Doanh nghiệp tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh

08:05, 08/05/2013

 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu càng tăng áp lực với các doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh bằng cách cung cấp ra thị trường các dòng sản phẩm phù hợp với xu thế thị hiếu tiêu dùng. Đối mặt với hiện trạng khó khăn này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, có một số biện pháp chính được các doanh nghiệp tập trung thực hiện là nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức hút với mọi đối tượng tiêu dùng. 

 Việc chủ động áp dụng các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh đã không chỉ giúp cho các doanh nghiệp giữ vững được thương hiệu, uy tín mà còn tiếp tục phát triển bạn hàng mở rộng thị trường tăng thêm số lượng sản phẩm tiêu thụ, nâng cao doanh thu. Các doanh nghiệp như: Cty TNHH Việt Thắng, doanh nghiệp tư nhân Quang Báo (Nam Trực); Cty TNHH Gỗ mỹ nghệ cơ khí đúc xuất khẩu và xây dựng (AMIEXCO), Cty TNHH Vĩnh Oanh (Ý Yên)… đều áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để tái đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp làng nghề mạnh dạn liên kết thành các doanh nghiệp lớn có đủ sức mạnh kinh tế như Cty TNHH Hiền Oanh và Cty TNHH Công Trang (Yên Ninh, Ý Yên) đã cùng nhau liên kết, tập trung nguồn vốn sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp. Hàng trăm cơ sở sản xuất của các làng nghề dệt ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu… đã liên kết với Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) để có thể tranh thủ sự hỗ trợ của Cty về dạy nghề, lãi suất, đầu tư máy móc, giá sản phẩm gia công. Nhờ đó các cơ sở ở các làng nghề trên đã ngày càng phát triển nghề dệt khăn xuất khẩu. Phần lớn các doanh nghiệp trong CCN An Xá (TP Nam Định) đã liên kết sản xuất sử dụng sản phẩm bao bì của Cty TNHH Sản xuất kinh doanh bao bì Độc Lập, nhờ đó đã giảm chi phí khi dùng sản phẩm của doanh nghiệp tại địa phương sản xuất. Cty TNHH Sản xuất kinh doanh bao bì Độc Lập cũng có thêm khách hàng tiêu thụ sản phẩm tăng sức sản xuất và giá trị thu nhập cho đơn vị. Tại làng nghề cơ khí xã Xuân Tiến (Xuân Trường), một số doanh nghiệp có tên tuổi và tiềm lực kinh tế như: Cty TNHH Năng Lượng, Cty TNHH Đình Mộc, Cty TNHH Chế tạo cơ khí điện cơ Axuzu đã đầu tư phát triển các sản phẩm cơ khí mới như: sản phẩm phục vụ chế biến lâm sản, tàu thủy và sản xuất động cơ điện. Nhờ đó, trong giai đoạn hiện nay nhiều doanh nghiệp cơ khí gặp khó khăn song các doanh nghiệp này vẫn đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, tiếp tục bảo vệ, phát triển được uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chăn, ga, gối, đệm và quần áo thời trang tại xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đã lựa chọn sản xuất các mặt hàng nằm trong phân khúc thị trường tiêu dùng giá rẻ phục vụ khách hàng trong nhóm công nhân lao động có mức thu nhập thấp; khai thác các mẫu mã được ưa chuộng trên thị trường, cắt giảm tối đa các chi tiết sản phẩm, sử dụng chất liệu phù hợp, sản phẩm may mặc của làng nghề được thị trường chấp nhận. Nhu cầu về các sản phẩm xuất xứ từ làng nghề Mỹ Thắng ngày một tăng cao, nhất là ở nhóm sản phẩm quần áo thời trang. Tại Cty CP May Sông Hồng, nỗ lực giữ vững thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh được thể hiện bằng chiến lược đầu tư lâu dài, áp dụng biện pháp chuyên biệt hoá sản phẩm để mọi sản phẩm của Cty có tính độc đáo. Các sản phẩm chăn, ga, gối của Cty đều sử dụng nguyên liệu chất lượng cao, bảo đảm an toàn cho người sử dụng; trong đó các sản phẩm đệm bông ép được Cty bảo hành 5 năm. Cty đã trở thành một trong những doanh nghiệp có quy mô và năng lực sản xuất hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Những năm qua, sản phẩm của Cty đã nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu như: Nhà xuất khẩu uy tín do Bộ Công thương trao tặng; Doanh nghiệp tín nhiệm do Ngân hàng BIDV bình chọn; 4 năm liền được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao... Đầu năm 2013, với nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng về người tiêu dùng, Cty cung cấp ra thị trường dòng sản phẩm thời trang công sở nữ, nam; thời trang tiện dụng; thời trang trẻ em mang thương hiệu Song Hong Fashion và đang tập trung mở rộng hệ thống phân phối trên toàn quốc. 

Sản xuất tại Cty TNHH Chế tạo Cơ khí điện cơ Axuzu xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
Sản xuất tại Cty TNHH Chế tạo Cơ khí điện cơ Axuzu xã Xuân Tiến (Xuân Trường).

Bên cạnh sự chủ động từ phía các doanh nghiệp, các cấp chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh ta cũng tích cực, chung sức giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Các địa phương tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đơn vị nỗ lực khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng sản phẩm chủ động tìm kiếm thị trường, lựa chọn được đối tượng khách hàng phù hợp. Các huyện đều lựa chọn những doanh nghiệp với thương hiệu mạnh về tài chính, uy tín, vị thế trên thị trường làm “đầu tàu”, tạo sức kéo cho các doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển một ngành nghề. Huyện Xuân Trường đang tập trung phát triển thành các cụm ngành nghề như: cụm ngành sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ (đan cói, bèo tây, bẹ chuối) xuất khẩu tại các xã: Xuân Trung, Thọ Nghiệp, Xuân Phong, Xuân Thuỷ; cụm ngành dệt chiếu, sản xuất hàng mẫu nhỏ xuất khẩu tại các xã Xuân Ninh, Xuân Hoà; cụm ngành nghề trồng dâu, nuôi tằm tại các xã Xuân Hồng, Xuân Thành, Xuân Thượng, Xuân Châu. Huyện Vụ Bản có nhiều chính sách ưu tiên phát triển một số nghề có thế mạnh như dệt may, sản xuất gạch không nung, sản xuất đồ mộc mỹ nghệ. Huyện Nam Trực đẩy mạnh phát triển CN-TTCN trong làng nghề với 3 ngành cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng. Việc khẳng định, bảo vệ giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làng nghề cũng được các địa phương khuyến khích thực hiện. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp làng nghề đã có ý thức đăng ký nhãn hiệu độc quyền, cấp bằng sở hữu trí tuệ cho sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành nghề…

Với sự nỗ lực tìm ra các biện pháp cạnh tranh thích hợp, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động hiệu quả. Trong 3 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất CN-TTCN của cả 10 huyện, thành phố đều có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, có một số huyện tăng cao như: Vụ Bản tăng 32,9%, Ý Yên tăng 23,1%, Nghĩa Hưng tăng 23%, Trực Ninh tăng 20,3%. Một số doanh nghiệp có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp vẫn duy trì sản xuất ổn định như: Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP May Sông Hồng, Cty TNHH Youngone Nam Định, Cty CP May Nam Hà,  Cty Dược phẩm Nam Hà… Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 9,6% so với cùng kỳ (cao hơn toàn quốc 4,7%); giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 7.559 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ. Có 23/30 sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ như: vải các loại, khăn các loại, các sản phẩm cơ khí./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com