"Địch phá, ta cứ đi"

07:05, 02/05/2019

Giao thông vận tải nói chung và giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có một vai trò cực kỳ quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, các mục tiêu giao thông quan trọng của tỉnh Nam Định cũng là những trọng điểm đánh phá của địch nhằm cắt đứt giao thông liên lạc, ngăn chặn các đoàn vận tải. Với tinh thần quả cảm "Địch phá, ta cứ đi" nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ giao thông vận tải tỉnh nhà đã không nề hà hiểm nguy gian khổ, đội mưa bom bão đạn để giữ liền mạch máu giao thông, tổ chức các tuyến vận tải hàng hóa cho tiền tuyến...

Bến phà Đò Quan Nam Định trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu
Bến phà Đò Quan Nam Định trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Giai đoạn 1965-1968, quân địch đánh liên tục vào các đường giao thông quan trọng của tỉnh như các Quốc lộ 10, 21, Cảng Nam Định và các tuyến sông (Hồng, Đào, Ninh Cơ) thuộc huyện Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng bằng các loại vũ khí, bom bi, bom phá, bom từ trường, thuỷ lôi, bom nổ chậm. Theo số liệu báo cáo của Ty Giao thông Vận tải Nam Hà, giai đoạn 1965-1968, các mục tiêu giao thông vận tải của tỉnh đã phải hứng chịu 1.045/2.084 trận bom đánh phá vào địa phận tỉnh, 159 trận đánh vào các đoàn xe Nam Định làm nhiệm vụ chuyển tiếp lương thực ở các tỉnh bạn như Thanh Hoá, Nghệ An. Trước tình hình địch đánh phá ác liệt, cán bộ và công nhân viên của ngành Giao thông Vận tải đã phát huy tinh thần dũng cảm, trí tuệ tập thể, sáng tạo nhiều biện pháp phá thế "độc tuyến, độc vận", giữ vững mạch máu giao thông ở mọi nơi, mọi lúc. Với quyết tâm "Giặc phá 1 ta làm 5 làm 10, địch phá cầu này ta có ngay cầu khác, địch phá đường này thì ta có ngay đường khác" nên khi chúng đánh vào đường 10 thì có đường 12, đường 56, chúng phong toả cầu thì có tuyến đường vận chuyển qua các bến phà Kĩa, Đống Cao, Thịnh Long. Đặc biệt, ngành Giao thông Vận tải đã dùng vỏ đạn tên lửa chế tạo thành cầu phao ngầm, ban ngày nhấn chìm che mắt địch, đêm cho cầu nổi đảm bảo giao thông qua bến Đoan Vĩ trên sông Đáy được kịp thời chi viện cho tiền tuyến; cầu phao thuyền nan tại bến phà Tân Đệ ban ngày đưa đi sơ tán ẩn dấu, ban đêm lắp ghép lại cho từng đoàn xe qua đưa hàng hoá ra tiền tuyến. Đặc biệt, khi địch gia tăng bắn phá, khẩu hiệu hành động ban đầu “Địch phá ta sửa ta đi. Địch lại phá ta lại sửa ta đi” đã được ngành Giao thông Vận tải thay bằng khẩu hiệu “Địch phá, ta cứ đi” thể hiện rõ ý chí quyết chiến thắng. Cán bộ và công nhân viên của ngành Giao thông Vận tải "đội mưa bom bão đạn" đào đắp nhiều tuyến đường tránh bom đạn thay thế cho tuyến đường chính bị phá huỷ; làm nhiều loại cầu phao vượt sông cơ động nhằm thực hiện phương châm “Địch cứ đánh, ta cứ đi”. Trong số đó, trọng điểm phải kể đến bến phà Đò Quan Nam Định. Chỉ trong đêm 19 đến trưa ngày 20-12-1965, việc thi công lắp chiếc cầu phao đầu tiên mang tên Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi được tiến hành khẩn trương, nối liền hai bờ sông Đào an toàn, đảm bảo kỹ thuật. Sau này, cầu nằm trong trọng điểm đánh phá của địch nhưng luôn được đảm bảo giao thông thông suốt. Ngày 5-9-1966, cầu Họ trên tuyến Quốc lộ 21 bị đánh 7 lần liên tục, nhiều quả bom rơi trúng mặt đường, phá huỷ cầu; gần như cả ngày cầu bị giới nghiêm nhưng chỉ đến 8 giờ tối đã hoàn thành sửa chữa khắc phục có cầu, có đường cho xe tiếp tục qua lại. Trong giai đoạn này, hàng đêm, lực lượng giao thông vẫn đảm bảo hướng dẫn cho 200 xe qua địa bàn tỉnh, đưa hàng vào các kho, ra các đầu mối vận chuyển vào chiến trường. Để nối liền mạch máu giao thông vùng đồng bằng sông Hồng, năm 1968, ngành Giao thông Vận tải Nam Hà và Thái Bình đã phối hợp nghiên cứu sáng kiến làm cầu phao thuyền nan Tân Đệ. Đơn vị chủ lực là Xí nghiệp Sà lan Ca nô Nam Hà, chỉ sau một tháng đã làm xong 100 chiếc thuyền nan, huy động trên 200 tấn ray, gần 200m2 gỗ mặt cầu, hoàn thành cầu phao thuyền nan vượt sông Hồng tại Tân Đệ với độ dài hơn 400m đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, kịp thời đảm bảo giao thông, chi viện cho tiền tuyến… Các cán bộ, công nhân viên trên mặt trận giao thông vận tải đã dũng cảm kiên cường, không sờn lòng, nản chí nêu cao tinh thần quyết tâm vừa vận chuyển hàng, hành khách, vừa tổ chức chiến đấu. Nhiều đoàn xe của Xí nghiệp Vận tải ô tô đã anh dũng băng qua những chặng đường chi chít bom đạn. Nhiều đoàn thuyền của Xí nghiệp Ca nô, các Hợp tác xã Thuyền buồm Tháng 8, Hợp tác xã Xuân Hải đã dũng cảm vượt qua những khúc sông Mã dày đặc thuỷ lôi. Trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai (1972) tuy thời gian ngắn hơn so với 4 năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất nhưng mức độ tàn phá lại vượt xa rất nhiều. Trong vòng chưa đầy 6 tháng từ 5-10-1972, giặc Mỹ đã đánh 202 trận vào 247 điểm với 2.084 bom phá, 712 bom nổ chậm và từ trường 106 bom xuyên mẹ (mỗi bom bi xuyên mẹ mang 270 bom bi xuyên con) và 19 tên lửa vào các mục tiêu giao thông trên toàn tỉnh Nam Hà (Nam Định và Hà Nam ngày nay). Chúng tập trung đánh hòng triệt phá dứt điểm những cầu, phà lớn như cầu Treo, Đoan Vĩ, Phủ Lý, cơ sở đóng tàu thuyền của Hợp tác xã Việt Hồng (Nghĩa Hưng), Nhà máy Đóng tàu Nam Hà, đồng thời đánh các bến bốc dỡ hàng hoá: Cảng sông Nam Định, Đống Cao, Hải Lạng. Với quyết tâm chiến lược mới “Phá phong toả của địch”, ngành Giao thông Vận tải tiếp tục phát động phong trào thi đua “Địch phá, ta cứ đi”, đồng thời tập trung xác định vận tải là nhiệm vụ chính trị cao nhất, bất kỳ tình huống nào cũng phải đảm bảo phục vụ chiến đấu và sản xuất. Hàng trăm cán bộ, công nhân và thanh niên xung phong đã bất chấp bom rơi đạn nổ gan dạ, mưu trí, sáng tạo, tích cực cứu chữa cầu, đường sau mỗi lần địch đánh phá đảm bảo nhanh chóng thông tuyến. Tiêu biểu như tập thể cán bộ, công nhân viên bến phà Đò Quan liên tục bám trụ, địch đánh phá 37 trận vẫn bảo toàn người và phương tiện vượt sông. Tập thể cán bộ, công nhân Hạt đường 1, Quốc lộ 10, 21 B-C đã tích cực giữ mặt đường, tham gia ứng cứu giao thông và giải toả phương tiện nhanh chóng sau mỗi trận đánh… Nhằm tập trung mọi khả năng cao nhất của hậu phương lớn đáp ứng kỳ được yêu cầu rất khẩn trương của chiến trường, từ tháng 6-1972, Trung ương giao cho tỉnh huy động một phần lực lượng vận tải thuỷ, bộ, thô sơ và cơ giới tham gia “Chiến dịch 19-8” vận chuyển gạo vào Khu 4. Lúc này sau nhiều năm tham chiến, lực lượng xe ô tô cũ và hầu hết là xe chạy dầu, một số thuyền lớn không đi vào các kênh đào được, thuyền nhỏ thì chất lượng kém và thiếu mui che. Trong khi đó, địch lại tập trung đánh phá dữ dội từ Thanh Hoá, nhất là ở vùng “cán xoong”, chúng huy động đủ loại phi pháo, kể cả máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm suốt ngày đêm, do đó cả vận tải đường sông và đường bộ vào Nghệ An lúc này đầy khó khăn ác liệt. Song trước yêu cầu cấp bách của chiến trường, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam, quyết tâm vận chuyển hàng vượt mức”, cùng khẩu hiệu “Địch phá, ta cứ đi - kiên cường đưa hàng tới đích”, chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 15 đến 31-7-1972, ta đã cơ bản phá hết bom, thông luồng vận tải, đưa Nam Định trở thành vị trí chân hàng quan trọng chi viện cho chiến trường.

Phát huy truyền thống anh dũng, sáng tạo quyết chiến quyết thắng đó, trong công cuộc đổi mới hôm nay, cùng với quân, dân toàn tỉnh, ngành Giao thông Vận tải tiếp tục nỗ lực thực hiện sứ mệnh "đi trước mở đường" góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.

Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com