Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 1)

07:08, 30/08/2018

Trần Nhâm

    Đối với Trường Chinh, đổi mới là yêu cầu tất yếu khách quan của cuộc sống, là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ X (từ 17 đến 23-10-1986), ông đã nói: Thế giới ngày nay đang nhanh chóng đổi mới, chủ nghĩa xã hội phải phấn đấu để chứng minh tính ưu việt của mình về mọi mặt so với chủ nghĩa tư bản trên thực tế. Đối với cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đáp ứng những nhu cầu chính đáng và ngày càng cao của nhân dân. Đối với nước ta, đổi mới cũng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, vừa phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại.

    Như vậy, theo Trường Chinh, thì đổi mới ở Việt Nam rõ ràng có nguồn gốc từ những yếu tố trong nước, đồng thời có quan hệ đến các yếu tố của thời đại. Đổi mới, theo ông, chính là phát huy những thành quả to lớn mà cách mạng đã giành được, là sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm đã mắc phải trước đây, là sớm biết phát hiện và xử lý tốt những vấn đề mới phát sinh, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữ vững độc lập chủ quyền, từng bước vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

    Lôgích phát triển của tư duy đổi mới của ông là, để đổi mới, cần phải có chiến lược phát triển kinh tế, xã hội nhằm giải phóng sức sản xuất ở trong nước kết hợp với đường lối mở cửa hướng ra bên ngoài, khai thác có hiệu quả những thuận lợi ở bên ngoài để nhân lên sức mạnh ở bên trong. Theo ông, mọi chiến lược phát triển kinh tế, xã hội đúng đắn trong tình thế đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng phải là những chiến lược có khả năng tạo thế ổn định và phát triển ở trong nước, thúc đẩy và lôi cuốn nguồn lực ở bên ngoài, nhằm tạo ra cho mình một môi trường quốc tế thuận lợi để có thể tập trung xây dựng đất nước, đuổi kịp và sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới.

    Do vậy, ông đã nhiều lần nhấn mạnh: đổi mới ở Việt Nam là con đường tất yếu khách quan và hợp quy luật. Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình ra Đại hội VI, ông khẳng định: Đổi mới thật sự là một quá trình giải phóng đối với cá nhân và xã hội nhằm phát triển lực lượng sản xuất. Đó còn là một quá trình giải phóng tinh thần, phát huy tự do tư tưởng, thực hiện dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội. Đổi mới, giải phóng và phát triển làm bộc lộ và nhân lên sức mạnh của các tiềm năng xã hội, cả vật chất và tinh thần.

    Ý nghĩa và tầm vóc lịch sử to lớn của đổi mới chính là nó mang lại những cải biến cách mạng sâu sắc và triệt để, từ quan niệm, tư duy đến hoạt động thực tiễn, làm thay đổi căn bản phương thức lãnh đạo và năng lực quản lý xã hội. Triết lý sâu sắc trong tư duy đổi mới của Trường Chinh là tư tưởng giải phóng : đổi mới để giải phóng mọi tiềm năng, phát triển lực lượng sản xuất vì mục đích phục vụ con người, phát triển con người. Lý tưởng dân chủ và nhân đạo sâu xa của đổi mới là hướng tới việc xác lập và bảo đảm trên thực tế quyền làm chủ, quyền tự do và quyền sáng tạo của con người. Tư duy đổi mới xuyên suốt của Trường Chinh là đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển xã hội, xem việc giải quyết vấn đề con người là thước đo tất cả.

    Đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế là một cống hiến xuất sắc về mặt quan điểm lý luận của Trường Chinh, góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta tại Đại hội VI.

    Theo ông, tư duy mới về kinh tế là sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, phù hợp với quy luật khách quan, với trình độ của nền kinh tế ở mỗi thời kỳ phát triển. Đó là tư duy biện chứng khoa học và cách mạng.

    Ông cho rằng, đổi mới tư duy kinh tế phải nhằm mục tiêu gắn phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng quan hệ sản xuất, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục suốt thời kỳ quá độ với những hình thức, bước đi thích hợp, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, luôn luôn thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Và ông khẳng định: Có thể coi điều vừa nói trên là bước đổi mới tư duy kinh tế quan trọng nhất của Đảng ta.

    Như vậy, ông đặt vấn đề đổi mới tư duy kinh tế ở tầm chiến lược, ở cấp độ phương pháp luận, chứ không phải là vấn đề ngẫu nhiên, thoáng qua trong tư duy lý luận của ông. Tại sao đã nhiều lần ông nhấn mạnh: đổi mới tư duy, đặc biệt là, hoặc nhất là tư duy kinh tế. Điều đó không chỉ có nghĩa là kinh tế có vị trí hàng đầu, có tác dụng quyết định mà còn là vì phát triển kinh tế trong điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội, như nước ta có tầm quan trọng đặc biệt, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất. Nó còn có nghĩa là vai trò kinh tế tuy chiếm vị trí hàng đầu, nhưng tư duy kinh tế của chúng ta trong nhiều năm qua còn quá lạc hậu so với cuộc sống, cản trở không ít đến sự phát triển kinh tế. Tư duy kinh tế lỗi thời bắt nguồn từ căn bệnh giáo điều, bảo thủ, trì trệ, luôn bám lấy cái cũ, không chịu đổi mới; chính vì vậy mà nền kinh tế nước ta cho đến thời điểm này lâm vào khủng hoảng, trì trệ, và nó sẽ trở thành một vấn đề nóng bỏng, nổi lên hàng đầu. Đổi mới tư duy kinh tế, vì vậy là điểm xuất phát trong tư duy đổi mới của Trường Chinh, cũng là điều hợp với thực tế, với lôgích cuộc sống lúc này.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com