Đồng chí Trường Chinh trong lao tù đế quốc (kỳ 2)

08:03, 24/03/2022

TS. Lê Thị Thu Hồng
(Tiếp theo)

Đến năm 1930, nhà tù được mở rộng với diện tích gấp ba lần so với lúc mới xây, gồm hai nhà giam chính, một dãy xà lim ngầm có năm buồng lớn và một số buồng nhỏ gọi là xà lim cá nhân, nằm sâu dưới lòng đất 3m với một lối xuống nhỏ, hẹp, có cửa sắt kiên cố khóa chặt suốt ngày đêm. Còn xà lim cá nhân có gắn cùm sắt, dài khoảng 2m, vừa một người nằm, "dành cho" những người có án nặng. Người tù ăn, uống, vệ sinh cá nhân đều trong xà lim, nên lúc nào cũng hôi thối, ngột ngạt. Không những vậy, có lần chúa ngục còn cho bơm nước phân vào phòng giam người tù để ép họ không được đấu tranh, khủng bố tinh thần các chiến sĩ cách mạng. Trong những năm tháng bị giam cầm ở nhà tù Sơn La, đồng chí Trường Chinh có lần đã bị nhốt ở căn hầm sâu lạnh lẽo và hôi hám ấy.

Đồng chí Trường Chinh trao đổi công tác báo chí với cán bộ báo Nhân Dân ở Việt Bắc.
Đồng chí Trường Chinh trao đổi công tác báo chí với cán bộ báo Nhân Dân ở Việt Bắc.

Khoảng giữa năm 1933, thực dân Pháp chuyển đồng chí Trường Chinh cùng nhiều tù chính trị về nhà tù Hỏa Lò. Đến năm 1935, sau thời gian địch khủng bố trắng, nhiều tổ chức cơ sở đảng được khôi phục và phát triển, thực dân Pháp lo sợ và quyết định chuyển một số tù chính trị tại nhà tù Hỏa Lò mà chúng xếp vào loại nguy hiểm ra nhà tù Côn Đảo. Những người ốm yếu bị chúng đày lên Sơn La, trong đó có đồng chí Trường Chinh. Như vậy, đồng chí Trường Chinh hai lần bị thực dân Pháp đày lên Sơn La, thực dân Pháp hy vọng cảnh đày đọa, nguy hiểm của quá trình đi đày cũng như những điều kiện khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc sẽ hủy hoại dần những người cộng sản, làm thui chột ý chí đấu tranh, khuất phục tinh thần của họ, nhưng chúng đã lầm to!

Sáu năm ở tù, như lửa thử vàng, những người tù cộng sản, trong đó có đồng chí Trường Chinh, bằng hoạt động tranh đấu đã thể hiện bản lĩnh kiên trung, quyết tâm, tin tưởng của mình vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Các đồng chí đã biến thời gian rèn luyện trong nhà tù đế quốc thành quãng thời gian tranh đấu với kẻ thù để "vàng càng luyện càng sáng, ngọc càng mài càng trong". Hết hạn tù đồng chí lại trở về tham gia hoạt động cách mạng, cống hiến nhiều hơn nữa cho Đảng và dân tộc.

Hoạt động tranh đấu của đồng chí Trường Chinh trong những năm tháng ở nhà tù đế quốc

Thứ nhất, bút chiến và tranh luận với các đảng viên Quốc dân Đảng về các vấn đề quan điểm, đường lối, phương pháp cách mạng.

Đầu năm 1930, Khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, các đảng viên Quốc dân Đảng bị bắt và cũng bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Giam chung khám với đồng chí Trường Chinh và những người tù cộng sản khác có nhiều người tù là đảng viên Quốc dân Đảng. Đầu năm 1932, tại nhà tù Hỏa Lò diễn ra cuộc bút chiến và tranh luận giữa các chiến sĩ cộng sản và các đảng viên Quốc dân Đảng về các vấn đề: đường lối cách mạng, phương pháp cách mạng, giai cấp và đấu tranh giai cấp, Tổ quốc và gia đình, chủ nghĩa tam dân và chủ nghĩa cộng sản... Đồng chí Trường Chinh được chi bộ tín nhiệm, phân công làm chủ bút các tờ báo Con đường chính và Đuốc Việt Nam. Nội dung của hai tờ báo hướng tới việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, vận động tù nhân đấu tranh, đi theo con đường cách mạng đúng đắn do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Với bút danh Cây Xoan, đồng chí Trường Chinh cùng nhiều cây bút xuất sắc như: Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Trần Quang Tặng, Nguyễn Văn Ngạn... đã viết nhiều bài trên báo Con đường chính vạch rõ những quan điểm mơ hồ, lý thuyết viển vông, chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi và hệ tư tưởng tư sản của các đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng. Đồng chí còn trực tiếp tham gia tranh luận thẳng thắn với các đảng viên Quốc dân Đảng về các vấn đề trên.

Tác giả Cây Xoan đã tranh luận với đại diện Nghiêm Toản của Quốc dân Đảng về những vấn đề như quan niệm về Tổ quốc, chỉ ra cho họ thấy nếu mất nước, dân tộc mất chủ quyền định đoạt vận mệnh của mình thì các quyền tự do của cá nhân cũng không thể thực hiện được. Phân tích nguyên nhân thất bại của cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, những người cộng sản chỉ ra, ngoài tinh thần yêu nước của các đảng viên Quốc dân Đảng là rất đáng quý trọng, còn có những hạn chế của cuộc khởi nghĩa về cách nhìn nhận thời cơ, về so sánh lực lượng với kẻ thù, đồng thời những người tù cộng sản cũng nêu ra quan điếm về khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền theo lý luận cách mạng của các nhà kinh điển Mác - Lênin.

Qua những cuộc tranh luận và bút chiến đó, uy tín của Đảng càng được nâng cao, ảnh hưởng của tù cộng sản càng được mở rộng. Nhiều đảng viên Quốc dân Đảng từ khâm phục đi tới giác ngộ và có khuynh hướng thân cộng sản, thậm chí có người tuyên bố ly khai Quốc dân Đảng. Chính vì vậy, một số lãnh tụ Quốc dân Đảng chống cộng tức tối, đe dọa trả thù và ngầm báo cho mật thám nhiều lần tổ chức khám xét, tịch thu báo, tài liệu. Mỗi khi khám xét thấy tài liệu, chúng lại lấy cớ tra khảo những người tù cộng sản. Đồng chí Trường Chinh là một trong những người tù thường xuyên bị khủng bố, đánh đập.

Thứ hai, biến nhà tù đế quốc thành trường học lý luận để hướng dẫn anh em tù chính trị học tập văn hóa, chính trị, trau dồi lý tưởng cách mạng.

Trong nhà tù Hỏa Lò, các đảng viên cộng sản cho ra đời nhiều tờ báo, trong đó có tờ Lao tù đỏ, sau đó đổi thành Lao tù tạp chí. Đồng chí Trường Chinh khi bị chuyển đến nhà tù Hỏa Lò, đã tích cực học tập lý luận, hăng hái viết bài cho tờ Lao tù tạp chí, sáng tác thơ văn, tham gia sinh hoạt trong chi bộ nhà tù. Đồng chí đã cùng các tù nhân chính trị khác như Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Lê Duẩn, Lương Khánh Thiện... thường xuyên hướng dẫn anh em tù chính trị học tập văn hóa, chính trị, trau dồi lý tưởng cách mạng.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com