Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 2)

08:09, 04/09/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Nhưng, đổi mới tư duy kinh tế phải bắt đầu từ đâu và đổi mới như thế nào là điều mà Trường Chinh luôn trăn trở, suy tư. Tư duy lý luận mà ông lần ra và tư tưởng chiến lược mà ông nắm bắt, chính là vấn đề mô hình phát triển, vấn đề cơ chế quản lý. Ông nhận thấy mô hình kinh tế mà ta đã xác lập không có gì khác hơn là mô hình kinh tế hiện vật, mô hình phủ nhận sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, quy luật giá trị, là mô hình kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển. Mô hình như thế nào thì đẻ ra cơ chế quản lý như thế ấy. Đó là cơ chế tập trung và kế hoạch hóa bị tuyệt đối hóa từ bên trên mà ông thường nói đến. Mô hình đó đẻ ra chủ nghĩa quan liêu trong bộ máy nhà nước và trong các tổ chức kinh tế. Nền sản xuất xã hội, hoạt động kinh tế trở nên cứng nhắc và thụ động, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế không ngừng giảm sút. Với mô hình tập trung quan liêu, hành chính, mệnh lệnh cùng với cơ chế bao cấp và bình quân của mô hình đó đã tạo ra nhiều kẽ hở, gia tăng tình trạng lãng phí, nạn tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, nó bào mòn tài sản vật chất của xã hội và làm biến dạng các quan hệ xã hội, làm gay gắt thêm tình trạng bất bình đẳng, sự suy thoái cả kinh tế lẫn xã hội.

Để chuẩn bị cho Đại hội VI, ông Trường Chinh đã đi thực tế tại nhiều địa phương phía Nam để nắm bắt tình hình và lắng nghe các đề xuất. Ảnh: Tư liệu.
Để chuẩn bị cho Đại hội VI, ông Trường Chinh đã đi thực tế tại nhiều địa phương phía Nam để nắm bắt tình hình và lắng nghe các đề xuất. Ảnh: Tư liệu.

    Tác hại của mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp đã được ông chỉ rõ như sau: Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội quý báu khi Liên Xô viện trợ trong 10 năm qua hàng chục tỷ rúp, nhưng với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, ăn không nên làm không ra, chúng ta cứ rút dần mòn mỗi năm vài trăm triệu rúp để chi cho tiêu dùng xã hội, cho bao cấp và bù lỗ, vài trăm triệu rúp khác thì rải ra trên rất nhiều công trình xây dựng. Ông cho rằng đó là sai lầm lớn của chúng ta. Đáng tiếc là cho đến nay vẫn còn một số đồng chí chưa thấy đầy đủ tác hại sâu xa, nhiều mặt của nó; cứ sợ rằng nghĩ khác, làm khác với tập trung quan liêu, bao cấp là xa rời chủ nghĩa xã hội.

    Đây là đòn điểm huyệt khá trúng đích vào cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Chủ nghĩa xã hội coi việc giải phóng cá nhân và xã hội là mục tiêu của chính mình, coi sự phát triển của cá nhân là điều kiện để phát triển xã hội, là bản chất ưu việt, là mục đích tự thân của chủ nghĩa xã hội. Những mô hình cũ, cơ chế cũ mà ta duy trì lâu nay đã bất lực trước việc giải quyết những vấn đề cấp bách đó, nó không thể hiện được tinh thần nhân văn mácxít, thiếu sự quan tâm đầy đủ và thường xuyên tới cuộc sống và sự phát triển của con người, do đó nền kinh tế xã hội chậm phát triển và khó tránh khỏi sự trì trệ, khủng hoảng kéo dài.

    Nhưng, trong khi lên án mô hình cũ, cơ chế cũ, Trường Chinh không bao giờ có thái độ phủ định sạch trơn. Ông nói: phải thừa nhận rằng trong thời kỳ chiến tranh, mô hình đó, cơ chế đó có tác dụng huy động được tiềm lực vật chất và tinh thần để dốc sức vào việc phục vụ cho chiến tranh; hoàn toàn phủ nhận tính tích cực của mô hình cũ, cơ chế cũ trong một tình hình lịch sử đặc thù, đó là điều phi lịch sử. Nhưng khi chiến tranh đã kết thúc, hòa bình được lập lại, nhiệm vụ xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc nổi lên hàng đầu, mà vẫn cứ giữ mô hình cũ, thì đó là sự cản trở chứ không phải là thúc đẩy sự phát triển.

    Điều đáng tiếc mà ông nói đây là sau khi chiến tranh đã kết thúc, hòa bình được lập lại, thế mà chúng ta vẫn tiếp tục duy trì cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp kéo dài đúng một thập kỷ, chúng ta vẫn thi hành chế độ bao cấp thời chiến, thực hiện cấp phát và giao nộp, hiện vật hóa phân phối, bù lỗ qua ngân sách và để ngoài giá thành; chúng ta không nuôi nổi mình, hàng năm phải rút gần một nửa số tiền cho vay của nước ngoài để chi cho tiêu dùng, giống như nước đổ vào thùng không đáy. Chúng ta đã ăn cả vào Cl, C2. Ông còn nhấn mạnh: Kết quả là sức sản xuất bị kìm hãm không phát triển được, thất nghiệp tràn lan, người ăn thì nhiều, người làm thì ít, năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng giảm sút, xã hội không có hoặc có rất ít sản phẩm, lưu thông ách tắc do tình trạng chia cắt thị trường, khiến cho nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, lạm phát triền miên, giá cả tăng vọt, đời sống bấp bênh, các giá trị đạo đức, tinh thần bị xói mòn, tiêu cực phát triển.

    Xóa bỏ một tập quán, một thói quen đã rất khó. Xóa bỏ một mô hình cũ, một cơ chế cũ càng khó hơn. Nhưng, với một lập trường nguyên tắc, với thái độ kiên trì nhẫn nại, suốt từ Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, lần thứ bảy, rồi đến lần thứ tám và mãi về sau, cho đến Đại hội VI, Trường Chinh trước sau như một, vẫn kiên quyết bãi bỏ mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp.

    Tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, ông đề xuất: nền kinh tế nước ta hiện nay đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý năng động có khả năng bãi bỏ tập trung quan liêu, bảo thủ, trì trệ và bao cấp tràn lan, thực hiện đúng đắn tập trung dân chủ. Ông cho rằng, cơ chế bao cấp trong những năm qua làm cho bức tranh kinh tế của chúng ta trở thành giả tạo. Nay phải tiến hành hạch toán kinh doanh thật sự, trước hết phải hạch toán giá thành, phản ánh đầy đủ và đúng đắn các chi phí sản xuất; xóa bỏ cách làm hình thức và nửa vời lâu nay, khôi phục tính chân thật của các hoạt động kinh tế. Nghị quyết Trung ương sáu (Khóa V) có một tầm quan trọng trong việc đổi mới tư duy kinh tế của Đảng ta, nhưng lúc này tình hình vẫn chưa chuẩn bị, tư thế vẫn chưa sẵn sàng, mô hình cũ, cơ chế cũ vẫn còn đang tác quái và luồn lách ở mọi nơi, mọi lúc. Do vậy ở Hội nghị này, Trường Chinh chỉ mới gióng một hồi chuông báo động, mở màn cho một thời kỳ đổi mới bắt đầu. Tuy nhiên, hồi chuông đó báo hiệu cho một cuộc tiến công không cưỡng nổi vào mô hình và cơ chế tập trung quan liêu, hành chính bao cấp.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com