Trường Chinh - Nhà văn hoá lớn (kỳ 3)

06:08, 09/08/2018

Vũ Khiêu

(tiếp theo)

    Đề cương văn hóa Việt Nam đã làm sáng tỏ tình hình văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ, nêu lên các khẩu hiệu vận động văn hóa trong thời kỳ ấy với ba nguyên tắc: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa.

    Trước tình hình văn hóa mang ba căn bệnh lớn là: phản dân tộc, phản khoa học, phản đại chúng, đồng chí Trường Chinh kêu gọi những người làm công tác văn hóa phải thiết lập một mặt trận chiến đấu. Đồng chí viết: "Phàm cái gì chống lại tinh thần độc lập dân tộc và thống nhất phải thẳng cánh đập tan. Phàm cái gì trái khoa học, phản tiến bộ phải cương quyết bài trừ. Phàm cái gì phản đại chúng, xa đại chúng phải nhất loạt phê phán". Dân tộc, khoa học, đại chúng là những khẩu hiệu tất yếu và có ý nghĩa phổ biến của văn hóa trong cách mạng dân tộc, dân chủ. Nhưng ba nguyên tắc mà đồng chí Trường Chinh trình bày đã gắn chặt với văn hóa Việt Nam và đã chứa đựng những nhân tố cơ bản của bản sắc dân tộc trong văn hóa.

    Trong Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, đồng chí đã lần đầu tiên với tư cách nhà lý luận mácxít hệ thống hóa lại toàn bộ vấn đề văn hóa trên đất nước ta trong một văn kiện đầy sức sáng tạo và thuyết phục. Báo cáo đã hướng mọi hoạt động văn hóa và nghệ thuật vào sự nghiệp kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta và giúp cho những người chiến đấu trên mặt trận này nắm được quy luật của cuộc sống và quy luật của sáng tạo nghệ thuật.

Đồng chí Trường Chinh thăm và nói chuyện với cán bộ lãnh đạo tỉnh Hải Hưng, tháng 1-1981. Ảnh tư liệu
Đồng chí Trường Chinh thăm và nói chuyện với cán bộ lãnh đạo tỉnh Hải Hưng, tháng 1-1981. Ảnh tư liệu

    Theo đồng chí, người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và nghệ thuật cần xác định một lập trường văn hóa vững vàng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân:

    Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc.

    Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc.

    Về tư tưởng, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc.

    Về sáng tạo văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc.

    Có người cho lập trường trên đây là quá cứng. Nhưng tôi nghĩ rằng đó lại là một điều tối cần thiết. Nếu như không luôn luôn đứng vững trên lập trường trên đây, văn nghệ sĩ dễ mất phương hướng, dễ nảy sinh những tư tưởng lệch lạc, dễ mắc phải những sai lầm trong cả nhận thức và sáng tạo.

    Về mặt xã hội, phải đứng trên lập trường và quan điểm của giai cấp công nhân, bởi giai cấp công nhân là nhân đạo nhất, kiên cường nhất và sáng suốt nhất. Chỉ có giai cấp công nhân mới có thể giải phóng mình, giai cấp mình khi đấu tranh giải phóng cho cả xã hội. Chính vì thế mà đứng trên lập trường của giai cấp công nhân thì sẽ ít rơi vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, sẽ biết đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, sẽ biết nhìn xa trông rộng.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tính giai cấp của văn hóa, văn nghệ sẽ đạt tới trình độ cao, trở thành tính đảng. Tính đảng đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tinh thần trách nhiệm cao, khi cầm bút phải tự hỏi: Mình viết về cái gì? Viết cho ai? Và viết để làm gì?

    Mặt khác, đồng chí cũng phê phán những nhận thức máy móc về tính giai cấp và tính đảng. Tính đảng trong sáng tác văn học không chỉ đòi hỏi có tính tư tưởng cao mà còn phải có tính nghệ thuật cao. Tính đảng đòi hỏi tác phẩm phải tiêu biểu cho giai cấp đứng ở đỉnh cao của thời đại để sáng tạo. Chính vì thế, nó không chấp nhận những tác phẩm tầm thường, công thức và tự nhiên chủ nghĩa.

    Về mặt chính trị, đồng chí đòi hỏi lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc. Đây là một định hướng chính trị dứt khoát và rõ ràng. Mọi người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đều phải tuân theo định hướng ấy và phục vụ cho định hướng ấy. Nói văn nghệ phục vụ chính trị là nói theo nghĩa này. Mọi hành động thoát ly quan điểm này sẽ dẫn đến những lệch lạc cả tả và hữu.

    Về tư tưởng, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc. Chủ nghĩa Mác - Lênin đem lại một cái nhìn sáng suốt để phân biệt được đúng hay sai, thật hay giả, để phân tích được tình hình, đánh giá được quá khứ, dự báo được tương lai. Đó là những điều tối cần thiết cho những người hoạt động văn hóa và sáng tạo nghệ thuật. Chủ nghĩa Mác - Lênin có một sức sống bất diệt bởi nó luôn vận động, phát triển và sáng tạo. Chính vì thế, nó hoàn toàn xa lạ với mọi biểu hiện của chủ nghĩa công thức và chủ nghĩa giáo điều. Chính vì vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm vững được những đặc điểm của xã hội phương Đông và Việt Nam và đề ra được những đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, không sao chép một cách máy móc bất cứ mô hình nào khác. Noi gương Hồ Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh cũng nắm rất vững chủ nghĩa Mác - Lênin trong mọi hoạt động chính trị và văn hóa của mình. Văn nghệ sĩ nắm được chủ nghĩa Mác - Lênin là được ánh sáng mặt trời rọi soi vào cuộc sống vô cùng phong phú và phức tạp đã diễn ra hôm qua, hôm nay và ngày mai.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com