Đà Nẵng: Triển khai thí điểm máy cấp phát giấy tờ thủ tục hành chính tự động

08:02, 14/02/2020

Ngày 12-2, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch cho biết cơ quan này đang triển khai thí điểm sử dụng máy cấp phát giấy tờ tự động (máy KIOSK) để trả kết quả giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.

Theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, khi đi làm thủ tục, người dân vẫn nộp hồ sơ cho cán bộ như bình thường và lấy phiếu biên nhập sau khi nộp. Đến ngày trả kết quả, người dân không cần gặp trực tiếp cán bộ mà có thể tự dùng máy để nhận kết quả. Ngoài ra, người dân cũng có thể sử dụng máy khi muốn in thêm giấy phép, cấp lại giấy phép đã mất, hỏng…

Ông Trần Ngọc Thạch cho biết: Trong thời gian thí điểm, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về máy KIOSK cho người dân và doanh nghiệp biết, sử dụng. Khi kết thúc đợt thí điểm, các phòng, ban của sở sẽ báo cáo đánh giá ưu, khuyết điểm của máy. Trên cơ sở đó Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn và tham mưu báo cáo với UBND thành phố Đà Nẵng, đề xuất nhân rộng ra các lĩnh vực khác nếu có kết quả tốt.

Quảng Ninh: Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương. Thông qua hoạt động này, tỉnh chuyển thông điệp đến cộng đồng doanh nghiệp cả nước và trong nội bộ tỉnh về tầm nhìn phát triển hướng đến môi trường sống văn minh, môi trường kinh doanh minh bạch, công khai và bảo đảm sự phát triển doanh nghiệp bền vững. Tỉnh đã lắng nghe những đề xuất và kiến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách của tỉnh, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng điều hành.

Năm 2020, tỉnh dự kiến có 57% số doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh, trong đó nhiều doanh nghiệp có chỉ số đổi mới sáng tạo. Đây là sự thể hiện quá trình chỉ đạo quyết liệt của tỉnh đối với các ban, sở, ngành và địa phương; yêu cầu các đơn vị tiếp tục làm tốt chính sách hỗ trợ và chủ động đối thoại cùng doanh nghiệp.

Tiền Giang: Đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ trái cây

Để người dân và doanh nghiệp có thêm nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm, vừa qua tỉnh Tiền Giang đã tổ chức lễ phát động chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ trái cây. Theo đó, tỉnh đã kết nối với mạng lưới tiêu thụ trong nước như: các siêu thị, cửa hàng tiện ích, mạng lưới chợ, các khu - cụm công nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước. Tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, kể cả trong nước và xuất khẩu, giảm dần lượng hàng xuất tiểu ngạch đồng thời tăng tỷ lệ xuất chính ngạch; tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm đầu ra ổn định và bền vững cho nông sản hàng hóa nói chung. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan hướng dẫn nông dân ứng dụng quy trình canh tác khoa học, bảo đảm an toàn và truy xuất nguồn gốc theo hướng VietGAP, GlobalGAP; áp dụng khoa học công nghệ cao để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.

Hiện, tỉnh Tiền Giang có hơn 80 nghìn ha trái cây các loại; sản lượng mỗi năm khoảng 1,3 triệu tấn quả, gồm nhiều loại trái cây đặc sản có giá trị xuất khẩu cao: thanh long, sầu riêng, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc./.

PV


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com