Hạn chế sử dụng túi ni-lông, giải pháp bảo vệ môi trường

07:05, 03/05/2019

Hiện nay, ô nhiễm chất thải nhựa, nhất là túi ni-lông ở các nước trên thế giới cũng như ở nước ta đang trong tình trạng báo động. Ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng và thải ra ít nhất một túi ni-lông, con số này ở thành thị là 3 đến 6 túi ni-lông/ngày. Các nhà khoa học đều cho rằng quá trình túi ni-lông phân hủy có thể mất từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Vấn đề đối với túi ni-lông là chúng không phân huỷ thành các chất vô hại, phân huỷ rất chậm trong môi trường tự nhiên và là chất thải tồn tại lâu dài. Dù đã phân huỷ và lẫn vào đất thì chất nhựa PE sẽ làm đất bị trơ, không giữ được nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Không kể những tác hại môi trường mà các thế hệ sau phải gánh chịu, túi ni-lông còn gây ra nhiều tác hại trước mắt, trực tiếp vào người sử dụng như làm tắc các đường dẫn nước thải gây ngập lụt cho đô thị. Bao bì ni-lông cũng đe dọa trực tiếp tới sức khoẻ con người vì nó chứa chì, cadimi… (có trong mực in tạo màu trên các bao bì) có thể gây tác hại cho não và là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi và nhiều bệnh khác. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hiện nay chưa có loại bao bì nào tiện lợi và rẻ hơn để thay thế túi ni-lông. Dù biết túi ni-lông có hại nhưng việc loại nó khỏi cuộc sống không dễ. Bên cạnh đó việc kêu gọi hạn chế sử dụng túi ni-lông cũng sẽ không hiệu quả khi chúng ta chưa quản lý được việc sản xuất và cung cấp túi ni-lông, dẫn tới việc người bán hàng sẵn lòng phục vụ người mua túi ni-lông, còn người mua chấp nhận sự phục vụ này không cần suy nghĩ. Hiện không rõ cả nước có bao nhiêu cơ sở sản xuất túi ni-lông, hàng năm Việt Nam tiêu thụ bao nhiêu tấn túi ni-lông các loại, thu gom và tái chế được bao nhiêu, còn bao nhiêu thải loại ra môi trường. Để đối phó với nguồn ô nhiễm này, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có những biện pháp hạn chế và thậm chí cấm hẳn việc phát túi ni lông cho khách hàng. Tại Việt Nam, Luật Môi trường Việt Nam đã có mục quy định về vấn đề này nhưng chúng ta vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể. Vì vậy tình trạng sử dụng túi ni-lông vẫn rất phổ biến.

Phát túi đựng thân thiện với môi trường - một trong những giải pháp nhằm hạn chế sử dụng túi ni-lông.
Phát túi đựng thân thiện với môi trường - một trong những giải pháp nhằm hạn chế sử dụng túi ni-lông.

Nhằm hạn chế và xa hơn là cấm sử dụng túi ni-lông, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người thấy được tác hại của rác thải nhựa từ túi ni-lông, từ đó thay đổi nhận thức, thói quen trong việc sử dụng túi ni-lông, hạn chế sử dụng túi ni-lông, bảo vệ môi trường. Muốn vậy chúng ta phải tìm ra loại bao gói, túi đựng hàng có thể thay thế túi ni-lông ít gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Cần lựa chọn một loại túi vừa đảm bảo về mặt môi trường nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta. Khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi ni-lông, cung cấp cho khách hàng các phương thức đựng hàng thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni-lông. Trên thực tế có thể sử dụng một số loại túi đựng hàng thay thế túi ni-lông hiện đang có trên thị trường như: Túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni-lông tự huỷ... Thời gian vừa qua, một số siêu thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến dùng lá chuối để gói rau củ, thực phẩm thay cho túi ni-lông. Trên thực tế số siêu thị nói không với túi ni-lông này chưa nhiều, mô hình chưa được nhân rộng.

Bên cạnh đó, cần tổ chức thu hồi túi ni-lông để tái chế. Tuy nhiên, để tăng cường thu gom và tái chế loại túi ni-lông đang rất thông dụng này, cơ quan quản lý cần phối hợp với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư, các chung cư… bố trí các điểm thu gom dành riêng cho túi ni-lông. Trước mắt, trong giai đoạn đầu có thể phối hợp bố trí các điểm thu gom tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Có thể khuyến khích khách hàng giao nộp túi ni-lông bằng cách tính điểm thưởng trong phiếu thưởng theo số lượng túi giao nộp. Sau đó, các điểm thu gom sẽ dần được mở rộng trên khắp các địa bàn. Việc vận hành và duy trì các điểm thu gom này có thể giao cho các đơn vị tái chế túi ni-lông đảm nhận.

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, Hội Phụ nữ đã đứng ra tuyên truyền, vận động hội viên hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, hướng tới sử dụng bao bì thân thiện với môi trường bởi hội viên phụ nữ là đối tượng hàng ngày sử dụng nhiều túi ni-lông hơn cả. Một số địa phương còn phát động phong trào dùng làn đi chợ thay thế túi ni-lông... Hy vọng trong thời gian tới, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Việt Nam có thể hạn chế sử dụng túi ni-lông góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập hiện nay./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com