Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Thuận

07:05, 02/05/2019

Đầu năm 2019, Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Thuận được khánh thành tại xóm Quang Tiến, xã Quang Trung (Vụ Bản). Đây là công trình tâm huyết của các cấp Công đoàn, nhân dân và gia đình ông. Công trình có diện tích hơn 100m2 gồm các hạng mục chính: khu thờ lưu niệm, hội trường truyền thống và một số công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí đầu tư cho công trình hơn 1 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự ủng hộ của đoàn viên Công đoàn các cấp và nhân dân địa phương. Từ khi khánh thành đến nay, Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Thuận đã trở thành một “địa chỉ đỏ” để các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương học tập, ôn lại tấm gương đạo đức cao quý và những đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Thuận đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Các đại biểu trồng cây lưu niệm trong sân Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Thuận, xã Quang Trung (Vụ Bản).
Các đại biểu trồng cây lưu niệm trong sân Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Thuận, xã Quang Trung (Vụ Bản).

Đồng chí Nguyễn Đức Thuận, tức Bùi Tư Phong (1916-1985) sinh ra và lớn lên trong một gia đình yêu nước ở xã Quang Trung (Vụ Bản). Năm 1936, đồng chí tham gia phong trào công nhân ở Thành phố Hà Nội. Năm 1937, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1940, đồng chí bị địch bắt, kết án 15 năm khổ sai tại các nhà tù Hoả Lò, Sơn La. Đến cuối năm 1943, đồng chí bị đày ra Côn Đảo. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được trả tự do, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Thời gian này, đồng chí Nguyễn Đức Thuận giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Năm 1947, đồng chí làm Phó Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ và giữ các chức vụ: Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Đảng và Phó Chủ tịch Ủy ban Việt Minh Liên Việt Nam bộ... Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20-7-1954, đồng chí về cơ quan Trung ương Cục miền Nam (Khu 9). Ngày 29-7-1956, đồng chí bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt tại Sài Gòn cùng với các đồng chí: Trần Quốc Thảo, Hoàng Dư Khương. Khi bị địch bắt, đồng chí Nguyễn Đức Thuận luôn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Do không khai thác được thông tin về tổ chức bí mật cách mạng ở Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Đức Thuận bị địch đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Trước đòn roi tra tấn của bọn cai ngục, người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Thuận luôn thể hiện sự kiên trung, ý chí bất khuất và tấm lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Trong lao tù đế quốc, người tù cách mạng Nguyễn Đức Thuận được tiếp cận nhiều hơn với sách báo tiến bộ và được các đồng chí lớn tuổi hơn có nhiều kinh nghiệm và trình độ lý luận giúp đỡ. Đồng chí đã biến nhà tù đế quốc thành “lò” luyện ý chí đấu tranh, trường học cách mạng; từ đó nghiền ngẫm, đúc rút các bài học cho quá trình hoạt động thực tiễn của mình. Năm 1964, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được trả tự do và được đưa ra Hà Nội chữa bệnh. Trong 8 năm tù đày ở Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Đức Thuận đã viết cuốn tự truyện“Bất khuất” thuật lại toàn bộ thời gian bị bắt và chịu tù đày của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tác phẩm “Bất khuất” là tác phẩm đầu tiên và cũng là duy nhất gây chấn động trên toàn miền Bắc và thế giới về sức chịu đựng kỳ diệu của người chiến sĩ cách mạng bị địch tra tấn dã man vẫn không chịu khuất phục. Sách được xuất bản lần đầu vào tháng 4-1967 với 210 nghìn bản. Nhà xuất bản Ngoại văn Việt Nam đã dịch tác phẩm “Bất khuất” ra 5 ngôn ngữ: Anh, Hoa, Nga, Pháp và Quốc tế ngữ và in với số lượng lớn, phát hành ra nước ngoài, nhằm gây chú ý của dư luận thế giới về chiến tranh Việt Nam. Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Công đoàn Việt Nam. Từ năm 1983-1985, đồng chí được bầu là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại biểu Quốc hội từ khoá IV đến khoá VII; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V. Trên mọi cương vị, đồng chí Nguyễn Đức Thuận luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận qua đời năm 1985, do bị bệnh nặng - hệ quả của sự tra tấn trong nhà tù đế quốc.

Là người cộng sản kiên trung, những cống hiến của đồng chí Nguyễn Đức Thuận đối với sự nghiệp cách mạng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Đồng chí được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh (đợt đầu 29-12-1984), Huân chương chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất và Huân chương Hồ Chí Minh. Với 69 năm tuổi đời, 48 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Thuận là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, cống hiến hết mình cho sự nghiệp độc lập dân tộc. Tháng 12-2007, đồng chí Nguyễn Đức Thuận vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Tên của ông được đặt tên cho tuyến đường ở các tỉnh: Nam Định, Bình Dương, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chiến tranh đã lùi xa song tấm gương, tinh thần cách mạng quả cảm, kiên trung của đồng chí Nguyễn Đức Thuận là tài sản vô giá, là bài học to lớn về truyền thống cách mạng của Đảng và của lịch sử dân tộc. Tinh thần yêu nước “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”, đức tính khiêm tốn, giản dị, của người chiến sĩ cộng sản kiên trung - cố Chủ tịch Công đoàn Việt Nam Nguyễn Đức Thuận mãi là tấm gương sáng để các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com