Trường Chinh - Nhà văn hoá lớn (kỳ 2)

06:08, 07/08/2018

Vũ Khiêu

(tiếp theo)

    Các bước trưởng thành

    Theo học ở trường tân học từ phổ thông đến cao đẳng, Trường Chinh đã có điều kiện thuận lợi để tiếp thu những thành tựu của văn hóa Pháp, mở rộng tầm nhìn ra thế giới, không ngừng nâng cao thêm mãi kiến thức của mình, trở thành một học giả uyên thâm, gạn lọc cho mình những tinh hoa văn hóa của cả phương Đông và phương Tây ở cả quá khứ và hiện tại. Chính trong dịp này, ông đã tìm hiểu Cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Trung Hoa 1911 và Cách mạng Nga 1917. Ông đã hăng say tham gia các phong trào yêu nước, đòi thả Phan Bội Châu, bãi khóa để tang Phan Chu Trinh.

    Nhưng tinh thần yêu nước và niềm khao khát hiểu biết của ông cũng sẽ là vô ích nếu như ông đã không đủ nhạy bén để nắm bắt được điều kỳ diệu đã đến với cách mạng Việt Nam, đó là sự gặp gỡ giữa phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác - Lênin. Tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ông đã đi hẳn theo Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc. Từ bước ngoặt lớn nhất này trong cuộc đời ông, chủ nghĩa Mác - Lênin luôn luôn là ánh sáng soi đường cho ông trong mọi suy nghĩ và hành động. Ông trở thành một người cộng sản sắc sảo và kiên cường ở cả mặt chính trị và văn hóa, cùng với Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng chỉ đạo mọi thắng lợi của nhân dân ta.

    Từ năm 1941, được bầu làm Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã gánh vác những công việc cực kỳ quan trọng, xứng đáng là người học trò xuất sắc và tin cậy của Bác Hồ.

    Kết hợp chính trị và văn hóa, đồng chí vừa chỉ đạo những công việc cấp thiết hàng ngày của Đảng, vừa viết những bài báo nhanh nhạy, những văn kiện kịp thời để động viên nhân dân, để giáo dục cán bộ, để phê phán những quan điểm mơ hồ, để đập tan những tư tưởng phản động. Đồng chí để lại cho chúng ta một di sản lớn gồm những công trình có giá trị cao cả về lý luận và thực tiễn.

    Cuốn Vấn đề dân cày viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp đã phân tích sâu sắc về xã hội Việt Nam, nhất là nông dân và nông thôn Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc với những sự kiện sống động và điển hình. Cuốn vấn đề dân cày đã tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh gồm các mặt kinh tế, chính trị và văn hóa ở nông thôn, làm nổi bật lên tính tất yếu của cách mạng ruộng đất và cách mạng văn hóa trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Có thể nói cuốn sách là mẫu mực của sự kết hợp giữa chính trị và văn hóa khi đi vào nghiên cứu xã hội Việt Nam.

    Là một nhà lý luận lỗi lạc của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã luôn luôn kịp thời có những ý kiến sâu sắc và sáng tạo ở mỗi chặng đường của cách mạng. Một loạt bài sục sôi tinh thần chiến đấu trước Cách mạng Tháng Tám, đã có sức mạnh lôi cuốn đông đảo nhân dân vùng lên dưới lá cờ của Đảng.

    Ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi, trình bày một cách sáng tỏ các chặng đường của cuộc kháng chiến, củng cố niềm tin và nâng cao ý chí của mọi người. Từ đó về sau, qua hai lần làm Tổng Bí thư và giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, đồng chí Trường Chinh không ngừng có những ý kiến sắc sảo qua hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới từ mười sáu năm nay. Tôi dành lĩnh vực chính trị này cho nhiều nhà nghiên cứu khác và đi sâu vào vấn đề: Trường Chinh, nhà văn hóa lớn.

    Nhà lý luận kiệt xuất về văn hóa, nghệ thuật

    "Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận đó". Lời nói bất hủ này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát những tư tưởng cơ bản của Đảng về văn hóa và nghệ thuật. Đồng chí Trường Chinh được sự phân công của Đảng là người nắm vững và thường xuyên thể hiện tư tưởng ấy trong các bài viết và lời nói của mình.

    Ở mỗi chặng đường lịch sử, trước mỗi thử thách của cách mạng, đồng chí đều đánh giá tình hình, nêu lên trách nhiệm cụ thể của văn hóa. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến tâm trạng lúc vững vàng, lúc dao động của văn nghệ sĩ, nên đã luôn luôn kịp thời giúp anh chị em có những nhận thức đúng đắn để liên tục tiến lên trên con đường cách mạng, góp phần xứng đáng của văn hóa vào sự nghiệp chung. Hàng loạt tác phẩm cùng các bài viết của đồng chí tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm đúng đắn, sắc bén và sáng tạo của Đảng trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Nổi bật lên nhất là ba cống hiến lớn của đồng chí:

    Biên soạn Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

    Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam.

    Báo cáo đọc tại các hội nghị văn nghệ toàn quốc.

    Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Trường Chinh được phân công soạn thảo cũng đã gắn chặt nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ văn hóa. Chính trị chỉ có thể thành công khi nó được tổ chức và chỉ đạo bởi một lý luận tiền phong là chủ nghĩa Mác - Lênin, khi nó động viên được sức mạnh tinh thần của toàn thể nhân dân, khi nó được đông đảo đội ngũ trí thức tham gia với tinh thần tự giác và sáng tạo. Ngược lại, văn hóa chỉ có ý nghĩa khi nó gắn liền với nhiệm vụ chính trị cao cả của nhân dân và phục vụ cho nhiệm vụ ấy.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com