Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 5)

04:11, 29/11/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Theo sáng kiến của Bác Hồ, Hội nghị Trung ương lần thứ tám quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Từ đây, nhân dân cả nước ở mọi địa bàn hoạt động được thức tỉnh và lôi cuốn vào các tổ chức cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho phong trào cách mạng. Đây là bước đi mới trong hoạt động của Đảng, của những người cộng sản, những người cách mạng. Vượt qua nhiều khó khăn, Mặt trận Việt Minh ngày càng được mở rộng ở mọi miền đất nước. Trường Chinh hướng dẫn rõ thêm: "Về tổ chức, lúc này phải xây dựng và củng cố cho được Mặt trận Dân tộc thống nhất... thành lập và phát triển các đoàn thể cứu quốc... lợi dụng mọi khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp, thành lập những tổ chức thông thường, đơn sơ không điều lệ như: phường, hội, hội hiếu hỷ, hội tương tế, hội thể dục thể thao, nhóm tự học, tổ âm nhạc, đoàn du lịch... biến những tổ chức ấy thành những bậc thang cho quần chúng bước lên các hội cứu quốc, cần phái các đồng chí vào làm việc trong các đoàn thể hợp pháp có tính chất cải lương hoặc phản động nữa (như Hội Ái hữu, Hội Tương tế, Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Ánh sáng, Đoàn Hướng đạo, Thanh niên Công giáo, các trại thanh niên, các tổ chức thể thao của địch...) gây ảnh hưởng của Đảng và của Mặt trận Việt Minh.

Trong những năm tháng sôi động này của đất nước, nhất là từ tháng 8-1942, khi Bác Hồ đi Trung Quốc và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam 14 tháng, nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng tập trung vào Tổng Bí thư Trường Chinh, đòi hỏi xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới về chính trị, quân sự, tư tưởng và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương tám, đưa cách mạng cả nước tiến lên cao trào. Mặt trận mở rộng nhưng hoạt động như thế nào? Có thể lặp lại con đường của Xô viết Nghệ Tĩnh không? Có thể đi vào khởi nghĩa từng phần được không? Từ kinh nghiệm của cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (23-9-1940), Khởi nghĩa Nam Kỳ (22-11-1940), Khởi nghĩa binh lính ở Đô Lương (13-1-1941), việc thành lập chiến khu Ngọc Trạo (tháng 2-1941)... cho thấy cần phải nhận rõ mục tiêu của cách mạng và thời cơ chính xác của khởi nghĩa, tổng khởi nghĩa. Trong điều kiện Nhật, Pháp đang thực hiện chế độ thống trị tàn bạo của chúng đối với nhân dân ta, mục tiêu của cách mạng là phải giành chính quyền về nhân dân lao động, nhưng phải chuẩn bị được lực lượng, đón được thời cơ khởi nghĩa và tổng khởi nghĩa thích hợp.

Cùng với việc xây dựng Mặt trận Việt Minh, mở rộng phong trào, phải xây dựng lực lượng giao thông bảo đảm liên lạc thông suốt trong toàn quốc, xây dựng các Khu an toàn (ATK), tạo ra các trung tâm hoạt động của Đảng và cách mạng. Trường Chinh viết: "Một công tác vô cùng quan trọng và khẩn cấp của Đảng ta lúc này là gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết bảo đảm cho khởi nghĩa vũ trang thắng lợi. Tình hình thế giới đang chuyển biến mau lẹ. Phong trào cách mạng thế giới ngày càng sôi nổi ăn nhịp với cuộc Chiến tranh vệ quốc của Liên Xô và cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc, Đảng ta phải gấp rút chuẩn bị lực lượng chính trị và lực lượng quân sự của quần chúng để kịp thời nắm lấy thời cơ, phát động cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang". Để chuẩn bị thực lực cho cuộc khởi nghĩa vũ trang, Trường Chinh gấp rút triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ.

Nét nổi bật trong hoạt động của Trường Chinh ở thời điểm này là nắm bắt tin tức, viết những bài báo kịp thời vừa để chỉ đạo phong trào, vừa uốn nắn những lệch lạc trong hoạt động thực tiễn. Tháng 1-1942, Trường Chinh viết: Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương, khẳng định cần nhận định đúng tình hình trước mắt và "ra sức khắc phục bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa cộng sản". Tháng 9-1944, Trường Chinh viết bài: Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ và khẳng định "cả hai kẻ thù của nhân dân ta là Nhật và Pháp đang đóng một tấn kịch giả dối, vô cùng nguy hiểm cho chúng. Cả hai đều đang sửa soạn tiến tới chỗ tao sống mày chết, quyết liệt cùng nhau". Và thực tế là ngày 9-3-1945, Nhật đã đảo chính Pháp nắm lấy quyền thống trị nước ta và cả ba nước Đông Dương.

Chỉ thị của Trung ương do Trường Chinh soạn thảo ngày 12-3-1945 Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta là chỉ dẫn sáng suốt và kịp thời thúc đẩy phong trào cách mạng tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Tháng 3-1945, Trường Chinh viết trên báo Cờ Giải Phóng. Cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương giải thích rõ tính chất của cuộc "đảo chính" và khẳng định "điều kiện tổng khởi nghĩa chưa thật chín muồi song đang mau tiến tới chỗ chín muồi... cuộc đấu tranh đã có tính chất tiền khởi nghĩa. Nhân dân đang tiến tới tổng khởi nghĩa một cách gấp rút".

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com