Trường Chinh - Nhà văn hoá lớn (kỳ 4)

06:08, 14/08/2018

Vũ Khiêu

(tiếp theo)

    Về sáng tác văn nghệ, đồng chí Trường Chinh yêu cầu lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc. Điều này không có nghĩa là đóng khung chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vào một công thức cứng nhắc nào đó. Cái gốc ở đây là ở chỗ người nghệ sĩ phải bám sát lấy hiện thực, phải đi sâu vào thực tiễn, để từ những diễn biến muôn màu của cuộc sống phát hiện được bản chất của vấn đề, dự báo được xu hướng tất yếu của lịch sử là chủ nghĩa xã hội. Còn như hiểu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một mớ quy tắc cứng nhắc thì đồng chí không yêu cầu văn nghệ sĩ làm như thế và bản thân đồng chí với bút danh Sóng Hồng cũng không làm như thế.

    Về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, trong báo cáo của mình, đồng chí Trường Chinh quan niệm văn hóa là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng không thể tách rời điều kiện kinh tế, không thể không chịu sự chi phối của hệ tư tưởng chính trị của giai cấp thống trị.

    Tuy nhiên, đồng chí Trường Chinh cũng nhắc nhở mọi người không nên quy mọi hiện tượng văn hóa một cách máy móc vào điều kiện kinh tế. Không phải văn hóa bao giờ cũng "ngoan ngoãn theo gót kinh tế". Tính độc lập tương đối của văn hóa khiến cho nó không phải lúc nào cũng phát triển song song với kinh tế. Có khi kinh tế phát triển mà văn hóa bị đình trệ hoặc phát triển chậm. Nói một cách khác, có khi kinh tế đã vượt lên rồi mà những học thuyết, những hình thái ý thức về văn hóa vẫn lẹt đẹt theo sau, không diễn tả nổi thực trạng kinh tế đã biến đổi. Nhưng trái lại, khi nào những học thuyết chính trị và những tác phẩm văn nghệ diễn đạt quyền lợi của giai cấp tiên phong thì thường nó lại đi trước thực trạng kinh tế.

    Điều này không những đúng với hoàn cảnh xã hội ta cách đây 50 năm mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị và văn hóa trong thời kỳ đổi mới hôm nay.

    Sự tu dưỡng của người nghệ sĩ

    Làm nổi bật lên vai trò văn hóa tiên phong đối với sự phát triển xã hội, đồng chí Trường Chinh đã động viên trí thức và văn nghệ sĩ đem hết trí tuệ và tài năng phục vụ cho nhiệm vụ chính trị là: đấu tranh cho độc lập của dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân.

    Thực hiện điều đó, giới trí thức đã có những phát minh sáng chế kỳ diệu trên các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật. Thực hiện điều đó giới văn học, nghệ thuật đã viết những tác phẩm xuất sắc góp phần thúc đẩy những hành động anh hùng của nhân dân ta qua hai thời kỳ kháng chiến.

    Đem lại cho văn nghệ sĩ những nhận thức đúng đắn về bản chất của cuộc sống và quy luật của văn hóa, đồng chí đem lại cho họ điều kiện quan trọng bậc nhất để sáng tạo. Đồng chí còn chỉ ra cho họ phương hướng trau dồi nghệ thuật và phát triển tài năng. Đồng chí cũng nhắc nhở rằng chỉ dựa vào tài năng mà coi nhẹ lý luận, coi nhẹ vai trò của nhận thức trong sáng tạo thì chỉ làm cho tài năng của mình bị thui chột và không thể có tiền đồ trong nghệ thuật.

    Đồng chí Trường Chinh cũng yêu cầu nghệ sĩ phải sáng tạo bằng những tình cảm mãnh liệt của mình. Thiếu những xúc cảm chân thành ở tác giả thì không thể tạo ra những hứng thú thưởng thức ở công chúng.

    Chẳng có một tác phẩm kiệt xuất nào lại không phải là kết quả xúc cảm của chủ thể sáng tạo đứng trước bản chất sâu xa của hiện thực khách quan. Không thể có một thành quả thẩm mỹ nào có giá trị khi nó chỉ là cái bóng mờ nhạt của lao động và chiến đấu, khi nó chỉ là nhịp đập hững hờ của những trái tim héo hon, tẻ lạnh trước cuộc sống.

    Được sự phân công của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã đặc biệt quan tâm đến việc học tập và phấn đấu của văn nghệ sĩ. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh tụ khác của Đảng, đồng chí Trường Chinh nêu lên những biện pháp rèn luyện của văn nghệ sĩ một cách có hệ thống và toàn diện: rèn luyện từ tâm hồn đến hành động, từ tài năng đến kỹ xảo, từ phong cách diễn đạt đến sự chính xác của ngôn từ.

    Tham gia thực tiễn cách mạng và bám sát cuộc sống của nhân dân là phương hướng quan trọng nhất của quá trình rèn luyện. Không qua thực tiễn sẽ không tiếp cận được chân lý, sẽ không có tình cảm đúng đắn và không thể đạt tới những tác phẩm có giá trị.

    Đồng chí Trường Chinh đòi hỏi mọi người sáng tạo phải "điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, học tập, cảm thông với quần chúng đông đảo, dấn mình trong phong trào, trái tim đập một nhịp với trái tim dân tộc, san sẻ vui buồn, sướng khổ với nhân dân lao động mà chiến đấu, tin tưởng và căm thù". Thực hiện phương châm rèn luyện đó, Đảng đã tổ chức cho văn nghệ sĩ học tập, tham gia các chiến dịch sản xuất và chiến đấu. Chính qua hoạt động thực tiễn mà văn nghệ sĩ Việt Nam thấy được tiền đồ đất nước, trách nhiệm của bản thân.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com