Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 3)

06:09, 06/09/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Đến Hội nghị Trung ương lần thứ bảy từ ngày 10 đến 17-12- 1984, trong bài phát biểu của mình, với thái độ kiên quyết, một lần nữa ông nhấn mạnh: để tạo ra chuyển biến tích cực, chuẩn bị tốt Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, điều quan trọng nhất hiện nay là phải kiên quyết nhanh chóng bãi bỏ chế độ tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển toàn bộ nền kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Ông cũng lường trước rằng việc tạo ra một sự nhất trí cao về cách nghĩ và cách làm để bãi bỏ một mô hình, một cơ chế đã ăn sâu và bám rễ vào xã hội và từng con người, không phải là điều dễ dàng. Nhưng trước sau như một, ông khẳng định rằng "không có con đường nào khác là phải nhanh chóng chuyển từ bao cấp sang hạch toán kinh doanh, loại bỏ tính chất hình thức, giả tạo, khôi phục tính chân thực của mọi hoạt động kinh tế nhằm thực hiện bằng được bước chuyển đổi''.

    Sau Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết khá tích cực, có một số tỉnh, thành, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam, đã làm thử bước đầu vấn đề bù giá vào lương và tính đủ giá thành vào sản phẩm, kết quả mang lại rất bất ngờ, hứa hẹn một sự đổi mới và phát triển lành mạnh. Nhưng tình thế lúc này vẫn còn diễn ra hiện tượng chuyển nửa vời, không đồng bộ, tư tưởng vẫn chưa dứt khoát, còn do dự, chần chừ, nên kết quả đạt được không như mong muốn.

    Từ ngày 13 đến ngày 31-5-1985, Bộ Chính trị có hai cuộc họp bàn về giá - lương - tiền để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Trong cuộc họp Bộ Chính trị từ ngày 13 đến 15-5-1985, qua phân tích tính chất nửa vời, không đồng bộ của việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương sáu và bảy, Trường Chinh đã kết luận:

    Bài học lớn nhất mà chúng ta cần rút ra từ thực tế của những năm qua, đó là: đã đến lúc phải dứt khoát bãi bỏ quan liêu, bao cấp, phải mổ xẻ và loại bỏ cái nhọt nguy hiểm này càng sớm càng hay, không một chút gì đáng để chúng ta luyến tiếc .

    Ngôn từ mà ông dùng ở đây, mới nghe rất căng thẳng, nhưng thật ra nó phản ánh một nội hàm khá sâu sắc, nói lên cái ung nhọt đã mưng mủ từ lâu mà chúng ta vẫn cứ giữ mãi, chịu đựng những cơn nhức nhối trong cơ thể nền kinh tế của chúng ta. Nay đã đến lúc phải loại bỏ cái ung nhọt đó.

    Trong cuộc họp Bộ Chính trị từ ngày 30 đến 31-5-1985, ông lại nói: Tôi đề nghị lần này chúng ta dứt khoát chuyển, dù khó khăn bao nhiêu cũng kiên quyết khắc phục cho bằng được, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi tình huống; tìm cách sửa chữa, uốn nắn những khuyết điểm, lệch lạc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện. Tôi đồng ý phải làm từng bước, nhưng phải trên cơ sở bãi bỏ quan liêu, bao cấp chuyển hẳn sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa ngay ở bước đó. Nhất thiết không bãi bỏ bao cấp từng phần, chuyển sang hạch toán, kinh doanh từng phần. Làm nửa vời như vậy thì thực chất vẫn là duy trì bao cấp và có nguy cơ lại diễn ra tình hình như từ năm 1981 đến nay. Ông còn nhấn mạnh: Nếu chần chừ, do dự thì chúng ta sẽ bị thực tế bỏ xa và lâm vào tình trạng hoàn toàn bị động trước sự phát triển nhanh chóng của tình hình

    Phải nói lên những lời lẽ ấy đủ biết sự chần chừ, do dự, không dứt khoát trong việc chuyển đổi mô hình mới, cơ chế mới trong tư tưởng chỉ đạo của chúng ta lúc này như thế nào?

    Hội nghị Trung ương lần thứ tám họp từ ngày 10 đến 17-6-1985, là Hội nghị Trung ương có tầm quan trọng đặc biệt, bàn và quyết định việc cải cách một bước giá cả, tiền lương, tài chính và tiền tệ để bãi bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Hội nghị Trung ương lần thứ tám là một bước tiến đáng kể trong tư duy kinh tế của Đảng ta. Nghị quyết Trung ương lần này tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết Trung ương sáu và bảy, tạo ra sự chuyển biến có ý nghĩa cách mạng trong nền kinh tế và trong đời sống xã hội ở nước ta.

    Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Trường Chinh đã nói rõ: Với nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này, chúng ta sẽ chấm dứt thời kỳ điều khiển nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính là chủ yếu, biểu hiện đặc trưng của cách quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang thời kỳ điều khiển nền kinh tế trên cơ sở vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, thông qua kế hoạch hóa gắn với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Với Nghị quyết Trung ương tám, nhân dân ta đã đặt niềm tin sâu sắc vào tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và Bộ Chính trị. Đây là cái mốc đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng ta trên mặt trận kinh tế.

    Với bước trưởng thành đó, chúng ta sẽ giành lại quyền chủ động, làm thay đổi tình thế, chấm dứt những hiện tượng không bình thường, đưa nền kinh tế nước ta vào quỹ đạo. Nhân dân ta phấn khởi đón nhận, hoan nghênh Nghị quyết của Trung ương, biểu thị sự đánh giá cao và nhất trí sâu sắc với tinh thần và nội dung Nghị quyết. Nghị quyết Trung ương tám thật sự đã đáp ứng nguyện vọng sâu xa của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Có thể nói từ nhiều năm nay, đây là Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất và có hiệu quả cao nhất. Ngoài sáu tỉnh, thành phố đã làm thử việc thực hiện cơ chế mới (bù giá vào lương và đưa tiền lương được bù vào giá thành sản phẩm) từ trước khi Nghị quyết tám, đến nay cả nước đã có 28 tỉnh, thành thực hiện cơ chế mới với những mức độ khác nhau, 12 địa phương khác đang tích cực chuẩn bị triển khai thực hiện cơ chế mới.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com