Nhớ về đồng chí Trường Chinh với việc in báo Đảng thời kỳ bí mật và xây dựng ngành in cách mạng Việt Nam (kỳ 1)

06:05, 09/05/2019

Nguyễn Lương Hoàng

Chỉ đạo việc in báo “Cờ Giải Phóng”

Chỉ một ngày sau khi tôi mới chân ướt chân ráo về đến "Xêcu", tiếng gọi tắt của chữ cơ quan, nơi in bí mật báo Cờ Giải Phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thì anh Long phụ trách cơ quan, đã nhận được tài liệu do "zéttê" (giao thông liên lạc) đưa về. Sau khi đọc xong, anh chuyển ngay cho anh Phong (một cán bộ in đã ở cơ quan từ trước) và tôi chia nhau đọc. Đó là toàn bộ bài vở (bản thảo) của tờ Cờ Giải Phóng số 2 kèm theo một "thư sâu kèn". Hồi đó chúng tôi thường gọi thế vì toàn bộ bức thư bằng giấy pơluya được cuộn tròn lại nhỏ hơn cái sâu kèn, để tiện cất giấu hoặc tiêu hủy nếu bị lộ khi mang đi đường. Anh Long chỉ nói các cậu đọc nhanh rồi khẩn trương làm ngay.

Báo Cờ Giải Phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Báo Cờ Giải Phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong lúc anh Phong đọc "thư sâu kèn" thì tôi tranh thủ xem lướt các bài vở của tờ báo Cờ Giải Phóng số 2. Tuy tôi mới "gia nhập Xêcu" nhưng vốn tôi đã quen làm báo công khai ở một số nhà in lớn ở Hà Nội rồi nên cũng không đến nỗi bỡ ngỡ lắm. Nhưng một điều bất ngờ đối với tôi là toàn bộ bài vở của số 2 này đều được viết bằng tay, song rất sạch sẽ, rõ ràng và không một bài nào có chỗ tẩy xóa hoặc gạch bỏ. Tôi để ý thấy có ba loại chữ viết khác nhau, trong đó có một số bài là chữ viết kiểu đứng, rất đẹp, rất chân phương từ dấu chấm, dấu phẩy. Tờ makét báo lại càng cẩn thận hơn, cũng không có chỗ nào gạch, xóa, và những bài dài phải sang trang cũng đều được tính toán, chỉ dẫn, đánh số rất rõ ràng. Tôi mừng thầm là "tòa soạn" đã chuẩn bị kỹ càng như thế này thì "nhà in" chúng tôi cũng sẽ làm được nhanh lắm.

Tôi vừa xem nhanh bản thảo và makét, vừa liên tưởng đến những bài vở in báo mà trước đây tôi đã từng làm ở các nhà in lớn ở Hà Nội thì thấy khác nhau một trời một vực. Thí dụ khi tôi làm ở Nhà in Lê Văn Phúc ở số 82 phố Hàng Gai, ở đó nhận in tờ báo tiếng Pháp ECHO (Tiếng Vang), ra hàng tuần khổ lớn, hoặc sau này sang làm bản tin nội san BIPPA và BIPPO của Sở Thông tin, Tuyên truyền và Báo chí của Phủ Toàn quyền Pháp (Service I.P.P.), hoặc tờ báo tiếng Pháp in hàng ngày là tờ L'Action (Hành động) cũng của I.p.p. thì tuy hầu hết bản thảo đều được đánh máy, nhưng hầu như kỳ nào, số nào cũng bị sửa chữa, gạch xóa, rất khó cho anh em sắp chữ, sửa bài. Đây là việc làm cho tôi có ấn tượng sâu sắc đầu tiên.

Đến lúc anh Phong chuyển cho tôi đọc lá "thư sâu kèn" thì tôi thấy chữ viết rất đẹp và chân phương như ở một số bài của tờ báo số 2, chủ yếu là dặn dò thêm những điểm cần chú ý khi viết lên đá và in báo, cùng với một số tin thắng lợi đấu tranh của Việt Minh tại một số địa phương khiến chúng tôi rất phấn khởi. Khi đọc đến dòng cuối cùng, thấy ký tên là Toàn. Thì ra đây là chữ của anh Toàn, người mà trong hơn một tháng nằm chờ ở cơ quan công vận của anh Mạc tại một góc hẻo lánh của phố nhỏ Ái Mộ ở Gia Lâm, tôi đã được tiếp xúc và chuyện trò với anh. Ở cơ quan này, hàng ngày có bốn chúng tôi tạm thời ăn ở và làm việc. Trừ anh Sơn, sau ngày Tổng khởi nghĩa thắng lợi, phụ trách công tác công an tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc). Còn lại là anh Dũng (bị chột một mắt) làm thường trực, chị Lương chỉ thỉnh thoảng mới về ở vài ngày (sau này là chị Hải, vợ anh Tô Quang Đẩu) và tôi là cán bộ mới đi thoát ly gia đình, còn đang "nằm chờ". Tuy vậy, hàng ngày chúng tôi đều phải đóng vai phu làm đất, trà trộn vào đám người làm công nhật trong sân bay Gia Lâm hồi đó đã bị phát xít Nhật chiếm đóng, dùng cả một số tù binh da đen để đốc thúc phu Việt Nam đào đất đắp những ụ bao che chỗ đỗ của các loại máy bay của Nhật đi bắn phá, ném bom ở phía nam Trung Quốc hoặc các đảo của Mỹ ở Thái Bình Dương... Bọn lính Nhật cũng như tù binh da đen đốc thúc những phu Việt Nam ác lắm. Dù người phu gánh đất, vác đất hoặc đẩy xe, tiện tay chúng đều dùng roi da đánh rất dã man. Không ngày nào chúng tôi thoát khỏi ít nhất vài cái roi da quắn thịt.

Một buổi chiều, tôi bị mệt, phải nghỉ ở nhà. Ngồi buồn, tôi đưa chiếc ghế đẩu ra sát cửa, xem phố xá người đi kẻ lại. Bỗng từ xa một người tầm thước mặc quần trắng, áo dài trắng, đội khăn xếp, che ô đen, khoảng 35, 36 tuổi, đi hơi nhanh, tiến sát đến chỗ tôi ngồi ở cửa, nhìn tôi với đôi mắt rất sáng và nói nhanh: anh Mạc đã về chưa? Rồi không đợi tôi trả lời, người ấy cụp ô xuống và lách luôn vào trong nhà như đã quen đi lại nơi này nhiều lần rồi. Sau khi vào nhà, người ấy cởi áo dài, bỏ khăn xếp, cầm quạt nan phe phẩy cho mát và nói cười với tôi rất vui vẻ, tự nhiên như đã quen biết nhau lâu lắm. Tôi vẫn ngồi để cảnh giác tình hình ngoài phố và từ tốn trả lời những câu hỏi và trò chuyện của người ấy, đại để về tình hình trong sân bay, tình hình ăn uống hàng ngày của chúng tôi và tình hình bà con quanh phố xá, ... Và điều tôi ngạc nhiên là đồng chí ấy cũng đã biết bí danh của tôi là Lương (lúc đó trùng tên với bí danh Lương của chị Hải). Đương lúc chuyện trò rôm rả thì anh Mạc về đến nơi, hai người quay ra nói chuyện với nhau, tiếng nói nhỏ hơn chỉ đủ hai người nghe.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com