Nhớ về đồng chí Trường Chinh với việc in báo Đảng thời kỳ bí mật và xây dựng ngành in cách mạng Việt Nam (kỳ 2)

06:05, 14/05/2019

Nguyễn Lương Hoàng

(tiếp theo)

Và tới lúc trời tối thì anh Dũng, chị Lương cũng ở sân bay về đến cơ quan. Anh Dũng và tôi qua cửa sau, xuống bếp làm cơm. Buổi đó vắng anh Sơn bận công tác. Tôi thấy thái độ của các anh Mạc, anh Dũng, chị Lương đối xử và nói năng với đồng chí mới đến lúc chiều đều có vẻ kính trọng nhưng rất thân mật. Và chính qua những câu chuyện lúc cùng nhau ăn cơm tối, tôi mới biết đồng chí ấy có bí danh là anh Toàn. Tối đó, anh Toàn và anh Mạc nói chuyện công tác với nhau đến khuya. Tôi và anh Dũng, chị Lương chia nhau cảnh giới, nghe ngóng động tĩnh bên ngoài, nhưng rồi vì mệt, chúng tôi mỗi người một góc nhà ngủ quên lúc nào không biết.

Sáng hôm sau, lúc tôi đã tỉnh giấc thì không thấy anh Toàn, anh Mạc trên giường, hai anh đã dậy từ sớm và ra đi từ lúc nào, chúng tôi đều không biết. Nhưng anh Toàn đã để lại cho tôi một ấn tượng thật sâu sắc: một con người mới gặp qua lần đầu đã thấy mến, như quen biết nhau từ lâu lắm. Lại khéo gợi ý trò chuyện rất thân tình nên thấy vừa kính trọng, lại vừa thân mật.

Tôi trở lại lá "thư sâu kèn" với chữ ký của anh Toàn. Tôi tin chắc đó chính là anh Toàn mà tôi đã gặp ở Ái Mộ hơn một tháng trước đây. Vậy thì anh Toàn phải là một người có một "tay nghề" làm báo thật "lão luyện", một "thượng cấp" của Đảng già dặn kinh nghiệm và được các đồng chí đảng viên quý mến, quần chúng tin tưởng, tuy cũng còn rất trẻ.

Thế là ba chúng tôi lao vào làm báo cả ngày đêm. Hai anh Long và Phong đã quen viết ngược trên đá, chữ viết theo kiểu chữ in rất đẹp. Tôi là lính mới nên chưa theo được như hai anh. Nhưng tôi lại có ưu thế là hiểu rõ được nhiều kiểu chữ tít của các nhà in lớn ở Hà Nội, nhiều kiểu đẹp (lúc đó thường hay gọi là chữ mô đéc - moderne). Thế là tôi lại gặp thêm một khó khăn nữa. Nếu đợi hai anh viết xong bài rồi chuyển đá cho tôi để kẻ chữ tít thì chậm việc ra báo. Tôi đề nghị với hai anh cứ để tôi ngồi ngược lại với từng anh và phải kẻ hai lần ngược: vừa ngược chữ từ trái sang phải, lại vừa ngược chữ lộn trên và dưới. Lúc đầu tuy thật bỡ ngỡ, nhưng sau vài lần tập dượt tôi cũng làm được. Thế là riêng việc viết lên đá nội dung bài và chữ tít đều được tiến hành đồng thời, không phải chờ đợi nhau. Một khó khăn nữa mà ba chúng tôi phải luôn nhắc nhau là không được để hơi thở ra trực tiếp vào mặt đá vì như vậy khi in đá sẽ bị bẩn, báo lem nhem khó đọc. Tôi lấy luôn khăn mùi xoa buộc chặt bịt luôn cả mũi và mồm như đeo khẩu trang nên rất yên tâm. Tôi cố nhớ chọn những kiểu chữ tít đẹp, hợp với từng bài, đồng thời cũng phác lại cái đầu báo (manchette) dùng chữ nét thanh và cách điệu hơn kiểu chữ quá đậm số 1 Cờ Giải Phóng in trước đây, được hai anh Long và Phong tán thành nên nói chung số 2 được viết đá sáng sủa và phong phú các kiểu chữ tít. Sau đó chúng tôi chuyển sang phần in, vì có ba người nên làm cả kíp đêm. Thế là chỉ trong sáu ngày hơn 100 số báo khổ 32,5 X 25cm, 4 trang, chữ tít báo in đỏ đã được in xong, gấp gọn, bọc thành từng bó nhỏ bằng lá chuối khô được chuyển tới cơ quan phát hành, tung bay khắp mọi miền đất nước, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng ta, đồng thời là những vũ khí tinh thần sắc bén khiến bọn Nhật - Pháp và bè lũ tay sai vô cùng hoảng hốt trước sức mạnh trào dâng của cách mạng.

Gần một tuần sau, chúng tôi lại nhận được tài liệu mới và "thư sâu kèn" gửi về. Ngoài những tin tức mới của phong trào cách mạng các nơi và những chỉ dẫn về công tác mới, cuối thư chúng tôi rất phấn khởi được anh Toàn viết khen báo số 2 in nhanh, đẹp, sáng sủa. Điều đó động viên chúng tôi rất lớn. Nhưng anh cũng có một nhận xét về một kiểu chữ mà tôi đã dụng ý kẻ rất công phu cái tít Tin quốc tế, thì anh lại chỉ ra là kẻ chưa thật đúng. Kiểu chữ này đậm, nhưng ở giữa mỗi chữ lại có một nét trắng mảnh. Khi kẻ tôi cho là ở giữa mỗi chữ đều có một nét ngang như nhau nên đã dùng thước kẻ đặt ngang dòng chữ, dùng dao trổ vạch ngay một nét cho gọn. Thư anh Toàn vạch ra là chưa đúng, chỉ những chữ tròn như o, q, c... thì mới có nét trắng ngang ở giữa. Xem thư tuy không nói ra nhưng tôi cũng hơi tự ái, cho là mình đã làm nhà in lâu năm, hiểu rõ hơn. Còn nhận xét của anh Toàn là chưa thật đúng. Nhưng rồi sau đó ít tháng, khi chuyển cơ quan in sang đóng ở xã Từ Dương, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, lúc đó gần dịp Tết Giáp Thân (năm 1944), cơ quan in chỉ còn tôi và anh Long, đóng ở nhà cụ Khán (tên gọi một chức sắc của làng, không phải tên thật). Chúng tôi được giao nhiệm vụ in số báo Tết Giáp Thân báo Cứu Quốc. Vừa nhận được bản thảo hôm trước thì hôm sau anh Toàn về đến "nhà in", chúng tôi mừng quá. Riêng tôi càng thấy niềm vui được tăng lên gấp đôi vì đã nghĩ đúng là anh Toàn, người mà tôi đã được gặp ở phố Ái Mộ, Gia Lâm lần trước. Và không hiểu vô tình hay hữu ý, anh có đem về cho chúng tôi đọc một loạt số báo xuất bản hàng ngày ở Hà Nội như Đông Phát, Thời Mới... Tôi đọc trong đó thấy có mấy dòng tít có nét trắng ở giữa in rất rõ ràng đúng như nhận xét trong thư của anh Toàn trước đây. Bấy giờ tôi mới tự thấy mình phải "tâm phục, khẩu phục", càng thêm kính trọng anh đã quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhất nhưng lại rất quan trọng trong việc in báo Đảng.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com