Nhớ về đồng chí Trường Chinh với việc in báo Đảng thời kỳ bí mật và xây dựng ngành in cách mạng Việt Nam (kỳ 4)

07:05, 21/05/2019

Nguyễn Lương Hoàng

(tiếp theo)

Nơi cơ quan in báo Cờ Giải Phóng lúc đó là làng Liễu Khê (nay thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Từ lúc tôi về cơ quan in đến lúc cơ quan chuyển đi chỉ khoảng 4-5 tháng (từ tháng 8 đến cuối năm 1943) mà đã phải bốn lần thay đổi chỗ đóng cơ quan. Có chỗ thì là nhà của đảng viên (đồng chí Đá), có chỗ thì là nhà của bà con tốt (anh Liễu, ông Diêu, anh Tư Biên)... nhất là các gia đình xung quanh đối với chúng tôi đều vô cùng quý mến, thực sự là cả một hàng rào bảo vệ ngày đêm thật vững chắc cho chúng tôi in báo Đảng và của các đoàn thể Mặt trận Việt Minh đang rầm rộ phát triển.

Đồng chí Trường Chinh gặp gỡ các văn nghệ sĩ tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngành Điện ảnh Việt Nam, năm 1983.
Đồng chí Trường Chinh gặp gỡ các văn nghệ sĩ tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngành Điện ảnh Việt Nam, năm 1983.

Có lần chúng tôi đang bí mật in báo trong buồng kín, bỗng vẳng nghe những lời hát từ ngoài đồng vọng vào. Không ngờ các cô gái vùng này đều đọc báo bí mật và nhớ những bài ca dao trong đó. Và chúng tôi hơi lo vì các cô dám hát những bài ca cách mạng ở ngoài đồng như thế, bọn "chó săn" đánh hơi rồi tìm về dò la, bắt bớ thì sao? Bài ca mà các cô gái hay hát ngoài đồng lúc bấy giờ rất phổ biến là bài "Chống Nhật phá màu trồng đay", tôi còn nhớ lại như sau:

"Trên tay ôm đứa con thơ,
Chị Nam ngồi khóc bù loa giữa đồng.
Khóc ngô thôi lại khóc chồng,
Khóc ngô bị nhổ, khóc chồng đi phu.
Chém cha lũ Nhật côn đồ,
Giết người, cướp của tha hồ thẳng tay.
Dân ta trăm đắng ngàn cay,
Thóc ăn không có, trồng đay cho người".

Tôi có nói việc này với đồng chí Đá thì đồng chí "trấn an" tôi, nói rằng cả vùng Thuận Thành này đều như thế cả, vả lại các cô gái này đều giỏi mồm mép đối đáp khôn khéo lắm.

Xã Song Liễu của Thuận Thành vì phong trào cách mạng nổi lên nhiều mặt, nên năm 2000 đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang" trong kháng chiến chống Pháp.

Sau khi làm xong số báo Cứu Quốc Tết Giáp Thân (1944) ở Hạ Dương, chúng tôi lại được lệnh chuyển về xã Viên Nội thuộc huyện Đông Anh. Nơi đặt nhà in là nhà anh chị Tiệm làm nghề đậu phụ nên thường dậy rất sớm. Đón chúng tôi và chuyển dụng cụ in là chị Kỳ gồng gánh, và khi gần đến chỗ rẽ trên đường đê lại có thêm anh Hà đi xe đạp đàng hoàng để quan sát chung. Mãi sau này chúng tôi mới được biết chính là anh Văn Tiến Dũng và chị Kỳ, người yêu của anh. Lúc đó anh là đại diện Xứ ủy, phụ trách Bí thư Liên tỉnh Bắc Ninh - Phúc Yên.

Về đóng ở nhà anh chị Tiệm, cơ quan in báo được chăm sóc chu đáo hơn, thân mật hơn trước. Đó là vì có chị Sáu già làm liên lạc thường xuyên giữa anh Toàn với chúng tôi. Gọi là chị Sáu già nhưng thực ra (theo tôi đoán) chị chưa đến 50 tuổi, nhưng trông chị thì thực sự là một bà nông dân chính cống. Quần đen áo vải, thắt lưng, vấn khăn, nhất là lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu, răng đen mà môi cứ đỏ chót, về ăn uống cũng được cải thiện, được ăn nhiều đậu phụ chấm tương hơn là cua muối như hồi ở Liễu Khê.

Cơ quan in được tăng cường. Có thêm anh Lợi về, sau ít lâu thì có anh Đỗ Quốc Tuấn về thay và công tác cho đến khi cách mạng thành công. Anh Tuấn sau này vào phục vụ quân đội cho đến lúc chiến tranh kết thúc và được phong hàm trung tướng. Anh đã mất ở Hà Nội mấy năm gần đây. Tôi công tác ở cơ quan in Cờ Giải Phóng tại Viên Nội chỉ trong thời gian ngắn, nhưng có hai kỷ niệm khó quên. Đó là lúc Liên Xô công bố 15 nước cộng hòa liên bang, báo Cờ Giải Phóng ra một phụ trương bản đồ 15 nước cộng hòa này của Liên Xô. Bản thảo đưa về thì khổ nhỏ, mà phải phóng to bằng cả 2 trang báo. Nếu khuôn khổ bằng nhau thì dễ cho tôi quá, chỉ việc áp giấy than lên mặt đá rồi tô bản đồ vẽ sẵn lên là xong rất nhanh. Sau tôi nghĩ cách phải kẻ ô vuông ở bản đồ rồi phóng ô vuông to hơn lên mặt đá. Vì phải vẽ ngược lên đá, cho nên, để vẽ được chính xác, tôi phải để một chiếc gương cạnh bản đồ rồi trông vào đó mà vẽ. Cuối cùng tôi vẽ đạt yêu cầu và sau đó được anh Toàn khen chung cả tổ in báo.

Một ấn tượng thứ hai là viết lên đá bài thơ "Là thi sĩ" của Sóng Hồng. Vì trước đây ở Hà Nội tôi đã ảnh hưởng tính lãng mạn của bài thơ "Là thi sĩ" của Xuân Diệu và hồi đó rất thích. Nay thấy nội dung bài này thật đúng với tinh thần cách mạng, hay quá, nên tôi cũng dụng ý viết bằng kiểu chữ viết lên đá cho bài báo phong phú thêm. Và cuối cùng tôi cũng đạt được yêu cầu đó (Báo Cờ Giải Phóng, số 4 ngày 18-4-1944).

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com