Bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, cống trong mùa bão, lũ

09:05, 13/05/2013

Toàn tỉnh có 663km đê sông, đê biển; trong đó đê cấp I, II và III là 365km, đê dưới cấp III dài 298km. Tổng các đoạn kè gần 145km, gồm 62km kè đê biển và gần 83km kè đê sông. Hệ thống cống qua đê gồm 282 cống lớn, nhỏ. 28 bối ngoài đê đại hà là những bãi bồi ven sông ven biển; trong đó 21 bối có dân sinh sống, 7 bối canh tác. Nhiều bối lớn và có đông dân cư sinh sống như bối Yên Trị (Ý Yên), bối Thịnh Thắng (Nam Trực), bối Đồng Tâm (Vụ Bản)...

Được Chính phủ đầu tư, từ năm 2005 đến nay tỉnh ta đã nâng cấp hoàn chỉnh gần 56,8km đê biển, xây mới 8 cống qua đê bảo đảm tiêu chuẩn PCLB. Trong đó huyện Hải Hậu nâng cấp được 26,952km, huyện Giao Thuỷ nâng cấp 20,528km, huyện Nghĩa Hưng nâng cấp 9,288km. Đặc biệt do tuyến đê biển nằm trong vùng biển tiến, bãi thoái, đê chịu áp lực trực tiếp của sóng, gió, nguy cơ xói lở cao nên được Chính phủ cho xây dựng 50 mỏ kè cắt sóng, giữ và tạo bãi, bảo vệ đê. Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục xây dựng 28 mỏ kè tại đê biển các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ. Do tính xung yếu của tuyến đê biển, Chính phủ cho phép tỉnh ta tiếp tục thi công tu bổ, nâng cấp 18,06km đê ở các huyện: Hải Hậu (0,79km), Giao Thuỷ (0,97km) và Nghĩa Hưng (16,3km). Riêng đê biển Nghĩa Hưng được tu bổ, nâng cấp cả 8,7km đê Cồn Xanh được quai đê, lấn biển từ năm 2004, hiện độ cao, mặt cắt… đều chưa bảo đảm PCLB. Tuy nhiên tuyến đê biển của tỉnh vẫn còn 15km đê xung yếu, nguy hiểm có nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta. Trong đó Giao Thuỷ còn 9,7km thuộc địa phận các xã Giao An, Giao Xuân và Thị trấn Quất Lâm; Hải Hậu còn 3,3km thuộc Thị trấn Thịnh Long; Nghĩa Hưng còn 8,1km thuộc địa phận xã Nghĩa Thắng, Nam Điền và Thị trấn Rạng Đông vẫn chưa hoàn chỉnh mặt cắt thiết kế.

Thi công kè Trường Nguyên, tuyến đê hữu sông Hồng thuộc địa phận xã Điền Xá (Nam Trực).
Thi công kè Trường Nguyên, tuyến đê hữu sông Hồng thuộc địa phận xã Điền Xá (Nam Trực).

Tổng tuyến đê sông của tỉnh dài 572km, gồm 274km đê từ cấp I đến cấp III và 298km đê dưới cấp III. Được sự đầu tư của Nhà nước, tỉnh ta đã triển khai các dự án nâng cấp đê hữu sông Hồng thuộc huyện Xuân Trường, đê hữu sông Hồng và đê tả sông Đào (TP Nam Định), nâng cấp toàn bộ tuyến đê sông Sò, đê tả sông Đáy thuộc huyện Nghĩa Hưng… với tổng vốn 175 tỷ đồng; xây mới 30 cống qua đê thuận tiện cho tưới tiêu phục vụ sản xuất và PCLB. Xây dựng trên 20km kè bảo vệ đê ở những đoạn xung yếu, dòng chảy áp sát chân đê gây sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt 100km mặt đê sông của tỉnh đã được đổ bê tông phục vụ cho công tác PCLB, gồm 30km đê tả sông Đáy (Ý Yên), 7,1km đê hữu sông Hồng (Giao Thuỷ)… Tuy nhiên tuyến đê sông của tỉnh hiện vẫn còn nhiều đoạn xung yếu như: 17km đê hữu sông Ninh Cơ (Nghĩa Hưng) cao trình đê thấp hơn thiết kế bình quân 0,6-0,8m. 21 công trình kè sông với độ dài trên 10km xây dựng từ năm 1970-1980 của thế kỷ trước nên đều đã sạt lở. Một số công trình đang được tu sửa, nâng cấp như: 9 đoạn kè thuộc dự án khắc phục hậu quả bão số 8-2012: kè Hồng Hà (Mỹ Lộc), kè Trực Mỹ, kè Hợp Hoà, kè Đền Ông (Trực Ninh), kè Hạ Miêu (Xuân Trường), kè Trường Nguyên (Nam Trực), kè Cồn Ba - Cồn Tư, kè Cồn Tư, kè Giao Hương (Giao Thuỷ); 2 đoạn kè xử lý đột xuất là: kè Tương Nam (Nam Trực), kè Phượng Tường (Trực Ninh); 3 đoạn kè xử lý cấp bách gồm kè Mỹ Trung, kè Lợi Đầm và kè Đồng Lạc (Vụ Bản). Nhiều đoạn đê vị trí sạt lở sát chân đê, nếu không được xử lý sẽ đe dọa nghiêm trọng tới an toàn đê trong mùa mưa bão.

Để bảo vệ vững chắc đê, kè, cống trong mùa mưa bão, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, các địa phương, các ngành chức năng đã tiến hành tổng kiểm tra đánh giá chất lượng các công trình đê điều thuỷ lợi và đã xác định 14 trọng điểm PCLB trong năm 2013 gồm: đê, kè Óng Bò - Ngô Xá dài 2km thuộc đê hữu sông Hồng tại địa bàn xã Nam Phong (TP Nam Định); cống xả Yên Quang trên tuyến tả sông Đáy, xã Yên Quang (Ý Yên); đê, kè Mặt Lăng trên đê hữu sông Hồng địa phận Thị trấn Cổ Lễ và đê, kè Trực Thanh trên đê hữu sông Ninh Cơ, xã Trực Thanh (Trực Ninh); 5,08km đê sông Sò thuộc 3 xã Thọ Nghiệp, Xuân Vinh, Xuân Hoà (Xuân Trường); huyện Nghĩa Hưng có 4 trọng điểm là đê, kè 16 trên đê tả sông Đáy, địa phận xã Nghĩa Lạc, đê hữu sông Ninh Cơ dài 13,85km thuộc các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, đê Cồn Xanh xã Nam Điền; đê, kè biển Nghĩa Thắng dài 1,047km; 13,38km đê tả sông Sò thuộc các xã Giao Tiến, Giao Thịnh và Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ); huyện Hải Hậu có 4 trọng điểm, gồm: cống số 4 trên tuyến đê biển tại xã Hải Chính, cống Hạ Trại trên tuyến đê biển tại xã Hải Triều, bối Đồng Gò trên tuyến đê tả sông Ninh Cơ, dài 1,2km tại xã Hải Minh; 6,38km đê hữu sông Sò thuộc các xã Hải Nam, Hải Phúc. Đồng thời cũng xác định 10 cống qua đê phải hoành triệt là: Cống Tây Vĩnh Trị, cống Quán Khởi, cống Đông Duy (Ý Yên), cống Thanh Hương, cống Phú Giáo, cống Chi Tây, cống Cốc Thành (Nghĩa Hưng), cống Thuỷ Sản, cống Dây 14, cống Công Đoàn thuộc địa phận Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ). Qua kiểm tra Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh cũng phát hiện 89 vụ vi phạm Luật Đê điều ở cả 10 huyện, thành phố. Đặc biệt 50 vụ vi phạm chưa giải toả được; trong đó Thành phố Nam Định 2 trường hợp, huyện Mỹ Lộc 7 trường hợp, Ý Yên 6 trường hợp, Vụ Bản 8 trường hợp, Nam Trực 3 trường hợp, Trực Ninh 2 trường hợp, Xuân Trường 11 trường hợp, Giao Thuỷ 10 trường hợp, Hải Hậu 1 trường hợp. Riêng huyện Nghĩa Hưng trong năm 2012 phát sinh 5 vụ vi phạm đều được xử lý giải toả dứt điểm, không còn vi phạm.

Đồng chí Bùi Sỹ Sơn, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: "Mặc dù đê, kè, cống đã được đầu tư củng cố, xây dựng nhưng trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, tác động tiêu cực thì việc chuẩn bị tốt các điều kiện ứng phó, làm chủ tình thế, có giải pháp tích cực luôn là cách tốt nhất để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai…". Hiện tại tất cả vật tư dự trữ PCLB như: 49.843m3 đá hộc, 1.354m3 đá dăm, 5.178 rọ thép, 41.496m2 vải lọc, 547.113 bao ni-lon, 226.591 bạt chống tràn… đã được tập kết tại các trọng điểm, các tuyến đê biển, đê sông của tỉnh. Các địa phương đang tập trung chỉ đạo các hộ dân chuẩn bị bao ni-lon đất (20kg) chống lụt, cây tre… theo phương châm "4 tại chỗ". Cùng với vật tư dự trữ của các hộ dân; các xã, phường, thị trấn (kể cả những địa phương không có đê) đều huy động lực lượng xung kích hộ đê, sẵn sàng bảo vệ các trọng điểm PCLB. Các xã, phường, thị trấn đã xây dựng phương án "4 tại chỗ" bảo vệ trọng điểm đê, kè, cống, trong tháng 5-2013 sẽ tổ chức diễn tập để có phương án phòng chống hiệu quả.

Nắm chắc hiện trạng, lường trước khó khăn, tìm ra giải pháp tích cực, hợp lý nhằm bảo vệ vững chắc hệ thống đê, kè, cống trong mùa mưa bão, lũ năm 2013 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh và của các địa phương trong thời gian tới. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", phát hiện sớm các sự cố, xử lý an toàn ngay từ giờ đầu, chủ động hiệp đồng theo các phương án chắc chắn bảo đảm đê, kè, cống sẽ vững chắc trong mùa mưa bão năm nay./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com