Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng Chính phủ điện tử

06:07, 23/07/2019

Ngày 23-7, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị; cùng dự hội nghị có các đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vũ Ðức Ðam, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại đầu cầu tỉnh ta, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Chính phủ điện tử phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Chính phủ điện tử phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Năm 2019, Chính phủ xác định là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm, đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng Chính phủ điện tử, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử, quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đảm bảo gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính. Ðến nay đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử, cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ; các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu xây dựng khẩn trương; đã vận hành được một số hệ thống như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia… 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử; 100% các bộ, ngành, 32/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020. Việc xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia được ưu tiên triển khai. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và gửi lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành, địa phương. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ðến nay, Bộ Công an đã thu thập thông tin được 80 triệu phiếu, đạt tỷ lệ 86% và scan được khoảng 25 triệu dữ liệu. Các cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, tài chính, đất đai, dân cư… đang được hoàn thiện. Hệ thống Chính phủ điện tử đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tăng cường. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử gắn với đảm bảo an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân được thực hiện chặt chẽ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả đạt được; đồng thời chỉ rõ một số hạn chế như: một số nội dung chưa theo kịp tiến độ; công tác gửi, nhận văn bản điện tử vẫn còn có nơi chưa đồng bộ; cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử tại một số địa phương chưa đảm bảo các chức năng; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ hồ sơ phát sinh thấp, kém hiệu quả; công tác đảm bảo an ninh thông tin còn nhiều hạn chế, lực lượng chuyên trách còn mỏng… Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019, các ngành, các địa phương bám sát Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ; sớm hoàn thiện Ðề án Tái cấu trúc hạ tầng thông tin; ưu tiên đầu tư các dịch vụ công thiết yếu, quản trị dữ liệu, xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia và quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia… Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ lưu trữ để đảm bảo văn bản gửi trên trục liên thông văn bản quốc gia đúng về thể thức, đúng thẩm quyền, giá trị pháp lý. Tăng cường đảm bảo an ninh mạng, lựa chọn doanh nghiệp đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hợp lý và huy động nguồn lực xây dựng Chính phủ điện tử. Các bộ, ngành tập trung xây dựng Nghị định về xây dựng cơ sở dữ liệu theo chuyên ngành được phân công; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020./.

Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com