Sớm ngăn chặn việc lợi dụng tâm linh để trục lợi

05:03, 29/03/2019

Trong những ngày gần đây, báo chí cả nước liên tục đăng tải những bài viết liên quan đến việc Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) truyền bá “vong báo oán” và gọi vong để giải nghiệp. Tại đây, mọi người được tuyên truyền rằng, ai cũng có thể bị vong bám theo hành hạ, quấy nhiễu và muốn tai qua nạn khỏi thì phải trả nợ cho vong bằng cách “công đức” vào chùa khoản tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Trước đó tại Chùa Phúc Khánh (Hà Nội), cảnh hàng nghìn người ngồi chật kín sân chùa rồi tràn ra cả đường để tham dự lễ dâng sao giải hạn cũng được dư luận hết sức quan tâm. Điều đáng nói, việc dâng lễ sao giải hạn không phải là sự tùy tâm mà giá được niêm yết dao động từ 150 nghìn đến 500 nghìn đồng/người. Làm sớ cầu an cúng cho cả gia đình trong một năm từ 400 nghìn đồng đến cả triệu đồng. Thực tế hiện nay việc dâng sao giải hạn đầu năm đang diễn ra khá phổ biến ở các điểm thờ tự vào dịp đầu năm, mỗi đợt có hàng trăm người tham gia. Mong muốn có cuộc sống bình yên, an lành, mọi sự được hanh thông là nguyện vọng chính đáng của tất cả mọi người. Gửi gắm những mong muốn đó vào niềm tin tâm linh dường như đã trở thành phong tục của người dân Việt. Song đáng nói là để thỏa mãn nhu cầu này, việc thực hiện một số nghi lễ tâm linh đang có chiều hướng biến tướng, thậm chí bị đẩy đi quá đà đến mức trở thành mê tín dị đoan. Đặc biệt đâu đó vẫn có nơi lợi dụng sự mê tín, chưa hiểu biết của quần chúng để trục lợi, việc thực hành tín ngưỡng bị đẩy đến mức tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, số tiền nhà chùa, các điểm thờ tự thu về không hề nhỏ và hầu hết không được ai kiểm soát.

Chùa Ba Vàng (Ảnh: TTXVN)
Chùa Ba Vàng (Ảnh: TTXVN)

Với tổng số 7.000-8.000 lễ hội, có thể nói hoạt động lễ hội của chúng ta rất phong phú, có chiều sâu văn hóa và đã ăn sâu vào tâm khảm mỗi người dân. Bởi văn hóa vừa là cội nguồn, vừa là lịch sử của đất nước, đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển, đây là một nét đặc thù của người Việt Nam. Các hoạt động lễ hội văn hóa ngày càng được tổ chức bài bản hơn, quy củ hơn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng, không ít lễ hội nếu không được chấn chỉnh thì sẽ bị biến tướng, lợi dụng. Đặc biệt, nguy hiểm nhất là có những người lợi dụng vào đó để buôn thần bán thánh. Người ta thường gọi đó là “trục lợi tâm linh”, một thứ trục lợi rất dễ dàng, vì nó đánh thẳng vào tâm lý, vào lòng tin, đức tin của con người. Để xảy ra những hiện tượng đó là do thầy trụ trì, có chùa quá tin tưởng vào phật tử hay đệ tử và buông lỏng quản lý để phật tử lạm quyền làm sai - lợi dụng sự tin tưởng của người dân để thực hiện điều không đúng với giáo lý Phật dạy.

Tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi người nhưng rõ ràng, khi việc thực hành tín ngưỡng bị đẩy đến mức tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội thì cần được định hướng, chấn chỉnh. Đã đến lúc cần coi trọng việc giáo dục văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng. Như cha ông xưa vẫn tâm niệm “nhân nào quả ấy”, “gieo nhân thiện hái quả lành”, cần làm thế nào để mọi người đều nhận thức được rằng mọi thành công, mọi kết quả mĩ mãn chỉ có được từ nỗ lực của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng chứ không có từ sự đổi chác, mua bán với thần linh. Ngoài ra, người dân và phật tử đi chùa phải tìm hiểu, thực hành những lời Phật dạy để làm tốt cho mình và cho người, đến chùa chỉ cầu an và sức khỏe. Việc nhà chùa ngã giá ngay giữa chốn linh thiêng để làm lễ dâng sao giải hạn cho người dân là hành vi cần phải lên án. Trục lợi tâm linh đang gây ra nhiều hệ lụy, làm méo mó tín ngưỡng, cho nên các cơ quan quản lý cần phải sớm có các biện pháp mạnh để ngăn chặn. Trong đó các cơ quan quản lý về văn hóa, du lịch và chính quyền các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về tập quán đi lễ đầu năm. Cần bắt đầu từ những tác động nhỏ nhất để khi phát huy hiệu quả sẽ trực tiếp làm thay đổi nhận thức của cả cộng đồng, góp phần điều chỉnh hành vi của từng cá nhân. Khi đó chốn tâm linh sẽ thật sự là không gian văn hóa được nhiều người tìm đến để tĩnh tâm, cùng hướng tới những điều tốt đẹp./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com