Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 8)

06:12, 11/12/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Hiệp định Giơnevơ bị phá hoại, miền Bắc được giải phóng nhưng miền Nam nằm trong sự giày xéo của các thế lực phản động do chủ nghĩa đế quốc Mỹ thao túng. Cuộc cách mạng nước ta phải có nội dung và bước đi mới như thế nào?

Sau khi phát hiện sai lầm về cải cách ruộng đất, Trường Chinh không làm Tổng Bí thư, nhưng ở cương vị uỷ viên Bộ Chính trị, Trường Chinh vẫn nổi lên ở vị trí là nhà lý luận chủ chốt của Đảng, đóng góp cùng với Bộ Chính trị và Trung ương phát triển luận điểm về cách mạng Việt Nam, giải quyết tốt mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, giữa hai nhiệm vụ chiến lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Lần theo lịch trình đi lên của đất nước ở thời kỳ này (1956 - 1985), có thế thấy nổi lên nhiều luận điểm quan trọng trong cống hiến về lý luận của ông.

Đồng chí Trường Chinh tại Lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Đồng chí Trường Chinh tại Lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngay trong báo cáo trình bày tại Đại hội II về triển vọng của cách mạng Việt Nam đã có nêu câu hỏi cách mạng Việt Nam sẽ đi đến đâu? Trường Chinh đã trả lời: "Đi con đường tất yếu của nó tiến lên chủ nghĩa xã hội, quyết không thể có một con đường nào khác... Từ nay đến chủ nghĩa xã hội, nước ta phải trải qua một thời gian dài. Thời gian dài đó, tùy theo sự thay đổi nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, tùy theo những biến hóa trong hàng ngũ kẻ thù và hàng ngũ bạn đồng minh của giai cấp công nhân mà chia ra nhiều giai đoạn". Chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 1-1960, Trường Chinh viết cho Tạp chí Học tập về Phương châm chiến lược của Đảng ta, phân tích rõ kinh nghiệm vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào những điều kiện cụ thể của Việt Nam, định ra phương châm chiến lược đúng đắn của Đảng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Tại Đại hội III (9-1960), Bác Hồ đã khẳng định khi khai mạc Đại hội: "Nhiệm vụ hiện nay của cách mạng Việt Nam là: đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước".

Song, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội cũng như đến Đại hội chính thức, các cuộc tranh luận xoay quanh việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Tuy thống nhất cao về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược là hướng vào nhiệm vụ giải phóng miền Nam, con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc có nhiều tranh luận gay gắt. Trong quá trình này, Trường Chinh có nhiều đóng góp quan trọng với Bộ Chính trị đi đến những kết luận thích hợp cũng như hoàn thiện văn bản của Đại hội và nhiều văn bản khác.

Trong tác phẩm Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi theo con đường Các Mác đã vạch ra, ông đã nêu lên nhiều luận điểm làm rõ thêm những vấn đề tranh luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ông đã chỉ ra: "Đường lối cách mạng đúng đắn của nước ta đó là đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam". Ông viết: "Sau chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ (1954), miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng... Đảng ta chủ trương đưa miền Bắc chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai của chúng để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà". Ông giải thích rõ thêm: "miền Bắc hoàn toàn có khả năng bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội vì sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, vì cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân hoàn thành ở miền Bắc đã tạo tiền đề cho miền Bắc chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, vì đã có chính quyền dân chủ nhân dân, vì nhân dân miền Bắc có tinh thần yêu nước cao, cần cù lao động, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta được các nước xã hội chủ nghĩa anh em hết lòng giúp đỡ về mọi mặt". "Cách mạng về quan hệ sản xuất không chỉ hạn chế trong cải tạo chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất; nó phải bao gồm chế độ quản lý và chế độ phân phối". "Cách mạng kỹ thuật giữ địa vị then chốt... cách mạng kỹ thuật đẩy mạnh chủ nghĩa xã hội phát triển. Cách mạng kỹ thuật của nước ta được tiến hành theo phương châm: tiến bằng hai lối, nghĩa là một mặt đi từng bước từ thủ công lên nửa cơ khí hóa, rồi lên cơ khí hóa; mặt khác đi đường tắt, áp dụng luôn kỹ thuật hiện đại...". "Song song với hai cuộc cách mạng nói trên và để phục vụ đắc lực cho hai cuộc vận động đó, chúng ta tiến hành cách mạng tư tưởng và văn hóa. Về tư tưởng, xây dựng và trau dồi tư tưởng vô sản, chống mọi biểu hiện của tư tưởng tư sản, phê phán tư tưởng tiểu tư sản, tiếp tục xóa bỏ mọi tàn tích của tư tưởng phong kiến và của những tư tưởng sai lầm khác, về văn hóa, kế thừa một cách có phê phán nền văn hóa dân tộc, xây dựng một nền văn hóa mới của Việt Nam với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc". "Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa là hai chiến lược cách mạng, quá trình sau nối tiếp quá trình trước, không đứt đoạn, thậm chí giao kết với nhau chặt chẽ. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là tiền đề của cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự phát triển tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân".

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com