Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 7)

07:09, 20/09/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Chính trên ý nghĩa ấy mà ông nhấn mạnh: Để khắc phục khó khăn, giải quyết những mâu thuẫn trong nền kinh tế hiện nay, chúng ta phải chọn khâu này để mở một đột phá khẩu. Đánh trúng vào đó là đánh trúng vào nơi mà tệ quan liêu, bao cấp đang ẩn nấp, đồng thời cũng đánh trúng vào chủ nghĩa tự do, tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật. Những khâu đó đang đè nặng lên nền kinh tế nước ta; đánh trúng vào đó sẽ tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, lập lại trật tự trong nền kinh tế quốc dân và trong đời sống xã hội, khôi phục lại phẩm chất, đạo đức, tăng cường hiệu lực của pháp luật, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

    Thật ra, không phải đến Hội nghị Trung ương tám bàn về giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ thì vấn đề cấp bách đó mới được đặt ra, mà đột phá khẩu này được mở ra ngay từ Hội nghị Trung ương sáu, phát triển qua Hội nghị Trung ương bảy, và đến Hội nghị Trung ương tám mới khẳng định lại một lần nữa. Cho nên, nói đến vấn đề giá - lương - tiền không nên chỉ dừng lại ở Hội nghị Trung ương tám mà là một chuỗi phát triển lôgích từ Hội nghị Trung ương sáu đến Hội nghị Trung ương tám và chín.

Tổng Bí thư Trường Chinh và các lãnh đạo cấp cao bỏ phiếu tại Đại hội VI. Ảnh tư liệu
Tổng Bí thư Trường Chinh và các lãnh đạo cấp cao
bỏ phiếu tại Đại hội VI. Ảnh tư liệu

    Hồi ấy, trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế trong nhiều năm qua và thực trạng quản lý nền kinh tế, Hội nghị Trung ương sáu đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế, quyết định phải mở rộng quyền chủ động, sáng tạo, xác lập quyền tự chủ tài chính của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Hội nghị Trung ương bảy khẳng định lại chủ trương đó và nhận định rằng, nếu không giải quyết một bước giá - lương - tiền thì không thực hiện được Nghị quyết Trung ương sáu, không thật sự mở rộng được quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đã đi đến quyết định lập Tiểu ban nghiên cứu đề án cải tiến giá - lương - tiền để trình Hội nghị Trung ương tám. Như vậy, Ban Chấp hành Trung ương coi việc giải quyết giá - lương - tiền là khâu đột phá có tính chất quyết định để chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán, kinh doanh.

    Trường Chinh cho rằng, hai việc đó có liên quan chặt chẽ với nhau, ràng buộc lẫn nhau trong một thể thống nhất, phải tiến hành đồng thời. Ông nói: Nếu không cải tiến giá - lương - tiền hoặc chỉ làm nửa vời thì rốt cuộc hạch toán, kinh doanh vẫn chỉ là giả tạo, không thể phản ánh hiệu quả thật sự, không thể tiến hành hạch toán, kinh doanh được. Song, nếu chỉ điều chỉnh giá - lương - tiền trên cơ sở duy trì bao cấp mà không tiến hành hạch toán, kinh doanh, thì tình hình rối ren sẽ vẫn lặp lại như mấy năm trước đây.

    Tư duy kinh tế của Trường Chinh trong việc giải quyết vấn đề giá - lương - tiền tuy chỉ là trở về với các quan điểm kinh tế - chính trị học Mác - Lênin, đã từng bị lãng quên, nhưng nay được ông nhắc lại đúng chỗ và đúng lúc cần thiết, nên nó trở nên mới mẻ và có sức thuyết phục. Ông nói: Càng ngày chúng ta càng thấy rõ ràng giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ, trước hết là những vấn đề của sản xuất, gắn chặt với mọi khâu của quá trình sản xuất. Đó là những vấn đề nằm trước sản xuất, nằm ngay trong sản xuất và nằm sau sản xuất để bảo đảm cho quá trình tái sản xuất tiếp theo. Lý luận thì ai cũng thông, nhưng khi làm thì lại tách giá - lương - tiền ra khỏi quá trình sản xuất.

    Trong nhiều bài phát biểu tại các Hội nghị Bộ Chính trị và các Hội nghị Trung ương từ những năm 1984 đến 1986, Trường Chinh luôn chủ trương giải quyết vấn đề giá - lương - tiền trong một thể thống nhất và đồng bộ, không thể chỉ giải quyết khâu này mà không giải quyết các khâu khác, và ngược lại. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng giá cả là vấn đề đầu tiên cần giải quyết; vì giải quyết vấn đề giá cả trước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết tốt vấn đề lương và tiền. Ông nhấn mạnh: Một chính sách giá cả đúng sẽ làm cho lưu thông thông suốt, Nhà nước nắm được hàng, nắm được tiền làm chủ được thị trường sản xuất phát triển. Một chính sách giá cả sai thì không mua được cũng không bán được, lưu thông ách tắc, sản xuất đình đốn.

    Điểm qua chính sách giá cả của ta trong thời kỳ bao cấp, kéo dài hàng chục năm, ông cho rằng với chính sách cung cấp trực tiếp hiện vật, tức là hiện vật hóa việc phân phối trong khâu cung ứng vật tư cho sản xuất cũng như sản phẩm cho tiêu dùng thông qua giá thấp, với chính sách mua thấp và bán thấp, giá cả đã trở thành đặc trưng nổi bật của chế độ bao cấp. Vì vậy, theo ông để bãi bỏ bao cấp, trước hết phải xử lý đúng vấn đề giá cả.

    Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương sáu (Khóa V), Trường Chinh cho rằng, với chính sách giá cả hiện hành, sản xuất, kinh doanh không thể tiến hành bình thường. Kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể bị kìm hãm, bị đình đốn và không phát triển được. Chẳng khác nào chúng ta tự bó tay mình lại, để cho bọn đầu cơ, buôn lậu, bọn ăn cắp, tham ô ngang nhiên hoành hành, lũng đoạn nền kinh tế, tha hóa cán bộ, nhân viên Nhà nước. Ông nhận xét rằng, trong một tình hình như thế, chúng ta lại thiết lập một hệ thống giá cứng nhắc và quá thấp, thì trên thực tế đã gây thiệt hại lớn đến lợi ích quốc gia và người lao động; Bởi vì giá định ra càng thấp, khoảng cách càng xa với giá thị trường thì thiệt hại của Nhà nước càng lớn, đời sống của người lao động càng khốn đốn.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com