Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 13)

03:10, 12/10/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Hội nghị Trung ương bảy có trình ra dự án tiền lương để xem xét, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong bài phát biểu của mình, phương pháp luận của cách đặt vấn đề của ông là: không thể giải quyết riêng vấn đề tiền lương mà không xem xét nó trong mối quan hệ chung về giá - lương - tiền. Quyết định cải tiến tiền lương trước thì chỉ sau một thời gian rất ngắn sẽ gặp vướng mắc khi quyết định mặt bằng giá mới. Nếu vì lương mà giữ giá thì sẽ không đẩy được sản xuất lên, không nắm được hàng, được tiền, đời sống lại tiếp tục giảm sút. Và ông cho đây là nhược điểm cơ bản của đề án mà bài học kinh nghiệm của năm 1981 vẫn còn đó: chúng ta không giải quyết đồng bộ giá bán lẻ và giá bán buôn, không giải quyết lương tương ứng với việc điều chỉnh giá. Chúng ta đã phải khắc phục hậu quả của việc làm khập khiễng đó trong một thời gian dài, nay không nên lặp lại khuyết điểm đó.

    Ông quan niệm rằng, cần giải quyết giá - lương - tiền một cách đồng bộ theo trình tự: trước hết thiết lập mặt bằng mới về giá cả, từ đó mà tính toán lương và tiền. Chúng ta cần giải quyết lương trên cơ sở hệ thống giá được thiết lập, chứ không làm ngược là chỉ xét một số giá bán lẻ liên quan trực tiếp đến tiền lương, cải tiến tiền lương không phải chỉ là nhằm vào đời sống, mà trước hết nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quản lý thị trường, thực hiện một bước phân phối theo lao động. Hơn nữa, giải quyết tiền lương cũng không nhằm mục đích gì khác hơn là bảo đảm tái sản xuất sức lao động của người ăn lương.

    Hội nghị Trung ương bảy nhất trí với ý kiến của Trường Chinh và theo đề nghị của ông, đã thành lập tiểu ban nghiên cứu giá - lương - tiền để chuẩn bị đề án tổng hợp trình ra Hội nghị Trung ương tám nhằm giải quyết đồng bộ cả ba vấn đề.

    Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương tám, từ ngày 13 đến 15-5-1985, Bộ Chính trị có cuộc họp để tiếp tục cuộc họp từ ngày 23 đến 26-4-1985, bàn về vấn đề giá - lương - tiền. Tại Hội nghị này, Trường Chinh có đọc một bài phát biểu quan trọng. Ông khẳng định, đã đến lúc phải thay đổi cách trả lương, từ bỏ phương thức cung cấp hiện vật trực tiếp thay vào đó là cách trả lương bằng tiền... Người lao động làm chủ thu nhập của mình sẽ dùng tiền lương được trả mua hàng cung cấp định lượng theo giá kinh doanh. Ông nhấn mạnh, từ phân phối hiện vật hóa chuyển sang phân phối tiền tệ hóa, đó là một bước tiến lớn trong quan niệm và cách thức phân phối của chúng ta, phù hợp với bước chuyển sang cơ chế mới. Đây chính là cách thật sự phát huy quyền làm chủ của người lao động trên thực tế. Cách làm ấy sẽ giảm được nhu cầu giả tạo, ít căng thẳng về hàng, giữ cho quỹ hàng hóa đỡ bị thất thoát ra thị trường tự do.

    Để giải quyết đúng đắn vấn đề lương, ông cho rằng, trước hết phải xử lý hợp lý vấn đề giá. Ông đề nghị nhanh chóng chuyển về hệ thống một giá trên toàn bộ nền kinh tế, cả trong sản xuất và trong phân phối lưu thông, cả trong mua và bán. Hệ thống một giá ở đây có nghĩa là ở một nơi, một lúc nhất định, Nhà nước chỉ bán hàng theo một giá; đó là giá kinh doanh. Nếu có trường hợp còn cần hai giá thì chỉ là hạn chế và tạm thời, trong lúc đang chuyển sang cơ chế mới.

    Lôgích của vấn đề mà ông đặt ra là: trước hết hãy xác định hệ thống một giá. Hệ thống đó lấy giá thóc thỏa thuận làm giá chuẩn. Tương ứng với giá thóc đó mà xác định giá một số vật tư chủ yếu để xác định tỷ giá hối đoái: Trên cơ sở một số giá chuẩn được xác định, sẽ hình thành mặt bằng giá mới. Từ mặt bằng đó, thiết lập hệ thống tiền lương chung cho cả nước, có tính đến chênh lệch đắt đỏ đối với từng vùng; và theo chỉ số giá cả mà điều chỉnh tiền lương, điều chỉnh phụ cấp một cách tương ứng, làm theo định kỳ hay đột xuất tùy theo tình hình cụ thể. Biện chứng của vấn đề ở đây là mối quan hệ hữu cơ giữa giá và lương. Phải xác định được mặt bằng giá mới, từ đó mới thiết lập hệ thống tiền lương. Đơn phương giải quyết vấn đề lương mà không trên cơ sở xử lý mặt bằng giá, hoặc ngược lại chỉ giải quyết giá mà không giải quyết lương thì hậu quả sẽ như đợt điều chỉnh giá cuối năm 1981.

    Rõ ràng, Nghị quyết Trung ương tám coi việc giải quyết giá - lương - tiền là "Khâu đột phá có tính quyết định để chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa". Như vậy, việc giải quyết giá - lương - tiền tự nó không phải là mục tiêu mà là một khâu trong toàn bộ quá trình xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang hạch toán, kinh doanh, về phương châm, Nghị quyết Trung ương tám nêu rõ: "Trong tình hình kinh tế đang chuyển biến, chưa ổn định, cuộc điều chỉnh lớn và toàn diện về giá - lương - tiền lần này phải tiến hành khẩn trương, kiên quyết, nhưng phải tính toán kỹ lưỡng các phương án vững chắc, gắn với việc xây dựng và hoàn chỉnh cơ chế quản lý mới". Nghị quyết còn khẳng định: "Các chủ trương và tổ chức thực hiện ngay trong mỗi bước phải đồng bộ, quán triệt quan điểm xóa bỏ quan liêu, bao cấp".

    Nghị quyết Trung ương tám hoan nghênh và cổ vũ nhiệt liệt các tỉnh, thành phố đã chuyển sang cơ chế mới bằng cách bù giá vào lương. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương, Trường Chinh đã nói: Kinh nghiệm vừa qua ở những nơi bù giá vào lương đã cho thấy rõ hướng đi phù hợp với quy luật, phù hợp với thực tế khách quan; đây là xu thế tiến bộ, có tính tất yếu, sớm muộn cũng phải ra đời. Vấn đề là chúng ta cần nhạy bén với cái mới, sớm nắm lấy nó để điều khiển thì chắc chắn là Đảng ta sẽ giành được chủ động trong công tác lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com