Nhớ về đồng chí Trường Chinh với việc in báo Đảng thời kỳ bí mật và xây dựng ngành in cách mạng Việt Nam (kỳ 7)

06:05, 28/05/2019

Nguyễn Lương Hoàng

(tiếp theo)

Giữa năm 1944, anh Xuân Thủy từ Sơn La về, được đồng chí Tổng Bí thư giao trách nhiệm làm báo Cứu Quốc thay anh. Khi xem đến số Đặc san này so với các tờ Cứu Quốc in litô, thấy ngạc nhiên lắm. Anh nói không rõ "nhà in" làm thế nào mà lại in đẹp được như vậy?

Việc thứ hai để lại cho chúng tôi ấn tượng khó quên và vô cùng phấn khởi là đầu tháng 3-1945. Lúc này "nhà in" đã được chuyển lại căn buồng cũ rồi. Nhưng cả nhà đang bị nạn đói dày vò kinh khủng. Gạo phải rất dè xẻn, chỉ nấu cháo để húp gọi là có tí "ngũ cốc" vào bụng mà làm việc. May nhà có vườn rộng trồng chuối và những thứ hoa mầu khác. Nhưng rồi củ chuối, củ chè, khoai lang cũng dần dần đào hết để ăn kèm với cháo loãng. Mà cũng lạ, không hiểu sao lúc đó mỗi người húp tới 7 - 8 bát mỗi bữa mà dạ dày vẫn "tiếp thu" được chẳng thấy ai kêu tức bụng cả... Song cuối cùng phải đào đến củ ráy, chuyên dùng nuôi lợn thì ai cũng sợ. Vì ăn mới đến cổ đã thấy khó chịu lắm rồi, và ăn xong thì cứ ngứa ran trong cổ. Muốn chạy ra vườn mà thò tay móc họng, cào cấu cũng không thể khỏi ngứa được. Chúng tôi coi đó như một cực hình, nhưng không ăn thì không đủ sức mà in.

Anh Toàn tuy ở xa, nhưng anh biết và rất thông cảm, thỉnh thoảng gửi về cho anh chị Quản Lanh ít tiền để lo xoay xở lương thực cho cả nhà. Nhưng chúng tôi quý nhất là tấm chăn sui anh gửi cho. Lúc đó chúng tôi đã biết chăn sui là gì đâu (mãi sau này lên Việt Bắc lại được đắp chăn sui và thấy chăn sui đã được đi vào thơ của Tố Hữu). Nhưng lúc đó thì tấm chăn sui đó quả là rất quý. Vì đã đói mà lại rét nữa thì khó mà in được. Thế là bên trong chiếc chiếu đắp, có cái chăn sui, tôi và anh Trường yên chí ngủ đẫy giấc, tuy cũng rất áy náy vì gia đình cũng thiếu cái đắp. Song cũng chẳng nghĩ ra cách nào hơn được nữa.

Giữa những ngày gay go với cái đói như vậy, bỗng đêm 9-3- 1945, đang xì xụp húp cháo thì thấy những tiếng nổ rất lớn ở phía Hà Nội vọng về và những điểm sáng lóe lên từng lúc. Chúng tôi và gia đình chạy vội ra ngoài vườn, ngồi sát bờ ao nhìn qua rặng tre trông về Hà Nội. Nhớ đến những lời phân tích của anh Toàn gần đây, -chúng tôi đều hiểu cả và reo lên với nhau: Nhật - Pháp choảng nhau rồi, sướng quá, sắp được in nhiều tài liệu rồi...

Quả nhiên mấy ngày sau, có chuyến giao thông đặc biệt đưa về. Chúng tôi bóc vội ngay ra và cùng nhau ngấu nghiến đọc "thư sâu kèn" nuốt từng chữ căn dặn của anh Toàn và bản viết tay Chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Thường vụ Trung ương đề ngày 12-3-1945 (và cũng sau này chúng tôi mới được biết chính bản Chỉ thị này đã được đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh lúc đó dự thảo ở ngay cuộc họp của Thường vụ Trung ương mở rộng ở xã Đình Bảng, chính quê hương của anh Trường).

Số lượng in được tăng lên rất nhiều. Chúng tôi lao vào sắp chữ và đưa lên máy in. Anh Suổi, anh Quản Lanh vừa bố trí canh gác cẩn thận hơn và cũng lần lượt thay nhau vào buồng in ban đêm giúp chúng tôi. Thật là những ngày đêm rất hào hứng đối với chúng tôi. Chỉ ba ngày là xong 1000 cuốn, được đóng gói gọn ghẽ thành nhiều gói nhỏ bằng lá chuối khô bên ngoài và gửi giao thông đi kịp thời, an toàn.

Cũng phải nói thêm, lúc này ngoài bãi đã mọc nhiều cây đỗ, hái về ăn như rau, khá ngọt. Thế là êm được cái bụng và hết được cái "móc họng vì ngứa củ ráy". Đến nay nghĩ đến vẫn thấy sợ.

Sau này chúng tôi còn in rất nhiều tài liệu khác nữa và nhiều nhất là truyền đơn "Kháng Nhật cứu nước" in hai màu, giao đi làm nhiều lần...

Lúc này "nhà in" được bổ sung thêm các anh Tâm, anh Phan về tăng cường, tôi phải làm thêm một chiếc "máy in" nữa khổ rộng hơn, và khung trên căng vải thay gỗ để lăn lô cho nhanh. Và toàn cơ quan đều hoạt động an toàn cho đến ngày Tổng khởi nghĩa thắng lợi, được chuyển cả lên Huyện ủy Yên Lãng. Đồng chí Lê Hiểu (tức Nguyễn Lam) lấy danh nghĩa Chủ tịch ủy ban nhân dân cách mạng của huyện đứng ra tổ chức bộ máy chính quyền huyện, ít lâu sau đồng chí được Trung ương rút về Hà Nội và tôi tạm thay đồng chí trong một năm sau.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com