Phía sau cổng làng…

06:03, 11/03/2022

Từ xưa, cổng làng là nơi lưu giữ bao ký ức về quê hương, nguồn cội, cuộc đời của mỗi người. Cổng làng, lũy tre xanh là những “nhân chứng lịch sử” chứng kiến những thăng trầm, đổi thay của quê hương. Cổng làng còn mang ý nghĩa chỉ dẫn về địa giới, thể hiện hồn quê, cốt cách của mỗi làng. Phía sau cổng làng là cuộc sống bình yên, gắn kết của cả một cộng đồng trong không gian, môi trường sống đậm đà các giá trị văn hóa truyền thống.

Cổng làng Thượng Đồng, xã Trung Đông (Trực Ninh).
Cổng làng Đông Thượng, xã Trung Đông (Trực Ninh).

Trong không gian sau những cổng làng ở tỉnh ta, bao thế hệ người dân đã sáng tạo và lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo mang đặc trưng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, phản ánh tâm tư, tình cảm và nguyện ước của cư dân nông nghiệp lúa nước. Giá trị văn hóa làng được sản sinh và thích ứng với mỗi giai đoạn, thời kỳ, phù hợp với đặc thù vùng miền, điều kiện tự nhiên và truyền thống lịch sử. Qua thời gian, những trầm tích văn hóa đã kết tinh thành biểu tượng, là điểm tựa tinh thần để người dân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ngôi làng “hình cá chép” Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) không chỉ là vùng quê giàu truyền thống văn hóa, thể hiện đậm nét qua những phong tục tập quán, lễ hội mà nơi đây còn nổi tiếng với những công trình cổ như: nhà, cầu đá, đường lát gạch nghiêng, cổng làng. Làng Hành Thiện hiện còn lưu giữ 5 cổng có niên đại từ đầu thế kỷ XX ở các xóm: 6, 10, 12. Trên các cổng có ghi các dòng chữ Hán: “Hữu Mục Lân”, “Phúc Thiện Lân”, “Duyên Thọ”, “Nhân Thọ”. Từ năm 1999 đến nay, cổng các xóm 4, 7, 9, 11 được người dân xây mới nhưng giữ nguyên phong cách kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Bước qua những cánh cổng xóm quanh làng Hành Thiện, mỗi người không chỉ cảm nhận được không gian văn hóa làng quê với làng nghề dệt truyền thống, các phiên chợ quê mà còn được nghe kể về truyền thống hiếu học của quê hương. Trò chuyện với những người dân thuần phác, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: “Điều gì đã khiến người dân nơi đây có ý chí vươn lên trong cuộc sống, để quê hương Hành Thiện có nhiều vị học giả, nhà giáo, nhà lãnh đạo, quản lý kiệt xuất, có vị thế, nổi danh trong cả nước”. Trong “Hành Thiện xã chí”, làng Hành Thiện vốn có tên gọi là “Hành Cung Trang” được thành lập vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Năm 1823, Vua Minh Mạng cho đổi tên là Hành Thiện với ý nghĩa là “nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện” và ban cho làng 4 chữ “Mỹ Tục Khả Phong”. Thời phong kiến, làng Hành Thiện có 350 người thi đỗ từ tú tài trở lên; riêng thời Nguyễn có 88 người thi đỗ cử nhân trở lên, trong đó có 7 người đỗ đại khoa, đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt. Là vùng đất có nhiều người đỗ đạt cao nên hầu hết các vị trí quan trọng trong hệ thống quan chức của triều đình phong kiến từ Trung ương tới địa phương thời Nguyễn đều có người Hành Thiện nắm giữ. Số dòng họ, gia đình có nhiều người đỗ đạt ở Hành Thiện chiếm số lượng lớn như: họ Đặng, họ Nguyễn, họ Phạm... Truyền thống hiếu học, khuyến học ở Hành Thiện còn đi vào ca dao: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/ Chiếu anh đọc sách chiếu nàng quay tơ”. Ngày nay, truyền thống tốt đẹp của quê hương đã được nhiều thế hệ cháu con Hành Thiện tiếp nối và phát triển với 99% “gia đình học tập”, 61% gia đình có cử nhân, 35% gia đình có thạc sĩ, cả 17 dòng họ trong làng đều có người mang học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ…

Làng Dịch Diệp, xã Trực Chính (Trực Ninh) xưa có tên gọi là Dịch Diệp Trang, được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XI. Đây là vùng đất hạ lưu sông Hồng thuộc huyện Tây Chân - Trấn Sơn Nam, sau là Phủ Thiên Trường. Làng được xây dựng theo phong cách chung của làng Việt cổ với những hình ảnh đẹp cổ kính như: đền, chùa, giếng nước, cây đa, cây đề cổ thụ có tuổi đời 700-800 năm. Địa thế làng Dịch Diệp được ví như một con thuyền dong buồm hướng ra Biển Đông, trong đó mũi thuyền là cổng làng phía nam hướng ra biển, đuôi thuyền hướng về phía tây. Xưa kia, làng Dịch Diệp có 3 cổng làng gồm: cổng phía tây, cổng phía nam và cổng phía đông bắc. Trải qua những năm tháng chiến tranh, hiện tại, làng chỉ còn giữ được một cổng phía nam nối liền với cầu Cuốn bằng đá được xây dựng từ năm 1864. Đình làng xưa (nay là nhà văn hóa thôn Dịch Diệp) còn giữ bức hoành phi mang 4 chữ “Thiện Tục Khả Phong” do Vua Tự Đức ban tặng cho làng với mong muốn làng tiếp tục phát huy phong tục tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu đời sau. Bước qua cổng làng Dịch Diệp, một bức tranh làng quê nên thơ, sinh động như hiện ra trước mắt mỗi người. Đó là những hình ảnh chợ quê bên sông tấp nập người mua, người bán, đám trẻ vui đùa trên cây Cầu Cuốn, các cụ già ngồi trò chuyện, tâm sự dưới cánh cổng làng… Theo các cụ cao niên, dân làng Dịch Diệp thuở ban đầu làm nghề canh nông, sau mở thêm nghề dệt cửi. Năm 1947, dân làng đã may áo trấn thủ gửi tặng bộ đội, may áo lụa gửi biếu Bác Hồ và được Người gửi thư khen. Trải qua thời gian, nghề dệt truyền thống được dân làng truyền từ đời này sang đời khác và tiếp tục phát triển trên vùng đất Dịch Diệp cho đến tận ngày nay.

Xã Kim Thái xưa có nhiều cổng làng ở các thôn, xóm: Tiên Hương, Vân Cát, Vân Hùng, Vân Tiến, Cầu, Tiền, Mới... Trải qua thăng trầm lịch sử với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá của chiến tranh, dấu tích của những cổng làng xưa không còn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch tâm linh, địa phương đã xây dựng một số cổng chào du lịch chất liệu bằng thép ở các trục đường chính dẫn vào Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy - trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nam Định. Về miền đất thiêng này, du khách như lạc vào không gian văn hóa tín ngưỡng với hệ thống đình, đền, chùa, phủ dày đặc; khắp làng vang vọng tiếng hát văn hầu đồng. Cứ thế, nghệ thuật chầu văn được người dân sáng tạo, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vào dịp lễ hội Phủ Dầy (4-3 âm lịch) hàng năm có hàng chục cung văn tham gia hát văn, hầu đồng tại các đền, Phủ trong khu di tích. 

 Ở xã Yên Tiến (Ý Yên) các cổng làng nơi đây về tổng thể đều là những công trình kiến trúc đan xen giữa “cổ - kim” mang đặc trưng văn hóa của mỗi làng. Phần mặt chính cổng thường có đại tự ghi tên của làng, năm xây dựng cổng làng. Ở phần trụ cổng, mặt trước thường có câu đối bằng chữ Nôm hoặc chữ Quốc ngữ, nội dung nói về phong tục tập quán, triết lý phát triển của làng, phương châm “đối nhân, xử thế” gắn với những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống… Ở Yên Tiến, làng nghề truyền thống từ lâu đã trở thành một phần của hệ thống di sản văn hoá phi vật thể được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế hệ nghệ nhân. Người dân làng Cát Đằng tự hào khi nghề sơn mài được Bộ VH, TT và DL ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Tồn tại và phát triển qua 7 thế kỷ, các cơ sở tại làng nghề sơn mài Cát Đằng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, mang đậm phong cách Á đông. Làng nghề có khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như: bình, lọ, đĩa, vòng tay, hộp… bằng nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… kết hợp trên nhiều chất liệu khác như: gỗ, gốm, tre, nứa chắp… Giá trị văn hóa của nghề sơn mài Cát Đằng còn biểu hiện ở sự gắn bó giữa các lễ hội tôn sùng thánh tổ làng nghề và các lễ tiết trong năm. Một năm làng có 4 lễ hội: ngày 15 tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu), mồng 1-3 âm lịch, ngày 16-8 âm lịch và ngày 16-10 âm lịch (ngày kị Thánh tổ nghề). Mỗi khi đến ngày lễ hội, làng có nghi thức tế tổ nghề và các nghi lễ như: rước nước thỉnh kinh, thả đèn trời, múa lân - sư - rồng. Ngoài lễ hội lớn tại làng Cát Đằng, hàng năm, các làng: Văn Tiên, Đằng Chương, Trung Thôn, Đồng Văn cũng mở hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống thu hút đông đảo nhân dân từ khắp nơi về dự hội. 

Phía sau những cánh cổng làng, các giá trị văn hóa mang đậm dấu ấn vùng miền đã hình thành nên hồn cốt của mỗi làng, củng cố tinh thần đoàn kết cộng đồng. Đó là truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống hiếu học… hiện vẫn được các thế hệ người dân gìn giữ, phát huy trong cuộc sống hiện đại; qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong quá trình hội nhập, những cánh cổng làng cũng đang chủ động “mở ra” để đón nhận, tiếp biến những thành tựu văn hóa, văn minh mới để làm giàu thêm vốn văn hóa của làng; đồng thời, không ngừng đổi mới, sáng tạo, giao thoa với các nền văn hóa khác để giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp của quê hương Nam Định./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com