Xứng đáng với truyền thống Anh hùng

08:08, 31/08/2018

Những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ven con đường nhựa rộng mở từ cầu 50 dẫn về các thôn là những ngôi nhà cao tầng, biệt thự san sát phấp phới cờ đỏ sao vàng; các công trình dân sinh được xây dựng kiên cố, khang trang; đường, xe tấp nập. Tiếng máy may công nghiệp, máy hàn, máy cưa rộn rã. Phía xa là những cánh đồng xanh mướt, hệ thống kênh mương thuỷ lợi trải dài được kiên cố hoá... Cảnh sắc ấy đã phần nào minh chứng cho bức tranh kinh tế - xã hội của xã Nghĩa Hồng đang ngày một khởi sắc.

Giáo viên, học sinh Trường THCS Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) trong giờ học ngoại ngữ.
Giáo viên, học sinh Trường THCS Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) trong giờ học ngoại ngữ.

Ngược dòng lịch sử, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, phong trào cách mạng ở xã Hồng Phong (nay là các xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong) đã phát triển mạnh mẽ. Năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Trung ương Đảng, xã đã cử gần 100 thanh niên gánh rơm lên Thành phố Nam Định đốt Nhà băng, tiêu thổ kháng chiến. Ở xã có hàng trăm người đi xẻ đường 55, đắp ụ trên đê và rào cửa sông Đáy để chặn cuộc hành quân của địch; đồng thời tích cực củng cố xây dựng lực lượng, vận động nhân dân diệt địch, phá tề, giành đất, giữ làng, bảo vệ cơ sở cách mạng. Nổi bật là tên tuổi của lực lượng du kích Hồng Phong với cách đánh hiểm hóc trên bộ, trên sông, chống càn; mưu trí, dũng cảm tham gia cùng các lực lượng vũ trang của huyện đánh các bốt: Quần Lạc, Văn Giáo, Phát Diệm, Đông Biên, Đò 10… Hay hình ảnh nữ du kích Hồng Phong Vũ Thị Liên đội bèo bồng vượt sông bơi vào chân bốt địch để thám thính tình hình cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho bộ đội lên phương án đánh tan bốt Kim Đài… đã gây tiếng vang lớn, làm cho địch và bọn tay sai hoang mang, hoảng sợ. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, du kích Hồng Phong đã chiến đấu 53 trận lớn nhỏ, tiêu diệt, làm bị thương, bắt sống nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí đạn dược; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng III. Toàn xã có gần 100 cơ sở cách mạng, trong đó có hàng chục cơ sở sinh tử. Nhân dân đã đóng góp cho Nhà nước hàng trăm tấn lương thực và tham gia tích cực các phong trào thi đua ái quốc... Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 2004, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Nghĩa Hồng đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND thời kỳ chống thực dân Pháp”. 

Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng NTM, Đảng uỷ xã Nghĩa Hồng đã tập trung lãnh đạo đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Trong sản xuất nông nghiệp, với truyền thống cần cù, sáng tạo, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo, hiệu quả, có tính đột phá được triển khai thực hiện đồng bộ như: dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch, tổ chức lại đồng ruộng; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; quy hoạch, hình thành vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao; xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất cây trồng, con nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Đồng thời tích cực tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh sản xuất vụ đông trở thành vụ chính, hình thành những vùng chuyên canh những cây trồng cho năng suất, giá trị kinh tế cao như bí xanh, dưa chuột, cà chua... Từ một nền sản xuất nhỏ, mang tính tự cấp, tự túc, đến nay xã Nghĩa Hồng đã phá thế độc canh cây lúa, đưa nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, hiệu quả. Trong nhiều năm, Nghĩa Hồng là đơn vị đứng đầu huyện trong sản xuất vụ đông. Giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt gần 70 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 110 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, xã quan tâm phát triển kinh tế gia trại, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp. Hiện trên địa bàn xã có 40 gia trại chăn nuôi ếch, lợn, cá... đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khai thác tiềm năng về đất đai, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Nghĩa Hồng còn chú trọng phát triển các ngành nghề như: vận tải thủy, vận tải bộ, chế biến nông sản, đan cói, đan bèo bồng, mộc mỹ nghệ, xây dựng thu hút 1.500 lao động. Đặc biệt, thời gian gần đây, xã khuyến khích, đẩy mạnh phát triển nghề may. Trên địa bàn xã hiện có 12 xưởng may công nghiệp, thu hút hàng trăm lao động, mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Phong trào xây dựng NTM được đẩy mạnh đã khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ thể của nhân dân, của cộng đồng dân cư và của con em quê hương Nghĩa Hồng, tạo nên diện mạo mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2015, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, xã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng. Đến nay, hệ thống giao thông xã, thôn, xóm đều được bê tông hóa; hệ thống thủy lợi nội đồng được quan tâm tu bổ thường xuyên, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Các công trình phúc lợi của địa phương như: trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ... được đầu tư xây dựng và nâng cấp đồng bộ. Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội được coi trọng, chăm lo phát triển. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao được quan tâm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, đến nay 100% thôn xóm đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, gần 90% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Công tác giáo dục và đào tạo liên tục phát triển, đến nay cả 4 trường học mầm non, tiểu học, THCS của xã đều đạt chuẩn quốc gia, 2 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II, chuẩn xanh, sạch, đẹp và an toàn. Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, hằng năm xã đều hoàn thành vượt chỉ tiêu trong khám tuyển và giao quân, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chăm lo, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao chất lượng trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai nghiêm túc, sáng tạo, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua sâu rộng trong xã hội. 

Đồng chí Đoàn Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết: Với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã Nghĩa Hồng duy trì ở mức 6,5%. Đến nay, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 31%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 32,4%; thương mại, dịch vụ chiếm 36,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,5%. Từ năm 2014 đến nay, Đảng bộ xã Nghĩa Hồng liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Hồng tiếp tục động viên tinh thần cách mạng, trí tuệ và tài năng, cùng với sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, xây dựng quê hương Nghĩa Hồng vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, đẹp về nếp sống văn hoá, xứng đáng với truyền thống của quê hương anh hùng./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com