Chuyện kể của cựu chiến binh trên "Đoàn tàu không số"

04:02, 25/02/2022

Hơn 60 năm đã đi qua nhưng những chiến công anh hùng, những câu chuyện huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển và “Đoàn tàu không số” vẫn mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Cựu chiến binh Đỗ Thanh Thuân trong cuộc sống hàng ngày.
Cựu chiến binh Đỗ Thanh Thuân trong cuộc sống hàng ngày.

Trong ngôi nhà nhỏ yên bình ở xóm 2 Vĩnh Hiệp, xã Hải Thanh (Hải Hậu), ông Đỗ Thanh Thuân, người chiến sĩ báo vụ viên của “Đoàn tàu không số” năm xưa bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm một thời cùng đồng đội vượt biển, mang hàng, chở vũ khí, đạn dược vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm nay đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông Thuân còn rất minh mẫn, giọng kể rành rọt, rõ ràng. Qua câu chuyện của ông, chúng tôi phần nào hình dung được những gian khổ, khó khăn, thử thách ngặt nghèo và những chiến công thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu không số năm xưa. Nhập ngũ tháng 4-1963, sau một thời gian huấn luyện và trải qua nhiều vị trí quan trọng trong hải quân, năm 1966 chiến sĩ trẻ Đỗ Thanh Thuân đã trở thành báo vụ viên, biên chế về tiểu đoàn 125 và được tuyển chọn tham gia “Đoàn tàu không số”. Nhiệm vụ vượt biển tiếp viện cho chiến trường miền Nam hiểm nguy đến nỗi, trước khi lên tàu vượt biển làm nhiệm vụ, các thủy thủ đoàn đều được đơn vị tổ chức “Lễ truy điệu sống”. Bởi vậy, mỗi lần “Đoàn tàu không số” xuất phát là mỗi lần thử thách bản lĩnh, ý chí, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Để ra khơi, những chuyến tàu không số phải giả dạng tàu đánh cá. Giữa biển cả mênh mông, hải trình vượt hàng nghìn hải lý, thời gian kéo dài nhiều ngày, các thủy thủ đoàn luôn phải đối mặt với sóng to, gió lớn, bệnh tật. Cùng với đó là kẻ địch được trang bị những hệ thống cảnh giới hiện đại, vũ khí tối tân luôn rình rập sẵn sàng tiêu diệt. Để bảo vệ an toàn hàng hóa, vũ khí, những người chiến sĩ hải quân trên tàu không số phải tìm mọi cách ngụy trang tránh bị địch phát hiện. Ông Thuân cho biết: “Tàu của chúng tôi phía dưới là súng đạn, trên phủ ngư cụ, giả dạng dưới hình thức tàu đánh cá, ra khơi cùng giờ với tàu của các ngư dân, sau đó đi dọc theo hải phận quốc tế tiến vào phía Nam. Ra biển gió lớn, có những ngày không thể nấu ăn được, anh em chỉ ăn lương khô và uống nước”. Vì phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt nên mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện, phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ sẽ tự kích nổ tàu. Ngoài ra, mỗi khi tàu lên phương án vận chuyển vũ khí vào miền Nam, đa số chọn những lúc thời tiết xấu nhất để khởi hành, càng là giông tố, bão bùng, càng là lúc thuận lợi cho những nhiệm vụ bí mật. Nhưng vượt qua trùng trùng những hiểm nguy luôn rình rập, các chiến sĩ đoàn tàu không số đã bảo đảm an toàn cho đồng đội, vũ khí thực hiện mệnh lệnh thiêng liêng của Tổ quốc. Trong câu chuyện của cựu chiến binh Đỗ Thanh Thuân, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm, cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số không chỉ đấu trí với kẻ thù mà còn phải vượt qua chính mình, vượt qua bao sóng gió, thử thách của thiên nhiên khắc nghiệt. Mỗi chuyến đi là câu chuyện kể về lòng quả cảm, sự mưu trí, sáng tạo; là những câu chuyện hết sức cảm động về nghĩa tình đồng đội. Có những lúc trực diện với kẻ thù, tình huống hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ tàu không số sẵn sàng biến cả con tàu thành khối lửa khổng lồ để lao thẳng vào tàu địch, bảo vệ bí mật con đường. Trong những tháng năm vận chuyển trên biển, có nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Họ là những đóa hoa bất tử đã góp phần làm nên những chiến công huyền thoại, truyền thống vẻ vang của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trong suốt 4 năm làm việc tại “Đoàn tàu không số”, cựu chiến binh Đỗ Thanh Thuân đã có 3 chuyến cùng đồng đội vượt biển, trong đó cả 3 chuyến đều thành công. Có rất nhiều kỷ niệm về những ngày tham gia tàu không số, nhưng với ông Thuân kỷ niệm sâu sắc nhất là chuyến vượt biển dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, người anh hùng của biển cả. Không một chiến sĩ “Đoàn tàu không số” nào có thể quên được chuyến đi năm 1968 để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam của 4 con tàu 165, 56, 43 và 235. Tàu 235 bị địch theo dõi khi đang chuyển hướng vào bờ, đã khôn khéo luồn qua đội hình phục kích của địch, rồi nhanh chóng thả các bao hàng xuống biển. Khoảng 2 giờ 20 phút ngày 1-3-1968, phát hiện tàu ta ở gần bờ, 7 tàu chiến địch hình thành thế bao vây, thi nhau bắn về mục tiêu ta. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ác liệt. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị thương ở đầu nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy chiến đấu, anh hô lớn “Chúng ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trên con tàu này”. Không thể phá vòng vây dày đặc của địch, ta buộc phải hủy tàu. Là hai người rời tàu sau cùng, để hỗ trợ cho anh em lên trước rút khỏi khu vực, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã kiên cường chiến đấu. Tàu có 20 người, 14 hy sinh, 6 người bị thương, trong đó có “Người hùng của những người hùng tàu không số”, Anh hùng - liệt sĩ - Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Năm 1970, Trung úy, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong ký ức của ông Thuân, người anh hùng, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mãi mãi là tấm gương sáng về sự mưu trí, lòng quả cảm, đức hy sinh, quyết tử cho đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau này, một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa được mang tên anh, đảo Phan Vinh.

Giờ đây, trở về quê hương những cán bộ, chiến sĩ của đoàn tàu không số năm xưa tiếp tục phát huy tinh thần “thép” của người lính Cụ Hồ trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Với họ, những ngày tháng lịch sử làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển và “Đoàn tàu không số” sẽ mãi là hồi ức không thể nào quên./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com