Những cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

07:05, 24/05/2013

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành cuộc vận động lớn, được các địa phương, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia. Kết quả thực hiện đến nay cho thấy, các địa phương đã xác định rõ cách làm, lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời tập trung phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là vai trò của chi bộ Đảng, của thôn, xóm và vai trò chủ thể trực tiếp của từng hộ dân. Chính vậy diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới.

Đến nay, 209 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM. 194/199 xã, thị trấn thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã tiến hành giao đất ngoài thực địa cho các hộ; trong đó 143 xã, thị trấn hoàn thành việc DĐĐT, đang tập trung chỉnh trang đồng ruộng, hoàn thiện các công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hoá tập trung và cơ giới hoá nông nghiệp; mỗi hộ cơ bản chỉ canh tác trên một thửa, diện tích đất công được quy gọn, hình thành các vùng chuyên canh, tổ chức sản xuất 150 mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đặc biệt, các hộ nông dân đóng góp trên 2.361ha đất, đắp trên 4.887km đường giao thông nội đồng. Năng suất lúa và giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng; năm 2012 đạt 118,91 tạ/ha, giá trị sản xuất đạt 95 triệu đồng/ha… là tỉnh được xếp trong nhóm đứng đầu về sản xuất nông nghiệp của khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong 2 năm xây dựng NTM, các địa phương đã tổ chức 663 lớp đào tạo nghề cho 19.586 lao động nông thôn; trên 85% lao động sau học nghề có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ huy động trẻ em ở độ tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 97,1%, 100% trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường. 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn I (2010-2015) đều xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chất lượng bền vững. 168 xã, thị trấn tổ chức tốt hoạt động thu gom rác thải, tỷ lệ dân số nông thôn dùng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 90,4%. 93% tổ chức Đảng đạt trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, 85% tổ chức chính quyền đạt chính quyền cơ sở vững mạnh. Pháp lệnh Dân chủ cơ sở được thực hiện hiệu quả, vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư được phát huy, an ninh nông thôn được giữ vững. Tổng vốn huy động đầu tư xây dựng NTM đến tháng 12-2012 của toàn tỉnh đạt trên 4 nghìn tỷ đồng. Đã xây mới, cải tạo, nâng cấp 338 trạm biến áp, 851km đường dây hạ thế, 21 nhà văn hoá xã, 10 khu thể thao xã, 373 nhà văn hoá thôn, xóm, 28 khu thể thao thôn, 47 chợ, 33 trụ sở xã, 1.120 phòng học từ mầm non đến THCS; xây mới 17 trạm y tế xã, 24 dự án cấp nước sạch tập trung, 55 bãi xử lý rác thải; xây mới, cải tạo, nâng cấp 1.183,3km đường giao thông nông thôn, đắp trên 400km đường giao thông nội đồng; nạo vét 43.554 đoạn kênh mương với khối lượng 9,4 triệu m3, kiên cố hoá 399 đoạn kênh mương với tổng chiều dài 337,1km; sửa chữa, nâng cấp, xây mới và cải tạo 4.884 cống, đập các loại… phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, có 24 xã, thị trấn đạt 15-17 tiêu chí; 53 xã, thị trấn đạt 10-14 tiêu chí; 19 xã, thị trấn đạt 8-9 tiêu chí. 11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh bình quân mỗi xã tăng 7 tiêu chí; 85 xã, thị trấn còn lại bình quân mỗi xã tăng 6 tiêu chí so với trước khi triển khai xây dựng NTM.

Đường ra đồng thôn Trung Phu, xã Liên Bảo (Vụ Bản) được ông Bùi Văn Lĩnh, người đang sống xa quê ủng hộ 300 triệu đồng đổ bê tông.
Đường ra đồng thôn Trung Phu, xã Liên Bảo (Vụ Bản) được ông Bùi Văn Lĩnh, người đang sống xa quê ủng hộ 300 triệu đồng đổ bê tông.

Trong điều kiện khó khăn, kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh ta minh chứng cho sự đúng đắn, sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã xác định xây dựng NTM là công việc của dân, dân làm, dân hưởng, có sự hỗ trợ và hướng dẫn của Nhà nước các cấp; xây dựng NTM trước tiên phải phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, với phương châm “Làm từ ngoài đồng ruộng về làng, làm từ hộ gia đình ra thôn xóm, làm từ thôn xóm lên xã. Xã xây dựng các công trình của xã, các thôn xóm vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn xóm. Các hộ dân cải tạo ao, vườn, sân, ngõ, 3 công trình vệ sinh của gia đình; lấy thôn xóm làm hạt nhân để vận động xây dựng NTM”, đồng thời khẳng định công tác DĐĐT là động lực phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM… Đây là sự sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong xây dựng NTM, phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương cả về kinh tế, phong tục tập quán, trong nếp nghĩ, cách làm. Trong hơn 2 năm qua, từ huyện, xã đến thôn, xóm đều có cách làm hay, những mô hình sáng tạo trong xây dựng NTM. Tại huyện Hải Hậu, huyện uỷ đã lãnh đạo cả 35 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, ban hành 3 nghị quyết, 6 đề án tập trung triển khai xây dựng NTM. Căn cứ vào 19 tiêu chí của Chính phủ, UBND huyện đã ban hành 12 tiêu chí xây dựng xóm NTM và 8 tiêu chí gia đình NTM để từng thôn xóm, hộ gia đình phấn đấu. Đồng thời, phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM ở các xã, thị trấn, xóm, tổ dân phố và từng hộ gia đình. Từng địa phương tổ chức đăng ký thi đua xây dựng thôn xóm, hộ gia đình đạt tiêu chí NTM. Huyện đề ra chính sách cụ thể khuyến khích, động viên những hộ gia đình, thôn xóm về đích sớm theo các tiêu chí đã ban hành, đặc biệt phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Coi trọng công tác thi đua khen thưởng, học tập và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Ở huyện Nghĩa Hưng, để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, huyện uỷ, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn lập 3 quy hoạch cấp xã; nghiên cứu xây dựng, rà soát, điều chỉnh đề án NTM bảo đảm tính khả thi; tổ chức triển khai làm điểm tại các xóm để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng ra toàn xã; phân chia các công trình xây dựng thành các nhóm theo quy mô và nguồn vốn huy động; hướng dẫn cụ thể hình thức quản lý nguồn vốn đầu tư với từng nhóm công trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Với nhóm công trình do UBND xã làm chủ đầu tư, nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nên thực hiện đúng trình tự thủ tục xây dựng cơ bản. Nhóm công trình do nhân dân thực hiện, vốn Nhà nước hỗ trợ một phần, nhân dân đóng góp 50% trở lên, giao cho cộng đồng dân cư tổ chức thi công, quản lý giám sát, quy trình thực hiện và quyết toán theo hướng dẫn của UBND huyện. Nhóm công trình nhà ở dân cư, đường dong ngõ, nghĩa trang nhân dân… do nhân dân tự huy động nguồn lực, tự làm và tổ chức giám sát… Các huyện Giao Thuỷ, Trực Ninh chọn công tác DĐĐT làm khâu đột phá, tập trung cả hệ thống chính trị tích cực tham gia, vừa chỉ đạo điều hành, vừa có cơ chế khuyến khích hỗ trợ kịp thời, đưa ra nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hay trong chỉ đạo, tổ chức DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng, đồng thời tập trung công tác tuyên truyền làm thay đổi thái độ, tư tưởng của người dân trong xây dựng NTM. Các xã Xuân Kiên (Xuân Trường), Giao Hà (Giao Thuỷ), Hải Hà (Hải Hậu), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Minh Tân (Vụ Bản), Yên Phong (Ý Yên)… đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền xã, vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện của bí thư chi bộ, trưởng thôn và sự gương mẫu của đảng viên, của đội ngũ cán bộ, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp của nhân dân trong xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức công tác DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng nhanh, gọn. Sau DĐĐT, các xã tập trung xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, hiệu quả, bền vững, đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là vấn đề cơ giới hoá nông nghiệp. Các xã Trực Nội (Trực Ninh), Hiển Khánh (Vụ Bản), Yên Phú (Ý Yên)… xác định phát triển sản xuất tạo động lực xây dựng NTM nên đã tập trung chỉ đạo DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; huy động các nguồn lực tại địa phương, đặc biệt huy động người quê hương đang sinh sống, học tập, công tác ở mọi miền đất nước đóng góp xây dựng quê hương, xây dựng NTM. Con em quê hương xã Trực Nội (Trực Ninh) đã ủng hộ 13 tỷ đồng xây dựng công trình trường tiểu học 3 tầng, đền liệt sỹ… Xã Yên Phú (Ý Yên) vận động con em xa quê ở khắp nơi đóng góp 10 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi. Các xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng), Hải Lý (Hải Hậu)… chỉ đạo triển khai xây dựng NTM từ thôn, xóm, phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ, trưởng thôn xóm tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp công, góp của cải tạo, nâng cấp đường giao thông, nhà văn hoá thôn, xóm sạch đẹp, khang trang, “tình làng nghĩa xóm” ngày càng đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Các xã Hải Phương, Hải Đường (Hải Hậu), Nam Hồng (Nam Trực), Trực Hưng (Trực Ninh)… có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển CN-TTCN, ngành nghề tại địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu lao động, việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, đã xuất hiện nhiều điển hình, nhân tố mới với nhiều cách làm sáng tạo được nhân dân ghi nhận. Cùng với việc tổ chức sơ kết 2 năm triển khai xây dựng NTM, rút ra những bài học kinh nghiệm, trao đổi những cách làm sáng tạo; các địa phương tổ chức tham quan, học hỏi, cách làm hay để áp dụng nhân rộng và tạo ra phong trào thi đua sâu rộng trong nhân dân; phấn đấu có nhiều xã, thị trấn triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 hoàn thành cả 19 tiêu chí ngay trong năm 2013./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com