Cà Mau: Tập trung cải thiện chỉ số PCI

07:07, 19/07/2019

Kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 cho thấy, tỉnh Cà Mau vẫn còn 5/10 chỉ số thành phần có điểm số và xếp hạng thấp hơn so trung bình cả nước, đặc biệt là chi phí không chính thức (37/63)… Thông tin trên được công bố tại hội nghị bàn giải pháp cải thiện chỉ số PCI năm 2019, diễn ra tại Cà Mau ngày 17-7.

Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI tỉnh Cà Mau năm 2018 đạt 61,73 điểm, tăng 1,9 điểm so với năm 2017. Và trong ba năm gần đây, PCI của tỉnh đều tăng hạng và điểm số so với cả nước, thuộc nhóm trung bình. Tuy nhiên, nếu so với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây, vị trí xếp hạng PCI của Cà Mau chưa được cải thiện và ở cuối bảng xếp hạng.

Phú Thọ: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng hiệu quả, tinh gọn

Đánh giá việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch xác định nội dung, lộ trình các bước thực hiện trong năm nay và những năm tiếp theo. Lộ trình triển khai thực hiện: Năm 2019, tổng hợp, xây dựng, hoàn thành và đưa vào hoạt động đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh giai đoạn 2019-2021.

Theo đó, tỉnh tiến hành sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 đơn vị cấp huyện. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 225 đơn vị, giảm 52 đơn vị so với trước khi sắp xếp. Quá trình thực hiện bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, theo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Để triển khai đạt kết quả tốt, tỉnh yêu cầu Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể tăng cường chỉ đạo hội viên, đoàn viên, đại diện khu dân cư tích cực tuyên truyền và vận động triển khai thực hiện tốt phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ phân công cán bộ phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án theo đúng lộ trình. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ bảo đảm chế độ, chính sách cho các đối tượng sau sáp nhập, nhất là những người không tiếp tục làm việc trong bộ máy, tổ chức; có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc giải quyết các vướng mắc, tồn đọng.

Nghệ An: Hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân

Tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu đến năm 2021, khoảng 35% số người trong độ tuổi lao động tại địa phương tham gia bảo hiểm xã hội; trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cùng với đó, tỉnh từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Giải pháp được tỉnh đề ra là tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, ý thức trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trong việc chấp hành luật pháp về bảo hiểm xã hội; kiến nghị hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, buộc những đơn vị này phải có trách nhiệm với người lao động, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội./.

Theo nhandan.com.vn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com