Đồng chí Trường Chinh trong lao tù đế quốc (kỳ 3)

06:04, 14/04/2022

TS. Lê Thị Thu Hồng
(Tiếp theo)

Khi bị đày lên nhà tù Sơn La, đồng chí Trường Chinh đã tìm cách liên lạc với anh em nhà tù trên đó từ trước, sau đó, đồng chí tham gia Ban lãnh đạo tù nhân của nhà tù Sơn La, cùng với các đồng chí tù tổ chức huấn luyện cho anh em tù trên cơ sở các tài liệu đồng chí bí mật mang từ nhà tù Hỏa Lò lên Sơn La, đã có tác dụng tốt trong việc nâng cao nhận thức của anh em tù về chủ nghĩa cộng sản. Đồng chí Trường Chinh là người có kiến thức sâu sắc về lý luận cách mạng và kinh nghiệm đấu tranh trong tù, cùng với phương pháp tuyên truyền hiệu quả, đồng chí thường đem những vấn đề lý luận cách mạng ra trao đổi, bàn luận với anh em tù, so sánh rút kinh nghiệm thực tiễn. Qua đó, kiến thức của anh em tù nhân được bồi dưỡng và nâng cao hơn.

Bị đày lên nhà tù Sơn La lần thứ hai, đồng chí Trường Chinh đã viết xong cuốn sách Chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cải lương, đây là bản án kết tội thực dân Pháp ở Đông Dương và đồng minh của chúng là chủ nghĩa cải lương, đồng thời luận chứng một cách sinh động về khả năng một cao trào cách mạng mới đấu tranh chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo và hòa bình. Cuốn sách được đồng chí Trường Chinh sử dụng làm tài liệu giảng dạy cho lớp huấn luyện anh em tù chính trị về những nhận thức mới trong thời kỳ đấu tranh sắp tới.

Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.
Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.

Thứ ba, tổ chức anh em tù chính trị đấu tranh trong tù bằng các hình thức đấu tranh phong phú, quyết liệt, buộc đế quốc, thực dân phải nhượng bộ.

Năm 1932, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, Chi bộ Đảng nhà tù Hỏa Lò quyết định tổ chức kỷ niệm và liên hoan văn nghệ. Các anh em tù chính trị trong trại giam tổ chức mít tinh và giương cờ đỏ búa liềm do anh em tự tạo ra. Đồng chí Trường Chinh đứng lên diễn thuyết về lịch sử ngày Quốc tế Lao động và nhiệm vụ của Cách mạng Việt Nam. Giám ngục nhà tù phát hiện đã xông vào hạ cờ và buộc tù nhân phải dừng mọi hoạt động diễn thuyết, sau đó, hắn ra lệnh giam đồng chí Trường Chinh vào khu ngục tối và ra lệnh phạt toàn thể tù chính trị 2 tháng ăn cơm với muối trắng. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo tù nhân phát động cuộc đấu tranh tuyệt thực để phản đối quyết định của giám ngục. Trong ngục tối, mặc dù bị cùm chân liên tục và đối xử khắc nghiệt, đồng chí Trường Chinh kiên quyết tuyệt thực cả tuần lễ làm cho giám ngục hoảng sợ, phải nhượng bộ, thả đồng chí Trường Chinh và hứa thực hiện chế độ tù chính trị. Qua cuộc đấu tranh, cuộc sống của anh em tù bước đầu được cải thiện một phần, uy tín của các tù chính trị được nâng cao, đặc biệt tinh thần kiên trung, gan dạ của đồng chí Trường Chinh khiến cho kẻ thù phải kính nể.

Khi bị đày lên nhà tù Sơn La lần thứ nhất, nhân dịp Toàn quyền Đông Dương Pátxkiê đến kiểm tra tình hình và khánh thành con đường mang tên chúa ngục Xanhpulốp vào tháng 10-1933, đồng chí Trường Chinh được phân công tham gia vào việc chuẩn bị thảo bản yêu sách và cùng Ban đại diện tù nhân gặp trực tiếp Toàn quyền Đông Dương Pátxkiê để yêu sách chuyển tù chính trị về đồng bằng, cải thiện chế độ ăn uống và cấp thuốc men cho người tù, cải thiện cách đối xử và không được bắt người tù lao động khổ sai, dẫn đến bệnh tật và chết chóc. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ đó, Toàn quyền Pátxkiê buộc phải nhận bản yêu sách và hứa sẽ xem xét giải quyết.

Sau một thời gian trở lại nhà tù Hỏa Lò, đến cuối năm 1933, đồng chí Trường Chinh thay mặt chi bộ nhà tù viết bản báo cáo về tình hình trong nhà tù Hỏa Lò gửi cho tổ chức Đảng bên ngoài để tổ chức nắm được tình hình trong tù. Đồng chí cùng với Ban chi ủy nhà tù là Nguyễn Lương Bằng, Bùi Vũ Trụ... tổ chức lại các buổi sinh hoạt Đảng, cử các đồng chí có trình độ tham gia vào công tác tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, giác ngộ cách mạng cho anh em tù thường phạm. Bằng cách đó, Chi bộ trong nhà tù Hỏa Lò dần dần được củng cố với đông đảo đảng viên (kể cả những người mang án thời hạn ngắn dưới 5 năm và những người chịu án dài hơn) được tổ chức và sinh hoạt trước sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù.

Lần thứ hai bị đày trở lại nhà tù Sơn La vào tháng 5-1935, mặc dù bị quản thúc chặt chẽ và bị bắt lao động nặng nhọc, đồng chí Trường Chinh cùng với đồng chí Sao Đỏ (Nguyễn Lương Bằng) và các đồng chí khác đã họp bàn cách tổ chức lại cuộc sống trong nhà tù, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của anh em tù nhân. Để lãnh đạo mọi mặt hoạt động trong tù, các đồng chí quyết định khôi phục ủy ban nhà tù (hay còn có tên gọi khác là Hội đồng thống nhất). Đồng chí Trường Chinh được cử làm Chủ tịch, ủy ban hoạt động theo hình thức tự quản và được chia làm năm ban: Ban trật tự trong; Ban trật tự ngoài; Ban hợp tác xã; Ban nhà bếp và Tổ nhà thuốc. Nhờ các ban này, trật tự trong nhà tù được duy trì, việc ức hiếp tù nhân của các cai ngục cũng giảm đi và trên cơ sở đó Chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập.

Năm 1936, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, ban hành một số quyền tự do dân chủ, trong đó có việc ân xá chính trị phạm ở thuộc địa. Thực dân Pháp ở Đông Dương phải thả một số tù chính trị ở Sơn La và một số nhà tù khác. Đồng chí Trường Chinh được trả tự do vào ngày 29-9-1936.

Sau sáu năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí Trường Chinh luôn thể hiện bản lĩnh kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, không khuất phục trước những khắc nghiệt của thiên tai và đòn roi tàn bạo của kẻ thù. Đồng chí luôn nêu tấm gương tiên phong của người cộng sản, lãnh đạo anh em tù chính trị đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do, cống hiến xứng đáng vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Đánh giá công lao của đồng chí Trường Chinh cũng như nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng bị giam cầm trong ngục tù đế quốc trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, họ đã "Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng. Mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn"./.


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com