Nhớ về đồng chí Trường Chinh với việc in báo Đảng thời kỳ bí mật và xây dựng ngành in cách mạng Việt Nam (kỳ 3)

06:05, 16/05/2019

Nguyễn Lương Hoàng

(tiếp theo)

Tôi cũng phải nói thêm là vì mãi sau này tôi mới được biết là lúc đó anh Toàn vừa phụ trách báo Cờ Giải Phóng của Đảng, lại vừa phải phụ trách báo Cứu Quốc của Tổng bộ Việt Minh. Giúp việc cho anh mới chỉ có các anh Lê Quang Đạo, Lê Liêm, Lê Toàn Thư.

Cơ quan in ấn cũng mới chỉ có chỗ chúng tôi, các nơi khác còn đương chuẩn bị. Cho nên vừa in Cờ Giải Phóng thì ghi tên là in tại Nhà in Trần Phú, vừa phải in các báo của Mặt trận như Cứu Quốc, Kèn gọi lính, Hồn nước, … thì ghi là in tại Nhà in Phan Đinh Phùng. Vì vậy, số báo Tết Giáp Thân này (1944), chúng tôi mới vinh dự được nhận in, mà lại có cả anh Toàn về thăm và trực tiếp dặn dò.

Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.
Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.

Anh Toàn về Nhà in Cờ Giải Phóng ở Hạ Dương (Từ Sơn - Bắc Ninh) với chúng tôi trong hai ngày, sửa bài xã luận của số báo và mấy bài quan trọng khác. Lúc đó riêng tôi thích nhất bài viết về vận dụng mấy câu thơ của Thế Lữ đối với tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng:

Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan,
Trong lúc gần xa pháo nô ran.

Người chiến sĩ trong bài thơ Tết của nhà thơ Thế Lữ đã:

                       Rũ áo phong sương trên gác trọ,
                      Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

Với bao nỗi ai hoài...

Sau khi anh Toàn đi rồi, trong một buổi tâm sự với tôi, anh Long mới nói lộ cho tôi biết là sở dĩ hồi tôi phải ở lại cơ quan của anh Mạc (Ái Mộ, Gia Lâm) là để chính anh Toàn đến xem xét và thẩm tra lại tôi trước khi quyết định đưa tôi về công tác tại cơ quan in báo Cờ Giải Phóng. Tuy nhiên, anh vẫn không nói rõ anh Toàn là ai? Mà tôi cũng không hỏi, tuy trong bụng vẫn đã tin chắc đó là đồng chí Tổng Bí thư kính mến Trường Chinh rồi. Vì chỉ có anh mới quyết định việc sửa bài vở, nhất là bài xã luận, hoặc thay đổi nội dung của một số bài báo. Phong cách làm việc của anh rất thận trọng, quyết đoán nhưng thật là tình cảm.

Xin trở lại đôi chút về phong trào và thời gian khi chúng tôi đóng cơ quan in báo Cờ Giải Phóng. Hồi đó là đầu năm 1943. Tôi và anh ruột tôi đương làm ở Nhà in báo Action của sở Thông tin, Tuyên truyền và Báo chí của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Chúng tôi đã được đồng chí Quý làm ở Nhà in Pacifique đầu phố Hàng Than, tuyên truyền giác ngộ về Đảng, và đã có ý định tổ chức một bộ phận in nhỏ bằng chữ đúc (typô) ở tại nhà để in những tờ truyền đơn nhỏ của Đảng để thay việc in bằng thạch hồi đó, truyền đơn in mờ nhạt, rất khó đọc. Tổ chức Công nhân Cứu quốc lúc đó còn có anh Trần Hải (tức Phấn) làm ở Nhà in Việt Cường, nhưng cùng gia đình ở tại làng Yên Phụ gần với chúng tôi.

Do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nên gia đình tôi phải chuyển về phố Hưng Ký (nay là phố Nguyễn Thị Minh Khai). Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu bộ phận in typô và đã tích lũy được một số chữ in ở các nhà in công khai ở Hà Nội (do nhiều anh em công nhân sắp chữ cung cấp). Lúc đó gia đình tôi nhận một anh công nhân sắp chữ ở Nhà in Lê Văn Tân về ở trọ, ăn cơm tháng, vì cùng cảnh nhà nghèo, ở xa nhà. Phong trào công nhân in Hà Nội đầu năm 1943 được Đảng lãnh đạo đang tích cực chuẩn bị tổ chức đấu tranh đòi tăng lương, chống cúp phạt. Cả hai Nhà in báo L'Action và Lê Văn Tân cũng đều tổ chức đấu tranh. Nhưng xảy ra việc ở Nhà in Lê Văn Tân bị khủng bố, anh công nhân ở trọ nhà tôi bị bắt, không chịu nổi tra tấn của mật thám Pháp, nên đã dẫn bọn chúng về khám xét gia đình tôi. Cũng may hai anh em tôi đang bận làm ca, kíp nên chưa về nhà. Thế là được tin báo kịp thời của Tổ chức Công nhân Cứu quốc, cả hai anh em tôi đều trốn thoát mỗi người tạm lánh đi một nơi. Bọn mật thám khám xét nhà tôi, thu hết những sách báo dân chủ mà chúng tôi vẫn còn giữ lại, nhưng chúng mừng nhất là tịch thu hết được bộ phận in typô bí mật mà chúng tôi đã cẩn thận đào một hầm nhỏ dưới gầm giường, cất giấu dưới đó (vì có anh công nhân ở trọ bị bắt chỉ dẫn cho bọn chúng). Chúng bắt cả mẹ già, chị dâu, cháu nhỏ và em trai tôi lên sở mật thám Hà Nội tra khảo. Nhưng vai trò chính lại là hai anh em chúng tôi thì đã trốn thoát, nên sau chúng phải thả tất cả người thân của chúng tôi trở về, nhưng vẫn cài lại hai tên chó săn để phục bắt chúng tôi. Anh ruột tôi tạm thời theo bạn lên ở Cam Đường (Lào Cai) ít lâu sau bị sốt rét ác tính rồi mất. Còn tôi được tổ chức của Đảng đồng ý cho đi thoát ly từ đó.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com