Hiệu quả của mô hình phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng

08:06, 27/06/2018

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), thiên tai xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh, và diễn biến khó lường, không theo quy luật, không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, mà còn gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đối với các địa phương ven biển. Thực tiễn công tác phòng chống thiên tai (PCTT) tại tỉnh ta mấy năm qua cho thấy các phương án giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đang từng bước phát huy hiệu quả tích cực. Do vậy, kế hoạch PCTT cấp xã sẽ chú trọng hơn đến phương thức này trong bối cảnh BĐKH ngày càng nhanh và phức tạp.

Diễn tập sơ tán nhân dân trong thiên tai, bão lụt tại xã Hải Đông (Hải Hậu). Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Diễn tập sơ tán nhân dân trong thiên tai, bão lụt tại xã Hải Đông (Hải Hậu). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Xã Hải Đông (Hải Hậu) có chiều dài tiếp giáp với biển là 5,2km với 5 cửa cống thông ra biển, hằng năm chịu sự tác động trực tiếp của các cơn bão lớn, triều cường, ngập lụt trên diện rộng và ô nhiễm môi trường do rác thải dồn về… gây thiệt hại nặng nề đến đời sống vật chất, tài sản cũng như tính mạng của nhân dân trong xã. Chính vì vậy công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hằng năm là một nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung chỉ đạo. Để chủ động phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, UBND xã đã xây dựng mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Minh Dưỡng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân nhận thức rõ tác động của BĐKH ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của từng người, từng nhà, đặc biệt là siêu bão. Xác định phòng là chính, xã đã xây dựng kế hoạch, phương án PCTT-TKCN chi tiết, cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức diễn tập các tình huống PCTT có sự tham gia trực tiếp của người dân để mọi người nâng cao ý thức và rèn luyện kỹ năng thực hành những việc cần làm khi có thiên tai xảy ra. Đặc biệt tham gia dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD), xã Hải Đông được hỗ trợ thành lập 1 đội ứng phó cộng đồng gồm 24 thành viên. Các thành viên trong đội được huấn luyện quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, các kỹ năng hỗ trợ, được trang bị các thiết bị cần thiết để ứng phó rủi ro, làm công tác cứu hộ, cứu nạn như: cưa máy, máy phát điện, bộ âm ly di động, phao, áo phao… Các vật dụng này đã được sử dụng rất hiệu quả trong 3 năm vừa qua. Do thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhận thức của cộng đồng dân cư về nhiệm vụ PCTT đã được nâng cao, tự giác tham gia cùng chính quyền nên những năm vừa qua mặc dù có nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào địa phương với cường độ lớn, sức gió giật cấp 13, 14… nhưng Hải Đông vẫn hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Những năm qua, thông qua các dự án, tỉnh đã tăng cường lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ cấp thôn, xã; nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm thiên tai cho nhiều xã ven biển, tập huấn kiến thức về PCTT và ứng phó với BĐKH tại các trường học, phổ biến những mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH… với mục tiêu lớn nhất là nâng cao nhận thức và giúp người dân giảm thiểu tối đa thiệt hại, thích ứng với những thay đổi môi trường do BĐKH gây ra. Đến nay, đã có 30 xã của 3 huyện vùng ven biển xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai cấp xã. Bản đồ cung cấp thông tin về tác động của thiên tai đối với từng khu vực cụ thể của địa phương, tập trung vào tình huống bão mạnh kèm theo mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng là loại hình thiên tai phổ biến đối với một tỉnh ven biển, gây thiệt hại nặng nề cả về sản xuất, công trình, nhà cửa. Việc xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai cấp xã là cơ sở để xác định các bước đi trong kế hoạch PCTT của địa phương. Bản đồ khoanh vùng cụ thể và đánh giá mức độ những nơi có thể bị ảnh hưởng khi xảy ra mưa bão, xác định khu vực nguy hiểm dễ ngập sâu hay gió bão mạnh, khu vực an toàn để người dân có thể di chuyển, tránh trú… Điều quan trọng là bản đồ do người dân tự xây dựng theo hướng dẫn chuyên môn nên hết sức cụ thể, dễ hiểu, dựa trên thực tế xảy ra tại địa phương và kinh nghiệm cộng đồng. Đồng thời, các xã thành lập các đội ứng phó thiên tai cộng đồng, được cung cấp trang thiết bị để kịp thời cứu hộ cứu nạn, chằng chống nhà cửa, giải tỏa cây cối trước và sau bão, công trình gãy đổ, hỏng hóc, thông báo tuyên truyền cho nhân dân các tin tức kịp thời về diễn biến tình hình cơn bão để nhân dân kịp thời ứng phó, hỗ trợ việc di dân... Năm 2017, các cơn bão số 3, 10, 11 đã gây ảnh hưởng nặng đến đời sống và sản xuất của nhân dân xã Giao Thiện (Giao Thủy). Đặc biệt, ảnh hưởng của bão số 10 đúng lúc triều cường lớn làm đê bao các ao, đầm bị vỡ; sạt lở mái đê Trung ương đoạn từ dốc đê xóm 29 đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Ba Lạt gây ngập lụt 100% diện tích nuôi thủy sản và tài sản của nhân dân trong xã. Trước tình hình đó, xã đã huy động trên 1.500 lao động, 924m3 cát, 280 cây tre luồng, 75kg dây thép buộc cùng với vật tư được huyện Giao Thủy cấp là 22.200 chiếc bao tải, 82 chiếc bạt… khắc phục kịp thời sự cố, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Lãnh đạo xã Giao Thiện cho biết: địa hình là xã thấp trũng, hằng năm đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, lụt bão gây ra nên xã đã xây dựng kế hoạch phòng, chống và TKCN phù hợp với thực tiễn đảm bảo “4 tại chỗ”; xác định, phân loại các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; triển khai mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Xã củng cố hệ thống cảnh báo sớm thông qua hệ thống truyền thanh cung cấp thông tin đúng, đầy đủ các thông tin về bão và thiên tai. Đại bộ phận người dân đều có phương tiện nghe nhìn tại hộ gia đình nên tiếp cận các thông tin cảnh báo kịp thời. Bên cạnh đó, người dân cũng có kinh nghiệm trong công tác PCTT, chủ động kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, dùng lưới phủ mái nhà, dây thừng chằng buộc nhà cửa, thuyền bè. Đặc biệt tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng rất cao đã giúp chủ động công tác PCTT và TKCN, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, do BĐKH nên thực tế thiên tai vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng tại tỉnh ta. Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, năm 2017, thiên tai đã gây thiệt hại hoàn toàn 34 ngôi nhà; 18.764ha lúa bị mất trắng, gần 33 nghìn ha lúa bị ảnh hưởng; 4.154 con gia súc, gia cầm bị chết; 10.591ha ao, hồ nuôi thủy sản bị thiệt hại; 310 phương tiện khai thác thủy sản bị hư hỏng… Do vậy để công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đạt hiệu quả, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực dự báo, truyền tin cảnh báo thiên tai, mưa lũ cập nhật liên tục, chính xác để người dân chủ động phòng tránh. Chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, nhằm từng bước nâng cao năng lực dân sự trong ứng phó thiên tai tại cơ sở./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com