Quảng Ngãi: Nỗ lực bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn

08:04, 02/04/2018

Trước tình trạng thương lái đưa tỏi từ đất liền ra đảo và gắn mác tỏi Lý Sơn để thu lợi bất chính, chính quyền huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ thương hiệu cho loại nông sản được coi là “vàng trắng” của mình.

Hiện hơn 80% dân số Lý Sơn có nguồn thu nhập khá tốt từ tỏi. Tuy nhiên, hiện nay, đã phát sinh hiện tượng tư thương đưa tỏi từ đất liền ra đảo rồi mạo danh tỏi Lý Sơn để thu lời bất chính. Chẳng hạn với loại tỏi 1 tép (gọi là tỏi cô đơn), trong khi giá bán ở Lý Sơn là 1,2 triệu đồng/kg (tỏi khô) còn ở nơi khác tỏi cùng loại giá bán chỉ từ 500-600 nghìn đồng/kg. Do lợi nhuận gấp đôi nên thương lái đưa tỏi ra Lý Sơn để tiêu thụ.

Trồng tỏi ở Lý Sơn. (Ảnh: TTXVN)
Trồng tỏi ở Lý Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn, chính quyền huyện Lý Sơn khi thu giữ được hàng trăm kg tỏi nơi khác đưa ra đảo đã chuyển trả số tỏi trên về lại đất liền.

Bên cạnh đó, huyện Lý Sơn đã giao Hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành, tỏi Lý Sơn xúc tiến in và cấp tem chống giả cho người trồng tỏi và hộ kinh doanh buôn bán tỏi trên đảo để dán trên bao bì đóng gói tại đảo Lý Sơn.

Huyện cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các tàu biển, tàu chở vật liệu xây dựng nếu phát hiện chở tỏi ra đảo tiêu thụ sẽ tước giấy phép hoạt động…

Hà Nội: Chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm chủ lực để chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm gia công lắp ráp, phát triển công nghiệp theo chiều sâu.

Nội dung trên được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng năm 2018 nhằm nắm bắt sâu hơn về tình hình sản xuất, kinh doanh quý I-2018, dự báo khả năng thực hiện các mục tiêu sản xuất chủ yếu các quý và cả năm của các ngành, lĩnh vực do Chính phủ tổ chức vào sáng 30-3.

Quý I-2018, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng 7,31% (theo cách tính mới), tăng 8,5% (theo cách tính cũ); xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua. Thành phố có 7/20 chỉ tiêu vượt kế hoạch, toàn bộ các chỉ tiêu đạt kế hoạch. Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của Thành phố Hà Nội tiếp tục được thăng hạng ở vị trí 13/63 tỉnh, thành, tăng 1 bậc so với năm 2016 và cao nhất từ trước đến nay.

Căn cứ kết quả tăng trưởng 2017 và các chỉ tiêu nhiệm vụ của phát triển kinh tế năm 2016-2020; thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, thành phố đã xây dựng kịch bản năm 2018. Theo đó, dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng năm 2018 của thành phố đạt từ 7,3%-7,8% (theo cách tính mới). Trong đó dự kiến, cả năm đạt mức tăng trưởng 7,4%.

Nhằm thực hiện được mục tiêu, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chương trình hành động của thành phố. Cụ thể, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố để chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm gia công lắp ráp, phát triển công nghiệp theo chiều sâu; tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị lớn.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh thành lập các CCN trên địa bàn; tăng cường thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp vào các  CCN này. Điều này sẽ thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề; tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn.

Tiếp tục thực hiện các kế hoạch tăng cường xuất khẩu với các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng; chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy thu hút đầu tư vào hạ tầng logictics, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối,... Chú trọng phát triển gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa; tập trung phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống; xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô./.

Theo dangcongsan.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com