Trường Chinh trên mặt trận báo chí, văn hoá - văn nghệ (kỳ 4)

06:07, 26/07/2018

Hà Xuân Trường

(tiếp theo)

    Nhận định về quan hệ giữa quan điểm tư tưởng và đấu tranh vũ trang, Trường Chinh viết một câu chắc nịch rất sát với thực tế của nước ta: "Cuộc đấu tranh về tư tưởng đã biến thành cuộc đấu tranh vũ trang. Cuộc công kích bằng vũ khí thay thế cho cuộc công kích bằng ngòi bút. Văn hóa cách mạng đã đi trước thực trạng kinh tế và ảnh hưởng lại xã hội một cách mãnh liệt".

    Giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa giai cấp vô sản và tính dân tộc của nền văn hóa Việt Nam, tác giả nhấn mạnh đến cái gốc:

    "Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc.

    Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc.

    Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc.

    Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc".

    Cho đến hôm nay đã ngót nửa thế kỷ, những vấn đề cụ thể được đề ra trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam gần như chưa hết tính thời sự. Những vấn đề như "nghệ thuật và tuyên truyền phê bình và luận chiến", "làm thế nào để sáng tác văn nghệ được tốt", vẫn còn theo đuổi chúng ta cho đến tận hôm nay.

    Trường Chinh viết: "Nghệ thuật và tuyên truyền không hoàn toàn khác nhau, nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau, tuyên truyền cao tới một mức độ nào đó thì tuyên truyền trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật thiết thực tới một mức độ nào đó thì nghệ thuật có tính chất rõ rệt là tuyên truyền".

    Trong lúc đòi hỏi "tính kịp thời" tác giả không quên đặc trưng của nghệ thuật, sự nghiền ngẫm lâu dài:

    "Văn nghệ sĩ nào có đủ điều kiện hoặc cao hứng muốn sáng tác kỹ và lâu dài để cho tác phẩm nghệ thuật của mình được "vĩnh cửu" xin cứ làm. Một điều chắc chắn là nếu văn nghệ sĩ đó trung thành với thời đại, đi sát cuộc chiến đấu của dân tộc và đời sống của nhân dân, thì tác phẩm của họ nghệ thuật càng cao và càng có ý nghĩa tuyên truyền mạnh".

    Câu nói nổi tiếng hồi đó để khích lệ sự phê bình: "Không có phê bình, không có luận chiến, phong trào văn nghệ nước ta êm đềm quá, trầm mặc quá! Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho lồng lên". Một thời hình tượng đó được ca ngợi vì tính sát thực và dí dỏm của nó... Nói đến ngựa những ngày đầu kháng chiến thì ai cũng thích có con "chiến mã" và tự ví mình là "chiến mã"!

    Không có một tác phẩm nào không có những hạn chế về hoàn cảnh lịch sử cụ thể, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam không có ngoại lệ. Nhưng tác phẩm lý luận bắt rễ từ đời sống dân tộc giải quyết những vấn đề của cả một giai đoạn lịch sử chắc chắn sức sống của nó còn lâu dài.

Người xây dựng lý luận văn nghệ cách mạng

    Hồ Chí Minh và những đồng chí sáng lập ra Đảng ta đều coi trọng vai trò và vị trí của văn nghệ trong sự nghiệp cách mạng, phần lớn đều tham gia trực tiếp vào hoạt động văn nghệ cách mạng. Các đồng chí vừa là người lãnh đạo, vừa là người bạn chân tình của văn nghệ sĩ, không ít đồng chí là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc có ảnh hưởng sâu xa đến sự hình thành nền văn nghệ hiện đại Việt Nam. Trường Chinh thuộc thế hệ sáng lập nền văn nghệ cách mạng nước ta. Ông là người xây dựng lý luận cơ bản cho nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.

    Từ Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ IV về trước, bao giờ cũng có một phiên họp của Bộ Chính trị bàn về Đại hội, thông qua bức thư gửi Đại hội và góp ý kiến vào bài nói của đồng chí thay mặt Đảng sẽ trình bày ở Đại hội. Người được giao trách nhiệm đó là đồng chí Trường Chinh. Đồng chí Tố Hữu là người chỉ đạo cụ thể.

    Trong các bài nói ông đề cập hầu hết các vấn đề thuộc sáng tạo nghệ thuật: tính đảng, tính nhân dân, tính dân tộc, phương pháp sáng tác, hình tượng nghệ thuật, đào tạo và bồi dưỡng lực lượng trẻ, viết người thật và hư cấu nghệ thuật, phê phán và xây dựng, phê bình và tự do sáng tạo, kế thừa truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn nghệ nhân loại…

    Về quan hệ giữa văn nghệ và chính trị, đồng chí viết: "... đã có những quan điểm giản đơn, thiển cận về vấn đề văn nghệ phục vụ chính trị, dẫn tới chỗ coi nhẹ trách nhiệm cá nhân. Ít khuyến khích sự suy nghĩ, tìm tòi của từng người trong việc sáng tác; gò bó đề tài và hình thức nghệ thuật một cách hẹp hòi, phiến diện. Nhiều tác phẩm muốn "phục vụ chính sách" và "phục vụ kịp thời", nhưng lại rơi vào chỗ tầm thường hóa văn nghệ, đẻ non, làm vội, tuyên truyền chính sách một cách khô khan hoặc công thức".

    "Văn nghệ phục vụ chính trị tức là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, phục vụ sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phương thức phục vụ rất phong phú; văn nghệ sĩ phải hoàn toàn tự nguyện và phải chủ động trong sự sáng tạo của mình".

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com