Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 10)

06:09, 27/09/2018

 

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Cũng trong bài phát biểu này, ông cho rằng, từ năm 1960, chúng ta đã thi hành chính sách một giá. Chẳng hạn, giá gạo lúc bấy giờ ở thị trường là từ 0,30đ đến 0,50đ. Ta đã lấy giá gạo 0,40đ làm chuẩn để tính toán cho sản xuất, đời sống, cho việc làm chủ thị trường, phục vụ cho việc mua bán. Trải qua mấy chục năm, tình hình có nhiều biến đổi, nhưng do những điều kiện khách quan của chiến tranh và nhất là do những khuyết điểm chủ quan trong nhận thức, chúng ta đã không xử lý thích đáng, và kịp thời, duy trì quá lâu một hệ thống nhiều loại giá, gây rối loạn, tiêu cực trong kinh tế, kìm hãm sản xuất, cản trở thu mua, gây rất nhiều khó khăn trong đời sống. Điểm qua sự vận động của chính sách giá của ta từ trước đến nay, ông khẳng định: nay đã đến lúc bức thiết phải sửa chữa, trở về với chính sách một giá. Tuy nhiên, Hội nghị Trung ương sáu mới chỉ đặt vấn đề, thời điểm chưa chín muồi việc thực hiện chính sách một giá. Do vậy, ông cho rằng, để tránh gây ra biến động đột ngột, trước mắt cần thi hành chính sách hai giá, coi đó là một bước tiến so với tình trạng nhiều giá hiện nay. Song, dù sao thì chính sách hai giá chỉ là giải phóng tạm thời, một bước quá độ, cần khẩn trương chuẩn bị trở lại hệ thống một giá, khôi phục tính chân thật của nền kinh tế, của sản xuất, kinh doanh và đời sống.

 

    Ông cũng lường trước rằng, làm việc này tất có khó khăn, có thể có những hậu quả xấu; song chúng ta không thể vì thế mà chần chừ, do dự, kéo dài mãi tình trạng hiện nay. Chúng ta chấp nhận một điều xấu ít để tránh điều còn xấu hơn. Biện chứng trong tư duy của ông là ở một tình thế bắt buộc, thà chấp nhận một điều xấu ít có thể có, hơn là phải gánh chịu một điều hoàn toàn xấu và còn tai hại hơn nhiều. Đó cũng là điều hợp với lôgích của cuộc sống.

    Đến Hội nghị Trung ương bảy, tháng 12-1985, để tiến tới thực hiện chính sách một giá, chấm dứt tệ quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang cơ chế hạch toán, kinh doanh, ông đã kiến nghị một loạt biện pháp, được Hội nghị Trung ương chấp nhận và đưa vào Nghị quyết Trung ương bảy. Những biện pháp đó là:

    Từng bước nhưng khẩn trương hạch toán đầy đủ giá thành sản phẩm, phản ánh đúng chi phí thật sự của sản xuất. Tính lại định mức và đơn giá một cách đúng đắn theo mặt hàng giá mới...

    Sửa đổi tỷ giá hối đoái. Tỷ giá hiện nay gây nhiều trở ngại, như hạn chế kiều hối, không khuyến khích xuất khẩu, vì nó làm cho bù lỗ ngoại thương trở thành bệnh kinh niên. Tỷ giá ấy cũng không khuyến khích tiết kiệm vật tư nhập trong quá trình sản xuất, vì chi phí về vật tư nhập chiếm phần quá thấp trong giá trị của sản phẩm.

    Tính lại giá bán vật tư nhập khẩu, cũng như giá nguyên liệu trong nước kể cả năng lượng. Đây là một biện pháp quan trọng, thiết thực để khuyến khích tiết kiệm vật tư, năng lượng.

    Xác định đúng khấu hao về thiết bị, công trình, từ đó mà tính lại giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp, và giá bán lẻ vật tư, hàng hóa.

    Trong khi vẫn duy trì cung cấp một phần cho người ăn lương và thu mua nông sản theo hợp đồng hai chiều, phải tính lại giá cung cấp và mức giá trao đổi với nông dân (cả giá mua nông sản và giá bán vật tư, hàng tiêu dùng, hoặc giá bán thực cho vùng cây công nghiệp...) cho phù hợp với mặt bằng giá mới.

    Riêng phần mua của nông dân bằng tiền thì theo giá thỏa thuận đúng với nghĩa của nó. Không nên đặt giá mua quá thấp để nông dân bị lỗ, vì như vậy thì năm sau họ sẽ không sản xuất hoặc sản xuất ít đi, và sẽ không có gì để bán cho ta.

    Định lại giá gia công thỏa đáng cho khu vực tiểu, thủ công nghiệp, bảo đảm họ sản xuất có lãi, nhằm khuyến khích tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ.

    Và ông kết luận: Những biện pháp trên đây là nhằm thiết lập mặt bằng giá mới để bãi bỏ bao cấp, chuyển sang hạch toán, kinh doanh thật sự, chấm dứt bù lỗ ở mọi khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong mua và bán, trong bán buôn và bán lẻ, tiến tới thanh toán tệ nạn tiêu cực phát sinh do chênh lệch giá.

    Đến Hội nghị Trung ương tám, trong bài phát biểu của mình, ông đề nghị Trung ương thảo luận và có Nghị quyết nhất trí về nguyên tắc: để thật sự chuyển sang hạch toán, kinh doanh, cần đưa đủ ở đầu vào, có chính sách ở đầu ra khi bán lẻ, thi hành chính sách một giá trong toàn bộ nền kinh tế, cả khi bán và khi mua, cả trong công nghiệp và nông nghiệp, cả trong sản xuất và trong phân phối lưu thông. Thực hiện Nghị quyết Trung ương tám, 28 tỉnh, thành trong cả nước đã tiến hành bù giá vào lương và đưa giá tiền lương được bù vào giá thành sản phẩm. Chủ trương này chưa thực hiện được bao lâu thì ngày 14-9-1985 ta tiến hành đổi tiền trong phạm vi cả nước. Tình hình trở lại như cũ.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com