Đồng chí Trường Chinh trong lao tù đế quốc (kỳ 1)

06:03, 10/03/2022

TS. Lê Thị Thu Hồng

Tấm gương trung kiên, bất khuất trong nhà tù đế quốc

Ngày 14-11-1930, khi đồng chí Trường Chinh được tổ chức giao nhiệm vụ đến khu vực chân Cột Cờ, Hà Nội để nhận tài liệu từ một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp thì cảnh binh ập đến bắt, giải về Sở Mật thám tra tấn, hỏi cung. Không khai thác được gì, một thời gian sau, Trường Chinh bị chuyển đến nhà tù Hỏa Lò.

Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896 để giam cầm các chiến sĩ yêu nước chống Pháp. Nhà tù vốn có tên là Đề lao Trung ương Hà Nội (La Prison Centrale de Hanoi) được xây trên đất của làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương (cũ), Hà Nội, là làng nghề chuyên sản xuất gốm nung, vì thế làng còn có tên là Hỏa Lò và nhà tù ở đây cũng được gọi là nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù có diện tích nhỏ, cách ly với đường phố là bức tường đá cao, trên còn có dây điện trần, ở bốn góc có chòi lính canh nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Ngoài những dãy nhà giam, Hỏa Lò còn có xà lim đặc biệt để nhốt những người tù được xem là nguy hiểm, hoặc để phạt những tù nhân "cứng đầu". Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đã có 5 Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam từng bị giam giữ tại đây, đó là các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười... Ngoài ra, còn nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc khác của cách mạng Việt Nam như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh...

Đồng chí Trường Chinh nhiều ngày bị nhốt trong xà lim đặc biệt và bị mật thám Pháp tiến hành thẩm vấn suốt ngày đêm để moi tin tức về tổ chức Đảng, tra hỏi về các cơ sở bí mật, vì chúng biết đồng chí là một đầu mối quan trọng. Nhưng, với bản lĩnh vững vàng, kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản, đồng chí không một lời khai báo, làm cho thực dân Pháp hết sức tức tối, tuy vậy vẫn rất nể phục ý chí của người tù nhân cộng sản kiên cường.

Sau gần một năm giam giữ, tra khảo, ngày 28-9-1931, tòa án thực dân mở phiên xử đồng chí Trường Chinh và 40 chiến sĩ cách mạng khác. Trong phiên xử sáng ngày 29-9-1931, tòa án thực dân tuyên xử Đặng Xuân Khu, số tù 98290, tội làm truyền đơn cổ động cho phong trào cách mạng và vận động binh lính Pháp, làm và phổ biến sách cấm, phải mang án 12 năm tù (từ năm 1930 đến năm 1942), giam tại nhà tù Hỏa Lò.

Trong nhà tù Hỏa Lò, mặc dù thường xuyên bị nhốt trong xà lim tối, bị gông cùm, xiềng xích nhưng đồng chí Trường Chinh vẫn tích cực học tập lý luận, viết bài cho các tờ tạp chí trong tù, đấu tranh với các đảng viên Quốc dân Đảng về đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức mít tinh chào mừng ngày Quốc tế Lao động và đấu tranh tuyệt thực trong tù...

Tháng 2-1933, do số lượng tù nhân trong nhà tù Hỏa Lò ngày càng tăng cao và với mục đích cách ly các tù nhân "nguy hiểm" với những tù nhân mới, đồng chí Trường Chinh cùng 210 người tù cộng sản và Quốc dân Đảng ở nhà tù Hỏa Lò bị thực dân Pháp đưa đi đày tại nhà tù Sơn La. Trải qua một chặng đường lưu đày khắc nghiệt, đồng chí Trường Chinh (mang số tù 318) cùng đoàn tù nhân đến Sơn La vào ngày 3-3-1933.

Những năm đầu thế kỷ XX, Sơn La là một vùng rừng núi hiểm trở nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc, khí hậu khắc nghiệt, địa hình cách biệt với các tỉnh miền xuôi, giao thông chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, phần lớn người dân không biết tiếng phổ thông, đặc biệt là phong trào cách mạng chưa đến được với nhân dân các dân tộc Sơn La.

Nhà tù Sơn La là một địa danh nổi tiếng với chế độ đàn áp dã man, hà khắc của thực dân Pháp cộng với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt "lam sơn chướng khí", "rừng thiêng nước độc", dịch bệnh sốt rét hoành hành... đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều chiến sĩ cách mạng. Nhà tù này cũng là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cộng sản mà sau này đã trở thành các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam như: các đồng chí Lê Duẩn, Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Trần Huy Liệu, Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ, Hoàng Tùng, Tô Hiệu... Đồng chí Trường Chinh là một trong những người chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng đã được thử thách qua "địa ngục trần gian" của đế quốc, thực dân Pháp tại Sơn La.

Nhà tù Sơn La được xây dựng năm 1908, diện tích lúc đầu là 500 m2 với hai buồng giam chính và bốn buồng giam phụ, xây trên một quả đồi lớn giữa thị xã, sát đường số 6 Hà Nội - Lai Châu, bên cạnh trại lính khố xanh, tòa sứ, khu công chức. Nhà tù là một dãy nhà gạch có tường cao trên gài mảnh chai và chăng dây điện, bốn phía là bốn chòi lính canh suốt ngày đêm. Nhà tù có bộ phận giam tù chính trị và bộ phận giam tù thường, ngăn cách nhau. Khu giam tù chính trị có hai trại lớn, mỗi trại chứa gần một trăm người. Một trại ba gian, hai trại hai gian. Giữa là nhà bếp và giếng nước, nơi xay thóc, giã gạo.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com