Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 6)

06:09, 18/09/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Như vậy, theo ông, việc sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định để bảo đảm cho cơ sở tiến hành hạch toán, kinh doanh phải làm từng bước, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng phải khẩn trương và nhất là phải xác định rõ hướng đi: bất kỳ thể chế, chính sách, quy định nào cản trở cơ sở chuyển sang hạch toán, kinh doanh đều phải lần lượt bãi bỏ, sửa đổi, hoặc thay vào đó bằng những chính sách, quy định cho phép đẩy mạnh hạch toán, kinh doanh, mở rộng lưu thông, phát triển sản xuất. Ông phê phán quan điểm cho rằng phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, mở rộng quyền chủ động của cơ sở là một việc làm chia cắt nền kinh tế ra từng mảnh; ngược lại chính đó là bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, quản lý của nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Ảnh tư liệu
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Ảnh tư liệu

    Tuy lúc này, tư duy kinh tế của ông chưa thật sự hoàn chỉnh, nhưng những đường nét chủ yếu của nó đã được khắc họa rõ trong việc giải quyết mối quan hệ giữa vai trò, chức năng quản lý của nhà nước với chức năng sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế. Theo ông, vai trò quản lý của Nhà nước mà phương thức hàng đầu là quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp luật, bằng cách tạo ra một hành lang pháp lý hữu hiệu nhằm phát huy quyền tự chủ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, kích thích tính năng động sáng tạo của các thành phần kinh tế, tháo gỡ sự ràng buộc, giải phóng các nguồn lực, phát huy các động lực, khơi dậy tiềm năng phát triển; đồng thời hạn chế đến mức tối đa tác động tiêu cực, ngăn chặn các mặt trái có thể xuất hiện sau khi cơ chế mới hình thành. Vai trò quản lý của Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quyền điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị cơ sở, mà nên dành thời gian và trí tuệ tập trung hướng mạnh vào việc hình thành và ngày càng hoàn chỉnh hệ thống các thể chế, chính sách, sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương và sự phân công, phân cấp của địa phương, cơ sở. Xử lý kịp thời các vấn đề cấp bách, như đẩy lùi lạm phát, khắc phục suy thoái, khủng hoảng và tụt hậu, xác định đúng khâu then chốt, đưa ra được những giải pháp toàn diện để tấn công vào tận gốc rễ các vấn đề bức xúc trong từng thời điểm và từng giai đoạn.

    Như vậy, tư duy kinh tế của Trường Chinh được vận động và phát triển qua quá trình chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới. Cho đến khi có Nghị quyết Bộ Chính trị về bảo đảm quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở, thì tư duy kinh tế của ông đã có một bước phát triển đáng kể. Chính trong cuộc họp Bộ Chính trị này, ông đã có một bài phát biểu khá toàn diện và sâu sắc. Ông cho rằng, chuyển sang cơ chế quản lý mới thì không cho phép Nhà nước tiếp tục quản lý theo lối cũ mà đòi hỏi phải đổi mới nhận thức, quan niệm cũng như tổ chức và phương thức hoạt động. Theo ông, là người quản lý đất nước, Nhà nước không thể sa vào công việc sự vụ hàng ngày, làm thay công việc của các doanh nghiệp và các đơn vị kinh tế, can thiệp sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bận bịu, tất bật đến nỗi không còn thời gian để suy nghĩ đến việc mình phải cầm lái như thế nào. Ông còn nhấn mạnh, là người quản lý, Nhà nước phải có một tầm nhìn bao quát, tổng thể các vấn đề cần giải quyết, có thể cân đối được những yêu cầu trái ngược nhau về các nguồn lực, nắm bắt được xu thế vận động của các khả năng, dự báo được triển vọng phát triển của tình hình trong một tương lai nhất định.

    Những quan điểm đổi mới tư duy kinh tế của ông phần lớn được đưa vào Nghị quyết của Bộ Chính trị. Và, Nghị quyết này như một luồng gió mới thổi vào các đơn vị kinh tế cơ sở của cả nước, tiếp thêm sức mạnh, tạo ra niềm tin, hứa hẹn một triển vọng phát triển sắp tới.

    Nhưng chuyển hẳn sang cơ chế mới, mở rộng quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh không thể thực hiện được nếu không giải quyết đúng vấn đề giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ. Chính vì vậy mà Hội nghị Trung ương lần thứ sáu đưa vấn đề giá, lương, tiền vào chương trình nghị sự hàng đầu. Và sau này cho đến các Hội nghị Bộ Chính trị và các Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, tám, chín, giá - lương - tiền luôn trở thành vấn đề bức xúc nhất mà Trung ương phải tập trung thảo luận và có Nghị quyết đặc biệt.

    Giá, lương, tiền rõ ràng là những vấn đề kinh tế rất cấp bách, đang hàng ngày hàng giờ tác động trực tiếp vào sản xuất và đời sống, trong mọi lĩnh vực, ở mọi địa phương cũng như trên phạm vi cả nước. Nó là vấn đề cơ chế, chính sách ăn sâu, bám rễ vào mô hình tập trung quan liêu, bao cấp, nay muốn tháo gỡ thì không thể là công việc của từng địa phương, cơ sở, mà là việc chung của cả nước.

    Tư duy kinh tế của Trường Chinh luôn dựa vào phương pháp luận của Lênin: tìm mắt xích đặc biệt trong mỗi thời kỳ đặc biệt mà chúng ta phải dốc toàn lực ra nắm lấy để giữ vững toàn bộ cái xích và chuẩn bị chuyển từng bước vững chắc sang mắt xích kề bên. Nắm khâu chính, tìm ra nhiệm vụ chủ yếu trong mỗi tình hình lịch sử đặc thù, là phong cách tư duy của Trường Chinh không chỉ vận dụng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà ngay trong thời kỳ đổi mới cũng được ông vận dụng một cách thành công. Ông xác định cái mắt xích đặc biệt mà cả nước đang cần nắm lấy trong lúc này chính là vấn đề giá, lương, tiền, là khâu nóng hổi đang chứa đựng những mối mâu thuẫn gay gắt trong hoạt động kinh tế - xã hội lúc này, là cái "lô cốt" mà tệ quan liêu, bao cấp đang cố thủ.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com