó phát tán lên mạng xã hội. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 31-3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trực tiếp về làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Xuân Phóng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gọi điện chỉ đạo xử lý vụ nữ sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Phù Ủng bị bạn hành hung. Thừa nhận “đây là sự việc rất đau lòng”, ông Phóng cho biết, hiệu trưởng nhà trường và chủ nhiệm lớp 9A bị đình chỉ để làm rõ sự việc. Công an đang điều tra, làm rõ để sớm đưa ra kết luận, chỉ ra sai phạm của tập thể, cá nhân, từ đó có biện pháp xử lý. Ông Phóng đã yêu cầu UBND huyện Ân Thi “xem xét làm quy trình cách chức đối với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách Đội; xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ”. Giáo viên chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn “vì không nắm được tâm tư của học sinh”. Còn  Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định, đây là “vụ rất nghiêm trọng, vượt qua phạm vi thông thường của bạo lực học đường, có nguyên nhân ý thức thực thi công vụ của các cấp, đặc biệt là nhà trường chưa làm hết trách nhiệm”, ông Nhạ đề nghị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên có biện pháp mạnh mẽ. Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) “phải từ bài học xương máu này để cảnh tỉnh đội ngũ giáo viên trong toàn ngành trên tinh thần không né tránh”.

Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai.
Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai.

Đây chỉ là một vụ việc điển hình trong rất nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây. Điều đó cho thấy vấn đề giáo dục đạo đức trong học đường chưa được coi trọng, kỹ năng sống của học sinh còn yếu. Bên cạnh đó bệnh thành tích cũng là một nguyên nhân khiến hầu hết các vụ bạo lực học đường bị ém nhẹm đi hoặc xử lý chưa đến nơi đến chốn và có nguy cơ ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Theo nhiều chuyên gia, các vụ bạo lực giữa học sinh với nhau thường xảy ra ở các trường trung học cơ sở, tức là khối học sinh lớp 6, 7, 8, 9. Các em trong độ tuổi này đều trong thời kỳ hoàn thiện nhân cách, suy nghĩ chưa chín chắn, dễ hành động bột phát, dẫn tới xung đột và thiếu kiểm soát trong hành vi, cử chỉ, lời nói. Trong giai đoạn này, bản năng thích thể hiện cái tôi là tâm sinh lý bình thường nên các thầy, cô và gia đình phải hết sức chú ý. Đây là thời kỳ cha mẹ, thầy cô cần nắm bắt kịp thời tâm sinh lý của các con, hướng các con đến “Chân - Thiện - Mĩ”. Muốn vậy đầu tiên thầy cô cần đề cao tinh thần gương mẫu, làm gương cho các con qua những việc làm, hành động hàng ngày. Để cảm hóa, thu phục học sinh cũng phải khéo léo khuyến khích các con phát huy tính tự lập, tự giác. “Thả” các con tự “bơi” như vậy nhưng cha mẹ, thầy cô cần quản lý, giám sát chặt, để tránh tính tùy tiện, tự phụ, ngạo mạn, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên...

Cần coi trọng việc phối kết hợp giữa “Gia đình, nhà trường và xã hội” trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Trong đó, gia đình giữ vai trò quan trọng hàng đầu bởi đây là nơi con gắn bó, gần gũi nhất. Mọi biểu hiện của con cũng thể hiện tại gia đình, nên các bậc phụ huynh chính là những “người thợ tài hoa” để “vẽ” lên tâm hồn như “tờ giấy trắng” của các con... Nhà trường là nơi cùng dìu dắt, định hướng, giúp học sinh trau dồi kiến thức và ý thức. Xã hội là môi trường để học sinh rèn luyện, trải nghiệm. Ba yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ như một nhưng lại rất riêng. Nếu con ngoan ở trường nhưng về nhà bố mẹ không gương mẫu, sống trong môi trường đó con cái sẽ không ngoan ngoãn, hoặc có gia đình lại “khoán trắng” cho nhà trường việc giáo dục, dạy dỗ con thì các bậc cha mẹ chưa làm hết trách nhiệm đối với chính con em của mình. Bởi vậy cũng không thể đổ lỗi hết cho các nhà trường khi có các vụ bạo lực học đường xảy ra./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com